Phát hiện hơn 5.000 mỹ phẩm nhái thương hiệu rao bán trên mạng

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa cho biết lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh phối hợp cơ quan chức năng liên quan đã phát hiện hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Số mỹ phẩm này được các đối tượng kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội.

Vào ngày 10-12, lực lượng QLTT Bắc Ninh phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Ninh); Công an huyện Quế Võ; Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên 5.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: DMS

Kết quả kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện trên 5.000 sản phẩm mỹ phẩm là kem mắt, nước hoa, son môi, nước hoa hồng... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như Versace, Dior, Gucci, Moschino, Chanel, Lelabo, Armani... Cùng với đó là hơn 500 lọ thủy tinh và nhiều tem, nhãn các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Cương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để phối hợp lực lượng công an xác minh, làm rõ.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã liên tiếp phát hiện và xử lý hàng hoạt vụ vi phạm về mỹ phẩm. Đơn cử như vào tháng 6 năm nay, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT tỉnh Quảng Bình) phát hiện trang Facebook cá nhân của bà Hồ Phương Lan có dấu hiệu buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Đội QLTT số 7 đã đề xuất thành lập đoàn kiểm tra, thành phần có Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Quảng Bình) để tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Sau khi kiểm tra cơ sở tập kết hàng hóa của bà Hồ Phương Lan ở địa chỉ Khu phố 2, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 400kg chất kem màu vàng; hơn 80 chai serum huyết thanh loại 100ml/chai; gần 300kg chất gel màu tím; hơn 200kg chất gel màu trắng không rõ nguồn gốc. Tổng trọng lượng hàng hóa gần 1 tấn.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: DMS

Vào tháng 3, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với thành viên tổ công tác về thương mại điện tử của Tổng cục QLTT cũng phát hiện gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm.

Chủ hàng là ông Trần Đức Trường khai nhận số hàng hóa này được mua trôi nổi qua mạng xã hội Facebook, không có tem nhãn. Sau khi nhận hàng, cơ sở dán tem và bán ra ngoài thị trường. Đáng chú ý, cơ sở không bán tại cửa hàng mà thuê phòng trọ giá rẻ để bán hàng qua mạng.

Theo chia sẻ của Tổng cục Quản lý thị trường, thực tế trong quá trình thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên thị trường cho thấy tình trạng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể và không có hàng hóa để xử lý vi phạm.

Đặc biệt, có một số loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nhưng do không có mẫu thật, không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý. Trong khi đó, kinh phí trong giám định chất lượng mỹ phẩm rất hạn chế so với yêu cầu thực tế của công tác kiểm tra.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến tháng 6-2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 13.000 vụ và phát hiện, xử lý hơn 8.400 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 65 tỉ đồng. Riêng trong năm 2021, lực lượng QLTT đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm