Phạt nặng để tạo thói quen văn minh

Chiều 10-11, tại phiên thảo luận của QH về Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra phân tán khi cho ý kiến về mức phạt được đề cập trong dự luật (tối đa đến 2 tỉ đồng - gấp bốn lần hiện nay). Nhiều ĐB cho rằng mức phạt tăng quá cao sẽ khiến người dân, nhất là người nghèo khó có thể thực hiện được việc nộp phạt. Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại đồng tình rằng phải tăng mức phạt để giáo dục, răn đe.

Không phải không thương dân

Theo ĐB Lê Đông Phong (TP.HCM), việc tăng mức xử phạt cao có tác dụng răn đe tốt. Ví như vi phạm về không đội mũ bảo hiểm trước đây phạt thấp nên người dân coi thường không đội mũ nhưng khi tăng mức phạt lên, trong đó cho phép khu vực nội thành ở TP.HCM và Hà Nội được phép phạt tiền gấp đôi thì người dân lại chấp hành khá tốt.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng cho biết qua khảo sát, điều tra của các cơ quan chức năng, ở đâu cũng đều đánh giá một trong những nguyên nhân khiến pháp luật không được tuân thủ là do thiếu chế tài hoặc chế tài nhẹ.

Phạt nặng để tạo thói quen văn minh ảnh 1

Việc tăng mức xử phạt khiến người dân sẽ tuân thủ pháp luật hơn khi tham gia giao thông. Ảnh: HTD

Cùng chung quan điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn chứng hiện các cơ quan chức năng của TP đang phạt công ty tổ chức biểu diễn đêm nhạc Chế Linh ở mức 15 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt trên chỉ bằng 10 vé hạng nhất nên cứ phạt xong họ lại treo băng rôn quảng cáo ngay. Hay như trước đây, các cá nhân đổ mấy chục tấn bùn ở ngay trước cổng Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Khi thực hiện hành vi đó, họ căn giờ rồi, chỉ vài phút là xong. Nếu chỉ phạt 200.000 đồng thì lần sau họ lại tiếp tục đổ. “Không nên nghĩ phạt nặng là không thương dân mà là tạo cho họ thói quen văn minh, lịch sự. Dân mình sang Singapore nhắc nhau vứt đầu mẩu thuốc lá đúng nơi quy định vì bị sợ phạt nặng” - ông Nghị nói.

“Quá nặng về tiền”

Trái với các ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lại cho rằng hình thức xử phạt không phải là giải pháp để khắc phục một cách căn cơ đối với vi phạm pháp luật hành chính. “Tôi không đồng tình việc đẩy mức xử phạt lên quá cao” - ông Quyền nói.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) thì cho rằng mức phạt quá cao sẽ khiến nhiều người không có tiền để nộp phạt. Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự, mức phạt 400 triệu đồng là nghiêm trọng rồi và tương ứng với đó là hình thức cải tạo hoặc phạt tù. “Phạt cao như thế, chúng ta sẽ đẩy nhiều người dân đứng trước các sự lựa chọn là chấp nhận nộp phạt hay là bị phạt tù” - ông Ánh nói.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng băn khoăn: “Chúng ta phạt cao, trong đó mức phạt tối đa đến 2 tỉ đồng. Như thế, cơ quan, tổ chức, DN còn chịu được chứ người dân, người lao động thì lấy tiền đâu ra mà nộp?”. Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương thì nói thẳng: “Luật này quá nặng về tiền nhưng không tính đến chuyện nhiều người vi phạm kiếm được tiền hết sức khó khăn”.

Chưa chắc hết chồng chéo

Trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra nói việc ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật chuyên ngành. Nhưng tôi thấy luật này ra đời sẽ không giải quyết được vấn đề này. Vì hiện nay trong các luật chuyên ngành có rất nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính và Chính phủ đã ban hành các nghị định để cụ thể hóa các quy định đó. Thế nhưng luật này không quy định về nguyên tắc áp dụng luật, cũng không đưa ra được phương án xử lý những chồng chéo trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN

THÀNH VĂN - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm