Phạt nguội: Chế tài hiệu quả!

Cách đây mấy tháng, tôi bị mất giấy chứng nhận đăng ký ô tô (cà vẹt). Khổ nỗi giấy tờ bị mất ngay thời điểm xe hết hạn đăng kiểm nên ngày nào đi đường cũng bị CSGT thổi. Tuy nhiên, chuyện bị CSGT thổi phạt không đáng sợ bằng chuyện đi nộp phạt nguội.

Bị phạt nguội… hồi nào?

Để làm lại cà vẹt, tôi làm đơn cớ mất kèm theo các giấy tờ cần thiết rồi đến Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tại đây, người xếp hàng lấy số, chờ gọi tên đông không khác gì cảnh chen nhau mua vé tàu Tết. Tôi không ngoại lệ, bon chen mãi lấy được số rồi lại tiếp tục qua phòng lưu biển số xác nhận xe không bị cầm cố ngân hàng rồi nhiều thủ tục khác.

Hết gần buổi sáng mới tới được khâu cuối cùng, tưởng êm xuôi ai ngờ anh cán bộ bấm bấm, nhìn nhìn trên màn hình rồi nói: “Xe anh bị phạt nguội, chưa đóng phạt. Anh phải qua Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, quận 1 để nộp phạt. Cầm biên lai đóng tiền về đây chúng tôi giải quyết tiếp”.

Toát mồ hôi vì không biết mình vi phạm khi nào vì tôi luôn chạy xe rất nghiêm túc, cẩn thận. Trưa nắng nóng vừa ấm ức quay xe về nhà vừa nghĩ chắc là mình cho ai đó mượn xe rồi họ vi phạm.

Người dân đến nộp phạt nguội tại cơ quan chức năng. Ảnh: LÊ THOA

Trốn đường nào cũng không khỏi

Hôm sau tôi buộc phải đi nộp phạt để được làm giấy tờ mới. Đến nơi đóng phạt lại phát choáng vì người xếp hàng lấy số ở đây cũng đông như trẩy hội. Ngồi chờ mà lòng như lửa đốt, chỉ sợ phải kéo tới buổi chiều thì lỡ hết công việc. May sao tôi là người cuối cùng được giải quyết trước khi các cán bộ công an đóng cửa, kết thúc giờ làm việc buổi sáng.

Sau khi tôi đọc biển số xe để cán bộ nhập máy, màn hình hiện lên rất rõ ràng hình ảnh chiếc xe và quang cảnh nơi vi phạm. Chẳng khó khăn gì để tôi nhận ra người gây lỗi chính là… mình nhưng vụ việc đã cách đó hơn một năm. Lỗi tôi phạm phải là đậu xe nơi cấm đậu.

Chứng cứ rành rành, tôi chỉ còn cách nhanh chóng ký các thủ tục để kịp nộp phạt. Kho bạc nhà nước khá “tâm lý” khi bố trí một bàn thu tiền hộ ngay tại đây, người nộp phạt nộp thêm một chút tiền dịch vụ để đỡ phải chạy thêm một vòng nữa.

Chỉ một lần đậu xe sai nơi quy định mà tôi đi tong mất hai ngày, vừa phí thời gian vừa quá mệt mỏi vì ở đâu cũng phải đợi dài cổ trong cái nóng bức, ồn ào. Tiền phạt không nhiều mà hành trình nộp thật quá trần ai. Dù có vô tình hay cố ý “trốn phạt” cả năm thì cuối cùng vẫn sẽ có tình huống buộc bạn phải thi hành án.

Bây giờ nói đến phạt nguội là tôi sợ lắm, đi đâu cũng phải chú ý cẩn thận, nhìn trước ngó sau kẻo vô tình mắc lỗi. Đôi khi phạt nóng còn “xoay xở” tại chỗ được chứ phạt nguội thì dù người vi phạm là ai cũng chỉ còn cách răm rắp tuân thủ. Vì thế tôi cho rằng đây là hình thức mà người tham gia giao thông ngán ngại nhất.

Phạt nguội giao thông ở các nước

Tại Úc, người lái xe vi phạm lỗi cơ bản sẽ bị trừ điểm trên bằng lái. Tùy vào mức độ mà số điểm bị trừ nhiều hay ít. Với các lỗi nghiêm trọng, bằng lái có thể bị cơ quan quản lý tước bỏ, người vi phạm phải học lại, thi lại.

Sau khi hệ thống camera truy xuất hình ảnh để phạt nguội, người vi phạm ở bất kỳ vị trí nào đều sẽ nhận được một biên bản gửi đến tận nhà và có 28 ngày để nộp phạt; hoặc xin gia hạn hoặc xin thay nộp phạt bằng các hình thức phạt khác như lao động công ích.

Nếu sau hai lần vẫn không chịu nộp phạt thì người điều khiển phương tiện vi phạm đó sẽ bị đưa vào danh sách đen, bị dừng xe bất kỳ lúc nào để xử lý.

Ở Mỹ, người vi phạm giao thông không cần biết là ai đều được nhận diện bằng biển số xe. Khi nhận phiếu báo vi phạm, người dân phải đến cơ quan chức năng nộp phạt. Cảnh sát không được phép thu tiền phạt tại chỗ. Nếu người dân không chấp hành, cơ quan quản lý sẽ gửi phiếu phạt lần hai. Lần này mức phạt có thể tăng đến gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền phạt lần một tùy thời gian, tính chất, mức độ nghiêm trọng.

 ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.