Phát triển lưới điện thông minh tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM

Tập đoàn Điện lực Singapore (SPGroup) đã đánh giá và xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh năm 2021 đối với 86 công ty điện lực trên thế giới.

Theo đó, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đạt 67,9/100 điểm, hiện đang xếp thứ 2 trong số các công ty điện lực thuộc các nước ASEAN và đang đứng thứ 53/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia có lưới điện thông minh trên thế giới, tăng 17 hạng so với năm 2020.

Hiểu về lưới điện thông minh

Lưới điện thông minh là hệ thống lưới điện sử dụng công nghệ số và những công nghệ tiên tiến khác để giám sát và quản lý việc truyền tải điện từ tất cả các nguồn phát để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Lưới điện thông minh kết hợp những nhu cầu và năng lực của tất cả các nhà máy phát điện trên thị trường điện, người điều hành lưới điện, khách hàng sử dụng điện nhằm vận hành hệ thống điện với độ tin cậy cao, hiệu quả, và an toàn với chi phí đầu tư và ảnh hưởng về môi trường ở mức thấp nhất.

Lưới điện thông minh được SPGroup thực hiện đánh giá để so sánh giữa các công ty điện lực tiên tiến trên thế giới theo 07 lĩnh vực: giám sát và điều khiển, phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp nguồn năng lượng phân tán, năng lượng xanh, an ninh lưới điện, trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng.

Thực trạng lưới điện thông minh của EVNHCMC

Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã triển khai xây dựng Lưới điện thông minh từ năm 2016 nhằm nâng cao năng lực cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng về chất và lượng của khách hàng TP.HCM.

Theo kết quả ghi nhận giai đoạn 2016 – 2020, chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) giảm từ 5,11 lần xuống còn 0,59 lần, bình quân mỗi năm giảm 37,51%; chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) giảm từ 514 phút xuống còn 44 phút, bình quân mỗi năm giảm 41,56%. Đây là một con số ấn tượng chứng tỏ chất lượng điện năng cung cấp tại TP.HCM đã tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Thanh - TGĐ EVNHCMC cùng các anh em công nhân tại hiện trường

Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, để làm được điều này, EVNHCMC đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai tự động hóa lưới điện. Hệ thống lưới điện của TP.HCM đã biến đổi từ hệ thống lưới điện vận hành theo phương thức thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người và thời tiết chuyển sang phương thức vận hành tự động. Cụ thể, từ năm 2017, EVNHCMC đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa, có khả năng giám sát và điều khiển từ xa lưới điện toàn Thành phố theo thời gian thực. Trong năm 2018, đã hoàn tất chuyển đổi 100% các trạm biến áp 110 kV đáp ứng tiêu chí không người trực vận hành dựa trên việc ứng dụng các công nghệ SCADA điều khiển từ xa, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh.

Đến hết năm 2019, EVNHCMC đã hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa cho 100% các phát tuyến lưới điện trung thế thông qua việc lắp đặt và đưa vào vận hành hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh, kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng (3G, cáp quang) chuyên biệt. Đặc biệt hơn, các đơn vị trong Tổng công ty đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống lưới điện vận hành tự động hóa hoàn toàn (không cần người điều khiển) cho khoảng 180 tuyến dây công cộng. Nhờ vào các hệ thống này, hiện nay, hơn 90% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian ngắn hơn 5 phút.

Xây dựng doanh nghiệp số trên nền tảng lưới điện thông minh

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện nay EVNHCMC đang khẩn trương hoàn tất lắp đặt công tơ có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa cho tất cả các khách hàng sử dụng điện. Hệ thống đo đếm dữ liệu từ xa này cũng đã và đang phục vụ đắc lực cho công tác kinh doanh và quản lý kỹ thuật của ngành điện, như: tự động ghi chỉ số tiêu thụ (không cần nhân viên ghi điện tới nhà khách hàng), tự động tính toán hoá đơn tiền điện; thực hiện giám sát, quản lý vận hành lưới điện từ xa, đặc biệt là giúp phát hiện nhanh các hiện tượng mất điện, thấp/quá áp, non/quá tải, thiếu/quá bù công suất phản kháng để kịp thời xử lý; khách hàng chủ động theo dõi và kiểm soát số lượng điện tiêu thụ trong gia đình thông qua tin nhắn, ứng dụng trên điện thoại thông minh.  

Tính đến nay, EVNHCMC đã triển khai lắp đặt công tơ có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa cho toàn bộ 1.800 điểm đo tại trạm biến áp 220kV, 110kV (đạt tỉ lệ 100%); hơn 29.000 điểm đo tại các trạm biến áp phân phối (đạt tỉ lệ 100%); đã lắp đặt 2.561.021/2.649.407 công tơ đo xa của khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc khai thác hệ thống đo xa phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành điện cũng như cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TP.HCM.

Khánh thành tổng đải đa kênh

EVNHCMC cũng đã đưa vào hoạt động tổng đài đa kênh liên lạc với khách hàng. Với tổng đài đa kênh, khách hàng có thể chủ động lựa chọn kênh liên lạc với ngành điện qua nhiều phương thức đa dạng trên một nền tảng công nghệ thống nhất, đáp ứng đầy đủ các hình thức giao tiếp phổ biến hiện nay như thoại, văn bản (text), tin nhắn, thoại có hình ảnh (video call). Đó là các phương thức giao tiếp như: Thư điện tử (email); Tin nhắn SMS; Cuộc gọi qua Internet (VoIP); giao tiếp qua trang tin điện tử (Internet Web) và ứng dụng trên thiết bị di động (Mobile Apps); giao tiếp qua các ứng dụng mạng xã hội (Social) như Zalo, Facebook, Viber…; giao tiếp qua ứng dụng riêng biệt (Application). Tổng đài đa kênh đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết lập hệ thống trả lời tự động Chatbot trên website, hệ thống gọi lại Callbot. Các hình thức trả lời tự động (Chatbot), điện thoại viên ảo (Callbot) vừa hỗ trợ ngành điện nhanh chóng giao tiếp ngay khi khách hàng gọi đến, vừa mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm công nghệ hiện đại, tạo cảm giác mới mẻ, thoải mái và thân thiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm, trong giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm thời gian qua, EVNHCMC tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa lưới điện, xây dựng lưới điện thông minh với nội dung trọng tâm như duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối và tiếp tục mở rộng, phát triển hệ thống này; thực hiện các dự án ĐTXD, phát triển lưới điện, áp dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo điều kiện vận hành (CBM), hướng tới độ tin cậy cung cấp điện (RCM) để ngày càng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng; thực hiện chuyển đổi số, trong đó chú trọng xây dựng các ứng dụng hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý, vận hành lưới điện và xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm