Phí giao thông đè doanh nghiệp vận tải

“Nguồn ngân sách phân bổ cho quỹ bảo trì đường bộ bị cạn do chi phí đầu tư xây dựng cầu, đường hiện quá đắt. Vì vậy, cơ quan quản lý cứ chăm chăm vào số phí sử dụng đường bộ sẽ thu được từ lượng xe máy, ô tô hiện nay. Nhưng mức thu lại quá cao, sẽ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân” - ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận xét tại hội thảo Phí giao thông đường bộ - thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp, ngày 9-5.

Phí chồng phí

Công ty Vận tải Sơn Hà dẫn chứng, công ty hiện có 100 rơmoóc và 20 đầu kéo. Với mức thu mà liên bộ Tài chính - GTVT dự kiến, mỗi năm doanh nghiệp phải đóng đến 1,4 tỉ đồng tiền phí sử dụng đường bộ. Dự báo doanh số năm 2012 sẽ không tăng so với năm 2011, do đó công ty phải chuyển chi phí trên vào giá thành mới sống nổi, nếu không thì… chết chắc.

Theo ông Lê Thành Thao, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Quang Châu, phí giao thông đường bộ hiện là gánh nặng với doanh nghiệp vận tải (chiếm trên 10% tổng chi phí). Đã vậy, việc thu phí còn nhiều bất hợp lý, tình trạng phí chồng phí trên nhiều tuyến đường quan trọng chưa được giải quyết gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước có tới ba trạm thu phí trong quãng đường khoảng 100 km. Cá biệt, một số trạm có khoảng cách rất ngắn, như trạm Suối Giữa (thị xã Thủ Dầu Một) đến trạm Vĩnh Phú (thị trấn Lái Thiêu) chỉ 16 km; trạm Vĩnh Phú đến trạm Bình Triệu chỉ 8 km.

Phí giao thông đè doanh nghiệp vận tải ảnh 1

Phí sử dụng đường bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, đồng thời tác động xấu đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ảnh: MP

Nhiều đại biểu cũng cho rằng tình trạng phí chồng phí bao trùm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có mật độ hàng hóa cần lưu thông cao nhất nước. “Đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp khắc phục các hạn chế trên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp vận tải và người tiêu dùng” - ông Đinh Nam Dinh kiến nghị.

Nguy cơ tăng tai nạn

Ông Dinh cho rằng việc Chính phủ yêu cầu lùi thời hạn thu phí sử dụng đường bộ tới đầu năm 2013 giúp cơ quan chức năng có thêm thời gian để tính toán, hoàn thiện giải pháp thu phí. Hiện nay, Nghị định 18/2012 và dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện của liên bộ Tài chính - GTVT có nhiều điểm chưa phù hợp thực tế, sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. “Phương thức thu phí qua đầu phương tiện chưa đảm bảo công bằng. Nếu thu như vậy, bản chất của phí sẽ bị lạm dụng và không khác gì là thuế tài sản” - ông Dinh nói.

Một điểm bất hợp lý nữa là phí sử dụng đường bộ áp dụng với cả xe đầu kéo và rơmoóc, sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo. “Một tổ hợp xe đầu kéo phải gồm cả đầu kéo và sơmi rơmoóc, nếu “chẻ” ra để thu cả hai thì không hợp lý. Nếu thu như thế, một số doanh nghiệp sẽ “lách”, không đăng kiểm sơmi rơmoóc để tránh đóng phí, dẫn đến nguy cơ tiềm tàng về tai nạn giao thông” - ông Lê Thành Thao cảnh báo.

Ông Dinh còn cho rằng yêu cầu đóng phí cho cả quá trình hoạt động trong tương lai (đóng phí trước, theo chu kỳ đăng kiểm - NV) rất dễ khiến doanh nghiệp vận tải thua lỗ, phá sản hoặc làm tăng giá thành vận chuyển, dẫn đến mất khách hàng. “Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ về mức phí, nhóm phương tiện trên cơ sở ưu tiên cho nhóm xe hàng hóa. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua xăng dầu. Người nào sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiên liệu nhiều thì đóng phí nhiều. Cách thu này đơn giản, hạn chế được thất thu lại không phải trích bớt cho bộ máy tổ chức thu cồng kềnh, phức tạp như cách thu qua đầu phương tiện” - ông Dinh kiến nghị.

Kiến nghị xem xét lại phí sử dụng đường bộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tính hợp pháp của phí sử dụng đường bộ.

Ông Lịch cho rằng Điều 49 Luật Giao thông đường bộ nêu: Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ hai nguồn chính. Thứ nhất từ ngân sách và thứ hai là các nguồn thu liên quan đến việc sử dụng đường bộ. Nhưng Nghị định 18/2012 xác định nguồn đầu tiên hình thành quỹ bảo trì đường bộ là đánh trên đầu phương tiện giao thông cơ giới. Kế đến mới là từ ngân sách rồi đến các nguồn thu khác.

Như vậy, Nghị định 18 đã “đẻ” ra một khoản mới (phí sử dụng đường bộ - NV) không nằm trong Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ. “Cơ quan có thẩm quyền làm rõ vấn đề không hợp lý này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi sẽ làm văn bản đề nghị làm rõ tính hợp pháp của loại phí này” - ông Lịch khẳng định.

Giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng dầu. Khó khăn càng chồng chất với phí sử dụng đường bộ sắp tới. Khi thu phí, các doanh nghiệp vận tải phải tăng cước để bù chi phí, làm chi phí sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế tăng lên khiến hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Do vậy, đề nghị việc thu phí phải dựa trên nguyên tắc có sử dụng thì có trả phí, không sử dụng thì không trả. Mức thu phải khoa học, phù hợp thực tế. Thời điểm trả phí cũng cần tính toán chứ trả theo kỳ đăng kiểm là không hợp lý, áp đặt.

Ông TRẦN HUY HIỀN, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận
kho vận Việt Nam

Không hiệu quả, ai chịu trách nhiệm

Bất cứ quy định pháp luật nào ra đời cũng phải đáp ứng đủ năm yếu tố, gồm: hợp lý, hợp pháp, minh bạch, hiệu quả và chịu trách nhiệm. Phí sử dụng đường bộ có thể hợp lý nhưng không đáp ứng đủ bốn tính chất còn lại. Bộ GTVT cần phải chứng minh hiệu quả chống ùn tắc và tai nạn giao thông từ việc thu phí sử dụng đường bộ. Liệu hiệu quả này có đạt được không và phục vụ cho ai. Nếu sau hai năm không đạt được mục tiêu trên thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Chỉ khi nào làm rõ được các yêu cầu trên, đồng thời vạch ra lộ trình cụ thể thì mới thu phí sử dụng đường bộ.

Đại biểu Quốc hội, luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm