5.000 tập phim đã phát trong năm 2010 nhưng quá hiếm hoi phim để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả. Năm 2011, cũng sẽ có ngần ấy số tập phim, thậm chí là nhiều hơn được phát sóng. Có thể chờ đợi gì khi mà sự cạn kiệt đề tài đang lan rộng trong giới làm phim dù họ có hoặc không ý thức được điều đó.
Việt hóa phim nước ngoài và những bộ “phim lai”
Một trong những ví dụ cụ thể cho trường hợp cạn kiệt đề tài cũng như tư duy “sính ngoại” của nhà sản xuất chính là việc sử dụng kịch bản được Việt hóa từ phim truyền hình nổi tiếng của nước ngoài, đa số là Hàn Quốc. Năm 2011, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ khá bội thực “phim lai” với hàng loạt phim dự kiến sẽ phát sóng: Những nàng công chúa nổi tiếng, Người mẫu, Vinh quang gia tộc…
Lý giải về sự có mặt của “phim lai” trong thực đơn phim Việt trên sóng màn ảnh nhỏ, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Trước đây, phim sản xuất đa phần khoảng trên dưới 10 tập, nhiều nhất cũng chỉ là những phim vài chục tập. Nhưng giờ đây, xu hướng làm phim truyền hình đã khác, đòi hỏi phải là những dự án dài hơi hơn rất nhiều, hàng chục, hàng trăm tập. Mà biên kịch Việt Nam thì chưa có nhiều kinh nghiệm khi viết những kịch bản phim truyền hình dài như thế. Việc phải tìm kiếm nguồn kịch bản từ bên ngoài là điều tất yếu”.
Tuy nhiên, đạo diễn Lê Bảo Trung có ý kiến ngược lại: “Tôi tin vào lực lượng biên kịch Việt Nam. Tôi không nghĩ họ không có đủ năng lực mà vì họ đang bí đề tài thôi. Hãy gợi ý và sát cánh với họ trong sáng tác, tôi tin họ sẽ làm được”.
Kịch bản phim hành động Vật chứng mong manh trôi nổi qua hàng chục hãng phim mới được dựng thành phim. Ảnh: TL
Dù giới đạo diễn còn tranh luận với nhau về khả năng sáng tác dài hơi của giới biên kịch thì hậu quả nhãn tiền là những bộ phim “làm lại” vẫn cứ tung hoành trên sóng truyền hình. Hay có dở có nhưng chưa có bộ phim nào đạt được thành công như “phim gốc” trên sóng truyền hình Việt Nam. Còn giới biên kịch thì cứ ấm ức vì bị mắng là yếu kém.
Nguyên nhân từ… nhà sản xuất!
Đã một thời, hễ cứ bật tivi lên lại thấy giới trẻ nông thôn khăn gói lên thành thị, bị lừa đảo rồi lại quê ta ta về. Lại một quãng thời gian không xa cho đến bây giờ, mở truyền hình lên lại thấy người thành thị ngập ngụa trong khói thuốc, bia bọt và quán bar. Không rõ nhân vật làm nghề gì, làm nghề như thế nào mà suốt ngày chỉ thấy đi xe xịn, chạy theo hờn ghen yêu đương tay ba tay tư nhăng nhít. Rồi cũng có “phong trào làm phim về ngoại tình” từ Nam chí Bắc, cứ bật tivi lên là gặp bi kịch gia đình đó…
Nguyên nhân của việc đơn điệu và cũ mòn này hóa ra có đến 1.001 lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất mà nhiều biên kịch tiết lộ chính lại nằm ở nhà sản xuất. Trong hợp đồng viết kịch bản của một hãng phim tư nhân với một biên kịch có quy định rõ: “80% bối cảnh là nội, 20% là ngoại và không có quá 10% cảnh đêm”. Các nhà sản xuất không thích đi xa, không thích nhiều bối cảnh, không thích nhiều nhân vật. Càng ít nhân vật, ít bối cảnh thì càng tiết kiệm tiền. Vì thế mà sức sáng tạo của biên kịch dần hạn chế đi theo những sự “ít, ít” này. Thỏa mãn yêu cầu cảnh nội của nhà sản xuất, biên kịch chỉ còn nước loanh quanh đề tài về gia đình, công sở và những thủ đoạn giành giật đấu trí với nhau.
Sức tác động từ các nhà sản xuất đã làm cho giới biên kịch “ngộp thở” và từ đó bản thân họ ngoài bị tác động thì còn bị sức ì tâm lý. Nhiều biên kịch tên tuổi được đặt hàng liên tục nên họ cứ viết liên tục. Thời gian để ấp ủ, chăm chút cho đề tài, kịch bản quá hiếm hoi thì chẳng thể sáng tạo mãi được.
Sự xuất hiện của những nhóm viết trẻ, là sinh viên, thậm chí học sinh cũng góp phần vào việc khan hiếm đề tài hay của phim truyền hình. Những người trẻ chưa đủ trải nghiệm, chưa hiểu biết thấu đáo nhiều lĩnh vực cuộc sống, lại lười bổ sung, tham khảo kiến thức thì làm sao có thể đi xa khỏi lĩnh vực mà họ tâm đắc và lợi thế là cuộc sống giới trẻ? Chính thế mà không những nhiều phim ngô nghê và hời hợt về đề tài cũng lại nhợt nhạt, thiếu sức sống về chi tiết.
Càng có nhiều phim Việt Nam lên sóng, khán giả càng có nhiều lựa chọn và kỳ vọng vào đội ngũ làm phim. Để khơi dậy và phát triển tình yêu phim Việt Nam trong lòng khán giả cần có một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của nhiều giới. Nhà làm phim không thể cứ đòi hỏi sự thông cảm của khán giả về một nền điện ảnh chưa chuyên nghiệp để cứ làm những bộ phim cũ kỹ.
Trong tình hình hiện nay, mỗi biên kịch cố gắng giữ cho mình năng lực sáng tạo là việc không dễ dàng. Tôi làm công tác biên tập cho một hãng phim, buộc phải từ chối nhiều đề cương vì đề tài cũ kỹ, không có gì mới cho khán giả. Với người trong nghề, đề tài rất quan trọng nhưng cách khai thác đề tài lại quan trọng hơn. Cũng có thể với đề tài đó nhưng người khai thác giỏi sẽ có phim hay. Tuy nhiên, có đề tài mới lạ vẫn tốt hơn” Biên kịch NGUYỄN THU PHƯƠNG Kịch bản Vật chứng mong manh (phim hành động) của tôi đã trôi nổi qua hàng chục hãng phim trước khi đến với hãng Hành tinh xanh của Nguyễn Duy Võ Ngọc. Viết kịch bản phim truyền hình hành động đã khó, tìm kiếm người đầu tư sản xuất còn khó hơn gấp bội. Xin khán giả đừng trách biên kịch vì họ cũng cố gắng nhưng không phải lúc nào cố gắng cũng được đền đáp. Biên kịch QUÝ DŨNG |
MAI VI