Phó giám đốc sở hy sinh trong lũ dữ

Sáng 2-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã đưa được thi thể ông Nguyễn Tài Dũng (51 tuổi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An) cùng chiếc ô tô 37A-002.03 từ sông Hoàng Mai lên bờ. Khuya 1-10, ông Dũng và chiếc xe đã bị cuốn trôi khi cố gắng vượt lũ dữ đưa mì tôm ra cứu đói cho bà con thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).

Người dân nhòe nước mắt

Trưa 2-10, hàng ngàn người dân thị xã Hoàng Mai đứng thành hai hàng bên quốc lộ 1A để tiễn đưa ông Dũng. Khi chiếc xe chở di hài về đến TP Vinh (Nghệ An), hàng trăm bà con chòm xóm, cán bộ Sở Công Thương tỉnh Nghệ An ra đón đều không kìm được nước mắt. Sau khi “về thăm nhà lần cuối” (ngõ số 6, đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, TP Vinh), ông Dũng được đưa về an táng ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Trước đó, chiều 1-10, ông Dũng gọi điện thoại về cho vợ là chị Phan Thị Hà nói: “Lũ ở Hoàng Mai đang lên, em ăn cơm trước đi. Anh đi công tác”. Đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng của hai vợ chồng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, hàng xóm của ông Dũng, khóc: “Ông Dũng là người hiền lành, sống tình cảm, gần gũi bà con”. Còn bà Nguyễn Thị Hoa, phường Lê Mao, nghẹn ngào: “Ông Dũng sống tình nghĩa lắm, hay giúp đỡ người nghèo”.

Phó giám đốc sở hy sinh trong lũ dữ ảnh 1

Vợ, con và rất đông cán bộ, người dân khóc thương ông Nguyễn Tài Dũng. Ảnh: Đ.LAM

Hôm qua, trang Facebook của ông Dũng tràn ngập những dòng thương xót và cảm phục ông. Anh Tùng Sơn, cán bộ Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, viết: “Bình thường chú quan tâm mọi người là thế, giờ đây mong chú thảnh thơi yên nghỉ. Những điều chú còn dang dở, hãy để thế hệ đi sau tiếp bước. Vĩnh biệt chú! Người đàn ông lớn trong tâm trí mọi người”.

Vượt lũ vì sợ dân đói

Chiều 1-10, mưa to cùng với việc hồ thủy điện Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xả lũ khiến gần 20.000 hộ dân thị xã Hoàng Mai chìm trong nước lũ. Hàng ngàn người trắng tay, đói khát phải leo lên nóc nhà kêu cứu. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An quyết định phải khẩn cấp vận chuyển mì tôm, gạo, nước uống ra ứng cứu cho dân.

Chập choạng tối, lái xe Nguyễn Minh Trường điều khiển xe 37A-002.03 chở ông Dũng (trên xe chất đầy mì tôm) dẫn đường cho một xe tải chở hơn 10 tấn mì tôm và nước khoáng từ TP Vinh ra rốn lũ Hoàng Mai. Vì quá cấp bách, xe ông Dũng cố vượt qua nhiều điểm nước ngập trên quốc lộ 1A. Nhưng khi đến địa phận phường Quỳnh Thiện thì bị nước cuốn. Lúc đó là 22 giờ 30 đêm 1-10.

“Khi ấy nước dâng nhanh lắm. Tôi thấy chiếc xe của ông Dũng chạy chệch mặt đường quốc lộ một tí rồi bị nước lũ cuốn trôi theo mương nước ra sông Hoàng Mai. Tôi vội kêu cứu rồi lấy thuyền nhỏ lao ra sông thì thấy anh lái xe đã thoát ra khỏi xe, bơi bám vào nóc nhà bếp của tôi. Còn chiếc xe chìm hẳn xuống sông nên không cứu được ông Dũng, đau lòng quá” - anh Nguyễn Viết Tiếp, ở gần nơi xảy ra tai nạn, cho biết.

Sẽ đề nghị công nhận liệt sĩ

Sau một đêm tìm kiếm vô vọng, rạng sáng 2-10 người dân nhìn thấy dầu xe tràn lên ở cách nơi xảy ra tai nạn chừng 10 m. Ngay lập tức, lực lượng cứu nạn lao xuống sông tìm kiếm và phát hiện chiếc xe nằm phía dưới con tàu chở hàng đang neo đậu tránh lũ. Đến 9 giờ chiếc xe được kéo lên khỏi mặt nước và hàng ngàn người đã rơi lệ khi nhìn thấy thi thể ông Dũng ở ghế phía trước…

Nhận được tin, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang lập tức về Nghệ An để chia buồn với gia đình ông Dũng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng gửi điện chia buồn tới Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, gia đình ông Dũng, nhấn mạnh: “Đề nghị Sở Công Thương tỉnh Nghệ An kịp thời biểu dương và phát động phong trào học tập tấm gương dũng cảm của đồng chí Nguyễn Tài Dũng”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH và Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Dũng.

TP.HCM cứu trợ khẩn 5 tỉ đồng

Chiều 2-10, Ủy ban MTTQ TP.HCM đã phát động Đợt vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế. Đợt cứu trợ kéo dài đến hết ngày 31-10. Ngay sau lễ phát động, đã có 29 cơ quan, đơn vị, tổ chức đăng ký ủng hộ với số tiền 4,63 tỉ đồng.

Cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM đã gửi thư thăm hỏi đồng bào các tỉnh bị bão lũ tàn phá, đồng thời chuyển khẩn cấp khoản cứu trợ ban đầu 5 tỉ đồng cho các địa phương trên. Hôm nay (3-10), TP.HCM tổ chức hai đoàn đến thăm hỏi và trực tiếp cứu trợ cho bà con các địa phương bị thiệt hại nặng.

Mọi sự đóng góp xin gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, số 55 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Tài khoản Quỹ cứu trợ TP là: 000 870 406 001 484 (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương, Chi nhánh Kỳ Hòa - TP.HCM).

Ngày 2-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung. Ngay tại lễ phát động, TP Hà Nội ủng hộ 7 tỉ đồng, TP.HCM ủng hộ 10 tỉ đồng, Tập đoàn Dầu khí 5,5 tỉ đồng, Cơ quan TW Đoàn TNCS HCM 200 triệu đồng…

M.CƯỜNG - NB

Còn gần 125.000 hộ dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa bị mất điện. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, ĐăkRông (Quảng Trị) và khoảng 300 hộ dân thôn Hói Mít (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Huế) cũng chưa được cấp điện trở lại do cột điện gãy. M.PHONG

Quảng Bình: 1.000 chiến sĩ công an giúp dân dựng lại nhà cửa. Ngày 2-10, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, thông tin. Bộ đội biên phòng cũng cử 300 chiến sĩ giúp dân dựng lại nhà cửa. Hiện công tác khắc phục hậu quả của tỉnh diễn ra khá chậm do gặp quá nhiều khó khăn. Hàng ngàn hộ gia đình vẫn còn trong cảnh màn trời chiếu đất. MINH QUÊ

Quảng Nam: Thủy điện đồng loạt xả lũ. Ngày 2-10, ba thủy điện A Vương, sông Bung 4 và Đăk Mi đồng loạt xả lũ khiến nước trên sông Vu Gia dâng cao đột biến. Năm xã vùng cao của huyện Phước Sơn, gồm Phước Thành, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công bị cô lập hoàn toàn. Quốc lộ 14E ngập sâu. UBND huyện Đại Lộc phải khẩn cấp lên phương án sơ tán dân vùng trũng thấp. L.PHI - T.TÀI

Phú Yên: Hoãn tìm kiếm hai nạn nhân mất tích trong hầm thủy điện. Sáng 2-10, lực lượng cứu hộ phải tạm hoãn việc tìm kiếm hai nạn nhân còn lại trong đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Lý do là nước lũ trên sông La Hiêng đang dâng cao, không đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ. Cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nhà thầu Trung Quốc khi thi công công trình này. TẤN LỘC

Quảng Ngãi: Sạt lở núi, lũ gây ngập nhiều nơi. Nước lũ trên sông Trà Bồng đã tràn vào hàng trăm nhà dân ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, các tuyến đường huyện của huyện Bình Sơn cũng bị ngập nặng. Quốc lộ 24C bị hàng ngàn mét khối đất đá chia cắt hoàn toàn. Tối 2-10, UBND huyện Sơn Tây đã di dời 30 hộ dân ở thôn Tang Via, xã Sơn Dung ra khỏi điểm có nguy cơ sạt lở núi. LUẬN NGỮ

Nghèo xác xơ sau lũ

Sáng 2-10, chúng tôi nhận được tin xã Liên Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đang bị cô lập sau lũ, mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt. Ngay lập tức, chúng tôi vượt 5 km đường rừng tìm đến xã và chứng kiến cảnh hoang tàn như sau một trận bom. Hàng ngàn cây keo, cây thông nằm ngổn ngang bít kín mọi lối đi. Cột ăng-ten phát sóng của viễn thông Quảng Bình và nhiều ngôi nhà trong xã bị đổ sập. Ba ngôi trường tả tơi. Cây cầu treo vắt qua sông Gianh nối thôn Phú Kinh với trung tâm xã Liên Trạch bị uốn cong, nhiều dây văng bị đứt nên không thể đi qua.

“Không còn một thứ gì nữa chú ơi, tan nát hết cả rồi. Ở đây nhà nào cũng bị tốc mái nhưng không thể ra ngoài để mua vật liệu về lợp nhà, mấy ngày qua bà con phải mặc áo mưa ngủ. Điện thoại không liên lạc được, cực khổ trăm bề…” - ông Nguyễn Văn Hùng nói như khóc.

Ông Hoàng Minh Tú, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch, cho biết đã nhiều lần tìm cách liên lạc với huyện để báo cáo tình hình nhưng không được. “Toàn xã có 945 nhà bị tốc mái, 11 nhà bị sập đến nay vẫn cứ trơ trọi giữa nắng mưa. Nhiều người đang trong cảnh màn trời chiếu đất bởi không có cách nào để vận chuyển vật liệu vào xã” - ông Tú nói.

Ở Thanh Hóa, hàng ngàn hộ dân các xã Trúc Lâm, Trường Lâm, Mai Lâm, Tùng Lâm, Hải Thượng (Tĩnh Gia) cũng đang hoàn toàn bị cô lập. Tại thôn Giảng Tiến (Trúc Lâm), ông Nguyễn Văn Lý kể lại: “Từ trưa 1-10, nước lên rất nhanh khiến tụi tôi không kịp trở tay, đành bất lực nhìn lợn gà trôi nổi khắp nơi. Đây là trận lụt lớn nhất trong vòng 30 năm qua”.

Theo ghi nhận, đến chiều 2-10 toàn bộ xã Trúc Lâm vẫn chìm sâu trong nước. Nhiều đoạn đường ngập tới 2-3 m khiến công tác cứu trợ cũng như vận chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Tĩnh Gia cho hay mưa lớn làm vỡ bốn hồ đập, hơn 700 ha lúa và 500 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, hơn 10.000 gia súc, gia cầm trôi theo dòng lũ.

VIẾT LONG - ĐẶNG TRUNG

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm