Phố Wall vẫn lao dốc sau hành động của FED

Phố Wall vẫn lao dốc sau hành động của FED ảnh 1
Nửa tiếng sau khi FED tung gói cứu trợ,
Dow Jones mất tới 157 điểm. Ảnh: AP.
Vào lúc 2h30 chiều ngày 21/9 (theo giờ địa phương), FED công bố kế hoạch cứu trợ "Operation Twist". Ngay sau đó, quyết định này ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Trong vòng nửa tiếng sau đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất tới 157 điểm. Đến khi chốt phiên, Dow Jones về mức 11.124,84 - sụt tới 283,82 điểm, tương đương 2,5%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chỉ còn 1.166,76 điểm, giảm 2,9%. Tương tự, chỉ số trên bảng điện tử Nasdaq cũng trượt 52,05 điểm chỉ còn 2.538,19. Phil Orlando, nhà phân tích thị trường chiến lược của Federated Investors cho rằng việc thị trường chứng khoán phản ứng xấu sau quyết định của FED là điều kỳ quặc. "Thật bất thường khi thị trường vẫn giảm điểm khoảng 1-2% sau thông báo của FED. Sang ngày tới, thị trường có thể phục hồi nhưng rồi sau đó lại đi xuống. Nhiều người đang bấn loạn bởi họ thực sự không biết phải làm gì trong tình trạng này", hãng tin AP dẫn lời ông Phil Orlando. Sở dĩ các nhà đầu tư mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ vì lo ngại tình hình kinh tế sẽ thêm xấu đi. Thế nhưng hôm qua (21/9), FED lại tung ra gói kích thích 400 tỷ USD với mục đích hạ lãi suất cho vay tất cả các hạng mục. Lập tức, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về mức kỷ lục 1,86%. Trong khi 24 giờ trước đó, các nhà đầu tư vẫn được hưởng lãi suất 1,93%. Nhóm những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong hôm qua là các công ty thuộc ngành công nghiệp, tài chính và nhóm hàng hóa tiêu dùng. Các nhà bán lẻ cũng nằm trong số bị lỗ nhiều nhất. Tình hình hôm qua làm giới kinh doanh Mỹ nhớ lại đợt thua lỗ nặng mùa hè vừa qua khi các nhà đầu tư lo ngại nước Mỹ tiếp tục bước vào cuộc suy thoái mới. Sau một cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED công bố mua trái phiếu dài hạn của Bộ Tài chính và bán ra loại ngắn hạn để tạm thời giúp khôi phục thị trường. Đợt mua này sẽ kéo dài tới tháng 6/2012 và áp dụng đối với loại trái phiếu kỳ hạn từ 6-30 năm. Tuy nhiên, hành động này lại khiến các nhà đầu từ bất ngờ khi FED cho biết đợt mua vào lần này gồm cả loại trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Một khi FED muốn mua vào lại trái phiếu kỳ hạn từ 30 năm, có nghĩa FED đã nhìn thấy việc cần thiết phải kìm lãi suất dài hạn thấp thêm một thời gian nữa. "Quyết định này được xem như một lời thú nhận cho thấy đây là một vấn đề nan giải mà kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt. Đây cũng không phải chuyện có thể giải quyết trong một vài năm", Oliver Pursche - Chủ tịch Công ty cung cấp dịch vụ tài chính Gary Goldberg phán đoán.
Theo Thanh Thanh Lan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm