Phòng chống dịch COVID-19: Ai ý thức kém thì phải xử nghiêm!

Những ngày qua, thông tin trên địa bàn TP.HCM liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Nhiều bạn đọc gửi đến PLO mong muốn tất cả mọi người, mọi tổ chức cùng nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp mà cơ quan chức năng đã đề ra để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Cần xử nghiêm những người khai báo không trung thực

Nhiều bạn đọc cho rằng hơn lúc nào hết, đây là lúc rất cần mỗi người tự ý thức phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng. Hành vi khai gian, giấu dịch như một số trường hợp vừa qua là rất đáng lên án.

Gần đây nhất là 3 ca nghi nhiễm gồm cha mẹ và con gái (cư trú tại quận Tân Phú) do có dấu hiệu sốt, ho, mệt mỏi nên cả 3 đi khám tại BV quận Tân Phú. Khi đi khám, cả 3 khai báo không trung thực nên được chuyển đến khám tại Khoa Tai mũi họng.

Qua xác minh ban đầu, 9 nhân viên y tế có tiếp xúc gần với 3 ca nghi nhiễm được cách ly tạm thời tại khu cách ly của BV, sau đó được đưa đi cách ly tập trung. Bên cạnh đó, BV triển khai xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà có mặt tại BV trong ngày 27 và 28-5 để tầm soát cũng như đánh giá nguy cơ. Ngay sau đó, BV quận Tân Phú sau đó phải được phong tỏa. 

Bạn đọc Thành Tâm bình luận: "Dù con số người khai báo gian dối là số ít nhưng hậu quả để lại trong những ngày qua thì quá nặng nề". 

"Mọi người đừng nghĩ rằng khai báo gian dối trong phòng chống dịch thì chỉ bị xử phạt hành chính. Đã có quy định rất rõ rằng hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác...thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Xin mỗi người ý thức hơn. Mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người khai báo gia dối, không trung thực, ý thức kém"- bạn đọc Từ Liên mong mỏi.

“Dừng tiệm hớt tóc, tôi chạy xe công nghệ”

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 27-5, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tạm dừng các tiệm làm đẹp, hớt tóc, gội đầu...

Thực hiện theo yêu cầu trên, sáng ngày 28-5, các tiệm làm đẹp, hớt tóc, gội đầu đã đóng cửa toàn bộ.

Anh Nguyễn Thanh An, một chủ tiệm cắt tóc nam trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp cho biết khi nghe tin TP yêu cầu tạm dựng các tiệm hớt tóc, anh rất lo lắng bởi đã sắp tới ngày trả tiền thuê mặt bằng. Rồi còn mấy đứa em làm phụ, có nên cho tụi nó về quê hay tiếp tục ở trên này chờ được hoạt động lại....Nhiều câu hỏi trong đầu buộc anh phải giải quyết.

"Thôi thì tới đâu hay tới đó, tôi quyết định giữ tụi nó lại có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chứ giờ về quê cũng không có việc gì làm. Trước giờ, tiệm cũng có mấy mối quen và nếu họ cần gọi điện chúng tôi sẽ phục vụ tại nhà. Dù phục vụ tại nhà những vẫn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh là trên hết” - anh An nói.

Anh Thanh Tùng ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, với yêu cầu các tiệm hớt tóc, làm đẹp tạm dừng thì năm trước cũng đã thực hiện một lần rồi. Theo anh, việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại thời điểm dịch bệnh thế này là cần thiết bởi sức khỏe là quan trọng nhất.

"Tiệm dừng, tôi sẽ đăng ký đi chạy xe công nghệ, giao hàng online để kiếm thu nhập. Tôi nghĩ, không làm việc này thì làm việc khác miễn là có tiền và không vi phạm pháp luật là được. Chờ dịch ổn làm lại cũng chưa muộn” - anh Tùng cho hay.

Ngành y tế TP.HCM đang lấy mẫu người dân liên quan chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp. Ảnh: HCDC

Thực hiện lễ trực tuyến phòng chống dịch

Ngay sau khi UBND TP.HCM có những khuyến cáo, quy định hạn chế các hoạt động công cộng, tập trung đông người. Từ sáng 22-5, Toà Tổng Giám mục Sài Gòn đã thông báo ngưng các sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ chung của cộng đoàn từ ngày 22-5 cho đến khi có thông báo mới.

Các linh mục vẫn cần dâng lễ hằng ngày để nhân danh Hội Thánh cầu nguyện cho cả thế giới sớm qua cơn đại dịch, nhưng không được quy tụ quá quy định và tuân thủ giãn cách bằng việc giữ khoảng cách 2m.

Mỗi ngày Thánh lễ hằng ngày tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn sẽ được phát trực tuyến, để mọi người có thể hiệp thông trong bầu khí gia đình...

Đặc biệt, mọi tín hữu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng bằng việc khi trở về từ các tỉnh thành có dịch nên tự cách ly và hạn chế đến những nơi công cộng; nếu có triệu chứng bệnh về đường hô hấp cần thăm khám sớm tại các cơ sở y tế.

Để phòng chống dịch bệnh, các tổ chức tôn giáo, những người theo các tôn giáo khác nhau đã chọn cách làm lễ tại nhà.

Anh Trần Văn Hùng, quận 12, TP.HCM, cho biết anh theo đạo Thiên chúa giáo và cứ vào chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật tuần nào anh cũng đều đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát trở tại, anh chọn cách làm lễ tại nhà. Theo đó, Cha xứ làm lễ tại nhà thờ và có một máy camera quay cảnh làm các nghi lễ và phát trực tuyến cho các giáo dân xem. Tại nhà, các giáo dân mở đường link phát trực tiếp lên, cũng làm dấu đọc kinh như đang làm lễ tại nhà thờ.

“Trong tình hình dịch bệnh như thế này, việc tổ chức làm lễ tại nhà theo tôi là rất nên”- anh Hùng chia sẻ.

 

Phường nên công bố đường dây nóng để dân báo tin

Chính quyền cần phải quyết liệt và có phương án giãn cách xã hội phù hợp, kịp thời. Đặc biệt cấm mở cửa các hình thức kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao để dập dịch một cách triệt để. Thời gian này mọi người cần phải chấp nhận mất một số quyền lợi đổi lấy sức khỏe. Sự an toàn là quan trọng nhất- Bạn đọc Nguyễn Kế.

- Mọi người phải áp dụng cài Bluezone và khai báo, cập nhật tờ khai y tế điện tử rộng rãi. Các cửa hàng, nhà máy, khu chợ, cơ quan nhà nước nào không thực hiện phòng dịch nghiêm túc thì cho dừng hoạt động. Giờ các cơ quan nhà nước phải quyết liệt để chống dịch hiệu quả hơn - Bạn đọc Trần Phương.

Đề nghị UBND phường và công an phường công bố rộng rãi số đường dây nóng để ai phát hiện nơi nào tu tập, tổ chức ăn nhậu tại nhà hoặc hát karaoke báo lên ngay. Giờ ai ý thức kém thì nên phạt nặng - Bạn đọc Thanh An.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm