Phòng, chống tham nhũng: Nhận diện rửa tiền thông qua các sàn tiền ảo

(PLO)- Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn do tiền, tài sản bị thất thoát hoặc bị chuyển ra nước ngoài thông qua việc giao dịch trên sàn tiền ảo.

Tại Hội thảo “Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức ngày 6-12, nhiều đại biểu đã có ý kiến tham luận, đóng góp vào nội dung thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đến nay đạt được nhiều chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án…

Các đại biểu đưa ra nhiều thông tin nhận diện thủ đoạn tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng. Ảnh: T.T

Nhận diện thủ đoạn tẩu tán tài sản

Theo chia sẻ của Ths Phạm Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (VKSND Tối cao), từ 2022-2024, Cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã phát hiện, khởi tố mới hơn 200 vụ án/hơn 6.000 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, trong đó chủ yếu tập trung vào các tội: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Lạm quyền khi thi hành công vụ...

Nhiều vụ án có quy mô đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Trương Mỹ Lan xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, trong đó giai đoạn 1, số tiền thiệt hại hơn 677.000 tỉ đồng; giai đoạn 2, số tiền bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng, số tiền vận chuyển trái phép ra nước ngoài và về Việt Nam hơn 4,5 tỉ USD.

Hay như vụ án Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh thành, gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.

Nhiều bị can nguyên là lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, điều tra, xử lý như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng…

Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các chủ thể tội phạm thường đã tính toán, lên kế hoạch, có sự bàn bạc, chuẩn bị nhằm che giấu tài sản phạm tội, hành vi phạm tội và hợp thức hoá các tài sản đã chiếm đoạt, đã hưởng lợi.

Thủ đoạn phổ biến được sử dụng là nhờ người quen, họ hàng, cấp dưới cất giấu, tẩu tán tài sản; nhờ đứng tên thành lập nhiều pháp nhân, ký các hoá đơn, chứng từ thể hiện việc nộp tiền, rút tiền nhằm hợp thức dòng tiền, che giấu hành vi phạm tội và tài sản do phạm tội mà có.

Dòng tiền này bao gồm cả tiền “sạch” và tiền “bẩn”, được hạch toán quay vòng nhiều lần nên việc bóc tách để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi thường rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức.

Các đối tượng phạm tội có thể trực tiếp tẩu tán, cất giấu tài sản phạm pháp. Hình thức này thường áp dụng với các tài sản là động sản, dễ dịch chuyển, không bắt buộc đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn tiền mặt, kim loại quý trong quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can. Thủ đoạn phổ biến nhất là chuyển các tài sản do phạm tội mà có thành tiền mặt hoặc vàng miếng để cất giấu”- ông Phạm Văn Dũng cho biết.

Rửa tiền thông qua sàn tiền ảo

Ngoài ra, các đối tượng có sử dụng thủ đoạn chuyển tiền đã chiếm đoạt, hưởng lợi từ hành vi phạm tội ra nước ngoài, cất giữ trong các tài khoản ngân hàng hoặc mua tài sản ở nước ngoài (thường là bất động sản) nhằm trốn tránh việc truy vết, thu hồi của các cơ quan chức năng.

Điển hình là vụ án Giang Kim Đạt tham ô tài sản xảy ra tại Vinashinlines, để nhận tiền phạm pháp từ các đối tác nước ngoài, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng và 92 lần nhận tiền từ nước ngoài vào các tài khoản này với tổng trị giá gần 16 triệu USD.

Sau đó, Giang Văn Hiển đã mua 40 bất động sản đứng tên người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô. Hiển nhận thức được số tiền nhận được là bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện, giúp Giang Kim Đạt trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tội phạm rửa tiền được thực hiện dễ dàng hơn khi thực hiện việc đầu tư, mua bán các loại tiền số thông qua các sàn giao dịch, phạm vi không chỉ giới hạn trong một quốc gia, khu vực mà trên toàn thế giới.

“Tiền bẩn” sau khi được “rửa” cũng dễ dàng chuyển sang các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Việc truy vết đối với các tài sản này rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể xác định và thu hồi được.

Ngoài ra, còn có các đối tượng chính trong vụ án là người nước ngoài. Trong các vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng không ghi được lời khai, không tiến hành được đối chất; công tác thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng cũng gặp khó khăn, dẫn đến không có cơ sở, xác minh, kê biên, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới