Phụ huynh nhiều tỉnh đổ xô đưa con đi xét nghiệm chì

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong 5 ngày gần đây số trẻ đến xét nghiệm chì tại trung tâm tăng vọt. Trong đó, nhiều trường hợp chưa có biểu hiện ngộ độc chì nhưng cha mẹ vẫn đưa đi xét nghiệm cho yên tâm.

Có mặt tại Trung tâm Chống độc từ sáng sớm, chị Hà ở Hòa Bình, đưa cậu con trai mới 10 tháng tuổi đi xét nghiệm chì. Theo lời kể của chị, cách đây 1 tháng bé bị tiêu chảy mãi không khỏi, nghe hàng xóm mách chị đến nhà một ông lang gia truyền mua thuốc cam cho con với giá 30.000 đồng. Thuốc uống 3 liều trong 6 ngày, nhưng uống ngày đầu không thấy con đỡ, chị không cho uống nữa mà đưa con xuống bệnh viện khám thì khỏi.

Phụ huynh nhiều tỉnh đổ xô đưa con đi xét nghiệm chì ảnh 1
Trẻ được lấy mẫu nước tiểu và máu để xét nghiệm hàm lượng chì. Ảnh: N.P.
"Cháu mới chỉ uống một ít thôi nhưng mà nghe báo chí nói nhiều nên mình cũng thấy lo, cho con đi xét nghiệm cho yên tâm. Hôm nay lấy mẫu máu, nước tiểu xét nghiệm rồi nhưng 3 tuần nữa mới có kết quả. Bé nhà mình vẫn khỏe mạnh, bụ bẫm, chưa có biểu hiện bất thường gì nên không phải nằm viện", chị Hà nói. Giống như chị Hà, nhiều cha mẹ khác ở Hưng Yên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội... cũng đưa con đến lấy mẫu kiểm tra chì. Trước thực trạng số trẻ đến xét nghiệm đông, Trung tâm Chống độc đã ưu tiên dành riêng hẳn một quầy tiếp đón, phát số cho bệnh nhân đến làm xét nghiệm chì. Đồng thời cũng dành riêng một phòng phục vụ công tác khám ngộ độc chì và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Thậm chí để hạn chế việc xét nghiệm không cần thiết, ngay tại cửa ra vào, trung tâm dán thông báo: "Các loại thuốc cam đã được Viện Hóa học - Viện Khoa học Việt Nam xác định là thuốc cam tốt, không độc như: Hàng Bạc, Tuần Lộc, Khương Lâm, cá vàng (thôn cót). Các cháu uống loại thuốc cam kể trên mua ở các nhà thuốc không có triệu chứng gì thì không cần xét nghiệm. Các loại thuốc cam mua của các ông lang, bà lang báo dạo hoặc bán ở chợ quê là mới là thuốc cam độc, cần làm xét nghiệm".
Phụ huynh nhiều tỉnh đổ xô đưa con đi xét nghiệm chì ảnh 2
Cô bé mới 7 tháng tuổi ở Ba Vì cũng bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam chữa tiêu chảy. Ảnh: N.P.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xét nghiệm chì sau 3 tuần mới có kết quả vì thế chỉ những cháu có lâm sàng rõ, đặc biệt thì mới chữa hồi sức, còn lại đều phải chờ đợi kết quả xét nghiệm mới chỉ định chữa. Trong số những bé đến khám xét nghiệm chì thì có khoảng 10% phải nhập viện. Những cháu nào nguy hiểm mới giữ lại lâu, bé nào nhẹ, đáp ứng thuốc tốt thì nằm viện vài ngày rồi cho về điều trị ngoại trú. "Ngộ độc chì trước nay gặp không nhiều và đều ở bệnh nhân lớn tuổi, nay mới gặp ở trẻ, bệnh cảnh lạ. Ngay trong chương trình đạo tạo bác sĩ đa khoa của Đại học Y cũng phải vài năm gần đây mới có vài bài giảng về ngộ độc chì", tiến sĩ Duệ nói.

Ngày 20/4, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra và giám sát một số cơ sở hành nghề y dược cổ truyền. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, đoàn kiểm tra đã phát hiện một cơ sở tại huyện Phúc Thọ bán dược liệu không có giấy phép hành nghề. Đoàn đã đình chỉ hoạt động và lấy mẫu dược liệu làm xét nghiệm. Đây là đầu mối cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc cam cho nhiều cơ sở khác, trong đó có một cơ sở đã bị đình chỉ vì hoạt động không phép và có mẫu thuốc cam chứa chì cao.

Cũng theo tiến sĩ Duệ, khó để phát hiện trẻ bị ngộ độc chì bởi chỉ những cháu bị nặng mới có biểu hiện như sau khi sử dụng thuốc có chì trẻ bị co giật, hôn mê, có cháu thay đổi tính tình, quấy khóc, vài ba tuần thiếu máu, xanh xao, nhợt nhạt… Còn lại đa phần không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, muốn chẩn đoán được ngộ độc chì nhất thiết phải xét nghiệm chì trong máu và nước tiểu. Ngoài ra, việc điều trị ngộ độc chì ở người lớn có thể khỏi hoàn toàn nhưng với bệnh nhi, công việc này khó khăn hơn nhiều vì bệnh nặng, cấp tính. Trước đây đã có phác đồ điều trị cho người lớn, nhưng với trẻ nhỏ phải có phác đồ mới, liều lượng thuốc thải độc phải tăng giảm khác với người lớn bởi cơ thể trẻ còn rất yếu trong khi bản thân thuốc thải độc cũng là con dao 2 lưỡi. "Việc điều trị cũng rất mất thời gian, điều trị thành nhiều đợt. Có bệnh nhân điều trị gần 1 tháng, thậm chí có bệnh nhân phải điều trị 2 năm vì chì đã nằm trong rất nhiều cơ quan của cơ thể, phải thải độc dần (cả xương, não...)", tiến sĩ Duệ cho biết. Điều nguy hiểm hơn là trẻ nhỏ bị ngộ độc chì sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn bởi có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể chất sau này. Đồng thời trí tuệ của trẻ cũng sẽ kém phát triển hơn, giảm khả năng học tập, ngu ngơ… Nếu số trẻ ngộ độc chì tăng cao, đó thực sự là điều rất đáng lo lắng, tiến sĩ Duệ khuyến cáo.
Theo Nam Phương ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm