PISA không đánh giá toàn diện người học

Sau khi Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) công bố kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), nhiều người bất ngờ với thành tích của Việt Nam khi đứng thứ 17/65 nước tham gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kết quả không đánh giá toàn diện năng lực và kỹ năng người học. Kết quả này chỉ mang tính định hướng nền giáo dục trong tương lai.

Quy định khắt khe, nghiêm ngặt

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam, cho biết khi tham dự PISA Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của OECD. Sau hai tháng chất vấn, OECD khẳng định kết quả của Việt Nam trung thực và chính xác.

Bà Hà cho biết năm 2012, Việt Nam khảo sát chính thức 5.670 học sinh ở 162 trường thuộc 59 tỉnh, TP. Việc lựa chọn học sinh tham gia khảo sát không phân biệt vùng miền, dân lập hay công lập và được lựa chọn ở tất cả địa phương. “Có 13 bộ đề thi được khảo sát ở mỗi trường với 35 học sinh. Mỗi lớp chỉ có tối đa ba em có đề thi giống nhau, các em ngồi ở vị trí xa nhau để đảm bảo tính khách quan. Đề thi gồm 500 trang, làm trong thời gian hai tiếng vì vậy học sinh cũng không có thời gian để trao đổi” - bà Hà nói.

PISA không đánh giá toàn diện người học ảnh 1

Theo GS Văn Như Cương, kết quả xếp hạng cao của PISA không đánh giá toàn bộ năng lực của học sinh, mà chỉ ở ba lĩnh vực mà họ khảo sát. Ảnh: HTD

Bà Hà cho biết đề thi hoàn toàn được bảo mật. Nếu quốc gia nào để lộ câu hỏi, không trung thực thì quốc gia đó bị hủy kết quả. Khâu chấm thi cũng rất nghiêm ngặt. Mỗi bài thi có năm người chấm và nhập phiếu chấm song song vào phần mềm của OECD.

Trả lời câu hỏi về việc đánh tráo học sinh giỏi, học sinh trên 15 tuổi, bà Hà khẳng định không thể có chuyện đó vì có một đội ngũ của OECD luôn giám sát tất cả các khâu. Thêm vào đó, việc lựa chọn học sinh tham gia đánh giá là do OECD quyết định và lựa chọn ngẫu nhiên, phía Việt Nam không thể can thiệp. “Việc khảo sát là danh dự quốc gia vì vậy chúng tôi làm việc hết sức nghiêm túc, không thể làm trái những quy định của OECD được vì chỉ một sai xót nhỏ có thể dẫn đến kết quả không được công nhận” - bà Hà nhấn mạnh.

Không nói lên chất lượng giáo dục

Chia sẻ về thứ hạng cao của học sinh Việt Nam, GS Văn Như Cương cho biết hết sức bất ngờ và vui mừng với kết quả của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS Cương, kết quả xếp hạng cao không đánh giá toàn bộ năng lực của học sinh mà chỉ ở ba lĩnh vực mà họ khảo sát: Đọc hiểu, toán và khoa học. “Vì vậy kết quả cũng chỉ để biết trình độ học sinh của ta so với các nước mà thôi. Không thể nói học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ được” - GS Cương nói.

Đồng quan điểm trên, GS-TS Nguyễn Huy Bạo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng kết quả trên là điều đáng mừng với nền giáo dục Việt Nam. “Kết quả cho thấy giáo dục phổ thông của chúng ta khá tốt, tuy nhiên không thể sử dụng kết quả đó để đánh giá cho toàn bộ nền giáo dục. Suy luận nền giáo dục của chúng ta cao hơn một số nước tiên tiến như Anh, Úc, Mỹ là suy luận chủ quan” - GS Bạo nhấn mạnh.

Góp phần đổi mới toàn diện giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết tham dự PISA là bước tích cực của hội nhập quốc tế về giáo dục, hỗ trợ rất nhiều trong việc thay đổi cách thức đánh giá giáo dục của Việt Nam. “Chúng ta không vì áp lực tâm lý nào, không vì mục đích đánh giá thành tích của bất kỳ tổ chức, cá nhân, địa phương nào. Đây không phải là một kỳ thi để lấy thành tích. Đây là một cuộc khảo sát để nhận diện chất lượng giáo dục phổ thông của một quốc gia xem học sinh Việt Nam đang đứng ở đâu, yếu gì, mạnh gì. Qua đó, ngành giáo dục sẽ chấn chỉnh, tạo điều kiện về mặt chính sách, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” - ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Hiển cho biết PISA hỗ trợ cho Việt Nam cách thức đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có đánh giá các kỳ thi, kiểm tra. “Nội dung của đổi mới là chuyển đánh giá chất lượng giáo dục từ chỗ thiên về học sinh học được cái gì sang chỗ đánh giá năng lực học sinh vận dụng kiến thức làm được cái gì thì chính PISA hỗ trợ cho chúng ta việc này” - ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, lâu nay chúng ta mới quan tâm đến chất lượng các kỳ thi mà chưa đánh giá về chất lượng giáo dục của đất nước, của địa phương. Vì vậy, PISA là cách để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về chất lượng giáo dục của từng vùng miền, qua đó điều chỉnh những bất cập.

“Đứng thứ mấy là trong phạm vi đánh giá của PISA còn về đánh giá chất lượng toàn diện thì chưa có cơ quan nào thực hiện. Không so sánh thì cũng thấy mình yếu nên sắp tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục học sinh phổ thông phải quan tâm đến lĩnh vực này. Làm thế nào để xác định cái gì học sinh yếu để tập trung vào đào tạo cho tốt” - ông Hiển cho biết.

PISA được thực hiện theo chu kỳ ba năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). Đối tượng đánh giá là học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia (từ 15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng). Mục tiêu tổng quát của PISA nhằm kiểm tra khi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc (lớp 9), học sinh đã được chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào. PISA chú trọng xem xét đánh giá các mức độ năng lực đạt được ở các lĩnh vực đọc hiểu, làm toán và khoa học.

Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị cho kỳ khảo sát PISA 2015. Kỳ này trọng tâm là khoa học.

THANH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm