Ai phải xác minh điều kiện THA?

Theo đại diện Bộ Tư pháp, khác với các pháp lệnh Thi hành án (THA) dân sự cũ, Luật THA dân sự năm 2008 quy định trường hợp THA theo đơn yêu cầu thì trách nhiệm xác minh điều kiện THA của người phải THA trước hết thuộc về người được THA. Sau đó, nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì có thể yêu cầu chấp hành viên, thừa phát lại tiến hành xác minh và phải chịu các khoản chi phí.

Tại hội thảo, xung quanh việc xác định trách nhiệm xác minh điều kiện THA này đã tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều.

E ngại kinh phí?

Luồng quan điểm thứ nhất đến từ đại diện một số cục THA dân sự địa phương khi cho rằng vẫn nên giữ quy định hiện hành để giảm gánh nặng nhân lực, kinh phí cho cơ quan THA và nâng cao trách nhiệm, sự chủ động tham gia vào quá trình THA của người được THA.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh (Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Quảng Trị) nói: “Theo tôi, nghĩa vụ xác minh điều kiện THA thuộc về người được THA. Đương sự sẽ thể hiện được quyền tự đi xác minh mà không cần sự hỗ trợ của chấp hành viên. Làm như vậy cũng chia sẻ một phần kinh phí của Nhà nước. Còn nếu nhờ chấp hành viên đi thì phải trả kinh phí”. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng lưu ý Luật THA dân sự sửa đổi cũng cần có phương án miễn, giảm các chi phí đi xác minh trong một số trường hợp người được THA khó khăn về tài chính (người lao động mất việc làm, thất nghiệp, gia đình chính sách…).

Đồng tình, đại diện Cục THA dân sự tỉnh Quảng Nam bổ sung: Kinh phí đi xác minh điều kiện THA trong một số vụ án tranh chấp thương mại là khá lớn. Vị này dẫn chứng: “Có vụ án xảy ra tại TP Đà Nẵng nhưng tài sản của người phải THA nằm ở các địa phương khác như Cần Thơ hay Cà Mau thì chi phí đi xác minh rất lớn. Cơ quan THA không thể gánh nổi các khoản phí này”. Theo vị này, đối với những vụ án chi phí xác minh điều kiện THA lớn thì người dân hỗ trợ một phần, Nhà nước một phần. Tuy nhiên, trách nhiệm xác minh THA vẫn thuộc về người dân.

 
Kiểm tra bản vẽ chuẩn bị cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa: HTD

“Nhận lương thì phải làm”!

Ngược lại, hầu hết ý kiến khác cho rằng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được THA, tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện THA thuận lợi thì phải sửa luật theo hướng “trách nhiệm xác minh điều kiện THA thuộc về chấp hành viên và đương sự không phải chịu chi phí xác minh”.

Trong tờ trình về dự án Luật THA dân sự sửa đổi, Bộ Tư pháp cũng xác định trách nhiệm xác minh điều kiện THA như trên. Ngoài ra, người được THA có quyền cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA.

Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá quy định như vậy phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay: “Thực tế cho thấy để thực hiện việc xác minh điều kiện THA, người được THA gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng… Đây là quy định gây khó cho dân, cũng là một nguyên nhân dẫn đến tồn đọng THA hiện nay”.

Cùng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó Chánh Văn phòng, Vụ trưởng - Trưởng ban III Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) nói: “Chúng ta là công chức, được trả lương và hưởng nhiều chế độ khác để làm những công việc này (đi xác minh điều kiện THA - PV). Tại sao trong quá trình THA lại tách phần xác minh điều kiện THA ra để làm khó dân. Tôi nghĩ làm như vậy là không nên”.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ 10 VKSND Tối cao), trong quy định hiện hành nêu rõ: “Người được THA khi yêu cầu chấp hành viên xác minh điều kiện THA phải xuất trình các tài liệu, văn bản chứng minh mình đã đi xác minh tài sản của người phải THA nhưng không có kết quả…”. Quy định này thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người được THA. Do đó, ông Hùng góp ý Luật THA dân sự sửa đổi cần xác định rõ việc xác minh điều kiện THA là trách nhiệm của chấp hành viên!

TẤN TÀI

 

Nâng trách nhiệm của chấp hành viên

Vướng mắc nhất hiện nay trong công tác THA là cơ chế kiểm soát, giám sát tài sản, kê khai tài sản… Chính cơ chế kiểm soát tài sản của chúng ta đang gây khó cho THA. Khi đi xác minh, hỏi hàng xóm, ông tổ trưởng… về tài sản của người phải THA thì không ai dám nói. Có những đương sự đi ô tô nhưng khi kiểm tra tài sản để THA thì toàn bộ đều là của người khác.

Hiện quy định về trách nhiệm của chấp hành viên trong THA còn nhiều lỗ hổng. Phải nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên. Phải kiểm soát để nếu chấp hành viên nào không thực hiện đúng theo quy định thì có chế tài chứ không thể thả lỏng.

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm