Anh em sao chỉ biết có tiền...

Khi người mẹ mất đi đã di chúc để lại toàn bộ tài sản gồm nhà đất trị giá hơn 2 tỉ đồng cho người con trai út ở Việt Nam. Ông V. - người anh còn lại sống trong nước khởi kiện yêu cầu được hưởng một phần tài sản thừa kế, quy ra tiền là hơn 300 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông V., buộc người em út phải chia cho ông hơn 100 triệu đồng.

Người em út kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây, người em cho rằng khối tài sản mình vốn được thừa kế theo di chúc. Khi người mẹ viết di chúc thì có mặt tất cả anh chị em. Mọi người, trong đó có ông V. đều đã đồng ý ký tên. Nay tòa sơ thẩm buộc ông phải đưa cho ông V. hơn 100 triệu đồng là không thỏa đáng.

Phần mình, ông V. thừa nhận đúng là di chúc do người mẹ viết ra thật nhưng lại nại rằng di chúc đó không hợp pháp bởi không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, hơn nữa người em trai được thụ hưởng di sản mà cũng ký vào đó là sai...

Phiên tòa buổi chiều ấy diễn ra khá chóng vánh. Hai anh em không ai mời luật sư bảo vệ, họ tự tranh luận với nhau rất nhanh gọn. Chỉ trong vòng khoảng 20 phút thì tòa đã vào nghị án.

Trong phòng xử, ông V. lầm lũi ngồi một mình một góc, khuôn mặt đầy căng thẳng, hậm hực khi tôi gợi chuyện: “Tài sản cha mẹ để lại thì anh em cùng hưởng chứ, ai đời lại một mình nó lấy hết như thế”’; “lúc ấy tôi chỉ ký đại vào di chúc cho mẹ yên lòng nhắm mắt mà thôi”...

Ngoài hành lang tòa, người em út cùng ba người chị ngồi chung một hàng ghế trò chuyện vui vẻ. Nhìn hai cái cảnh trái ngược ấy, tôi chợt nhớ lại lời giãi bày của một người chị trước tòa: “Anh chị em một nhà, thật tình chúng tôi không muốn kéo nhau ra tòa như thế này đâu. Không phải vô duyên cớ mà mẹ lập di chúc như vậy. Trước đây, chỉ có thằng út với chị em gái tôi ở cùng chăm sóc cho mẹ. Mẹ thì già yếu, mọi chuyện trong nhà đều một tay thằng út lo hết. Chị em gái tôi tuổi đã lớn nhưng cũng không có chồng nên nhiều lúc thằng út vẫn phải lo lắng cho suy nghĩ, tính khí thất thường của chúng tôi. Chúng tôi hiểu vì sao mẹ lại giao cơ ngơi, nhà thờ tổ tiên cho thằng út lo toan. Vì hiểu nên mọi người đều đã đồng ý, không một ai có ý kiến phản đối gì khi mẹ quyết định như vậy”.

Sau khi nghị án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của người em, nhận định dù di chúc được lập chưa đúng thủ tục nhưng lại thể hiện rất rõ ràng ý chí của người mẹ nên tòa công nhận.

Rời phòng xử người anh vội cắm cúi đi thẳng. Khoảng cách giữa ông với những chị em còn lại cứ xa dần...

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm