Bán dầu cho tàu nước ngoài, tội gì?

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hoãn xử vụ Phạm Xuân Hòa (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Hàng hải Hiệp An) đổ dầu cho tàu nước ngoài không giấy phép, không khai báo hải quan... Lý do là Hòa chưa nhận được kháng nghị của VKS yêu cầu chuyển tội danh với bị cáo.

Bán dầu cho tàu nước ngoài

Đây là một vụ án mà giữa VKS và tòa cấp sơ thẩm đã có sự bất đồng về tội danh của bị cáo.

Theo hồ sơ, Công ty Hiệp An (thành lập năm 2006) được cấp phép kinh doanh vận tải biển, dịch vụ môi giới hàng hải, môi giới thương mại, cho thuê tàu, đại lý vận tải… Đến tháng 4-2008, công ty được bổ sung dịch vụ đại lý tàu biển.

Dù Công ty Hiệp An không được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng năm 2008, Hòa vẫn thực hiện giao dịch mua bán dầu DO cho tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam mà không làm thủ tục hải quan. Để thực hiện, Hòa trực tiếp ký hợp đồng mua bán xăng dầu với Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Vận tải Petrolimex cùng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Tân. Khi tàu nước ngoài có nhu cầu mua dầu, Hòa đặt hàng của một trong hai công ty trên, chỉ định địa điểm giao hàng. Sau đó, Hòa trực tiếp thanh toán cho hai công ty trên. Các công ty này sẽ xuất hóa đơn bán dầu trực tiếp cho Công ty Hiệp An.

Tổng cộng Hòa đã bốn lần mua gần 170.000 lít dầu DO (hơn 2,2 tỉ đồng) từ hai công ty Petrolimex và Minh Tân để bán lại cho tàu Richmont Hill (Campuchia) với giá hơn 138.700 USD, thu lợi bất chính gần 27 triệu đồng. Sau đó, Hòa đã sử dụng các hóa đơn mua dầu trên để kê khai thuế GTGT và hạch toán vào chi phí quyết toán thuế năm 2008 của Công ty Hiệp An.

Tại thời điểm Công ty Hiệp An bán dầu cho tàu Richmont Hill, mặt hàng xăng dầu được Nhà nước trợ giá nên theo cơ quan điều tra, việc này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 388 triệu đồng.

 

VKS: Buôn lậu

VKSND TP.HCM đã truy tố Hòa về tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 153 BLHS (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân).

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 12-2013, Hòa nại rằng không biết việc đại lý tàu biển cung cấp dầu cho tàu nước ngoài phải khai báo hải quan.

Trong khi đó, theo đại diện VKS, Điều 158 Luật Hàng hải quy định đại lý tàu biển có quyền cung ứng nhiên liệu cho tàu biển hoạt động tại cảng. Tuy nhiên, Điều 24 Nghị định 55/2007 của Chính phủ (về việc kinh doanh xăng dầu) quy định chỉ doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu mới được xuất khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu. Mặt khác, Điều 3 Quyết định 30/2004 của Bộ Tài chính (về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng dầu và tạm nhập, tái xuất xăng dầu, sau được thay bằng Thông tư 70/2009, Thông tư 165/2010 của bộ này) quy định xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập để tái xuất phải làm thủ tục hải quan và nộp thuế...

Từ đó, đại diện VKS khẳng định Công ty Hiệp An chưa đủ điều kiện để trực tiếp cung ứng, bán nhiên liệu cho tàu nước ngoài. Bị cáo đã lợi dụng chức năng làm dịch vụ đại lý tàu biển để thực hiện việc mua dầu từ các công ty trong nước bán với giá bán nội địa, sau đó bán lại cho tàu nước ngoài mà không làm thủ tục hải quan nhằm thu lợi bất chính. Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước vì dầu là mặt hàng trợ giá, đã cấu thành tội buôn lậu nên đại diện VKS đề nghị tòa phạt Hòa từ 10 đến 12 năm tù.

Tòa: Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Theo TAND TP.HCM, đại lý tàu biển có quyền cung ứng nhiên liệu cho tàu biển hoạt động tại cảng nhưng việc cung ứng này phải tuân thủ đúng quy định, trình tự, thủ tục. Công ty Hiệp An do Hòa làm giám đốc dù là đại lý tàu biển nhưng không có chức năng kinh doanh xăng dầu. Vì vậy việc mua dầu để cung ứng cho tàu biển nước ngoài, đồng thời không mở tờ khai hải quan là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, chủ tàu Richmont Hill có thư chỉ định cho Công ty Hiệp An cung ứng dầu cho tàu chạy máy. Bị cáo đã thực hiện việc thông báo số lượng dầu tàu cần, giá dầu DO mà Công ty Petrolimex, Công ty Minh Tân bán. Đồng thời, các công ty kinh doanh xăng dầu này đã cung ứng dầu ngay tại mạn tàu Richmont Hill, bị cáo chỉ hưởng 400 USD bao gồm tất cả dịch vụ cho mỗi chuyến tàu. Điều này cho thấy về ý thức chủ quan, bị cáo cung ứng dầu cho tàu Richmont Hill không nhằm mục đích mua đi bán lại nên không mang tính chất mua bán. Do đó, hành vi của bị cáo chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội buôn lậu như VKS truy tố.

Theo tòa, trong bốn lần Công ty Hiệp An cung ứng dầu mà cáo trạng truy tố thì có hai lần cung ứng cho tàu Richmont Hill chạy tuyến nội địa đi Huế - Sài Gòn - Quy Nhơn. Như vậy việc bị cáo khai cung ứng dầu cho tàu này vận hành máy là có căn cứ. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc doanh nghiệp cung ứng dầu cho tàu nước ngoài chạy tuyến nội địa nên việc bị cáo không làm thủ tục hải quan, nộp thuế không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm hành chính. Riêng với hai lần Công ty Hiệp An cung ứng dầu cho tàu Richmont Hill chạy ra nước ngoài (63,11 tấn dầu với tổng giá trị hơn 1,118 tỉ đồng), bị cáo đã phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cuối cùng, tòa tuyên phạt Hòa ba năm tù theo khoản 3 Điều 154 BLHS. Ngay sau đó, VKS đã có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử Hòa về tội buôn lậu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án gây tranh cãi này.

HOÀNG YẾN

 

Bị cáo phạm hai tội?

Trong vụ án, bị cáo phạm hai tội là kinh doanh trái phép và buôn lậu. Tòa sơ thẩm xử bị cáo về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là không đúng.

Cụ thể, với hai lần Công ty Hiệp An đổ dầu cho tàu nước ngoài đi tuyến nội địa, bị cáo phạm tội kinh doanh trái phép vì công ty không có giấy phép kinh doanh xăng dầu. Với hai lần còn lại đổ dầu cho tàu đi nước ngoài, bị cáo phạm tội buôn lậu vì có thu lợi bất chính. Chỉ xác định bị cáo phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới khi bị cáo đứng trung gian, không hề thu lợi gì trong việc cung ứng dầu cho tàu nước ngoài.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm