Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh thành lập một ban thanh tra đặc biệt nhằm giám sát hoạt động của tất cả các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ.

Nhà sử học chuyên viết về lịch sử Quốc hội và Chính phủ Việt Nam - PGS-NGND Lê Mậu Hãn - rất hào hứng khi nói về sắc lệnh ấy của chính quyền cách mạng. Đó là Sắc lệnh số 64/SL, do Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945, thiết lập ngay một ban thanh tra đặc biệt, “có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”.

Có quyền bắt giữ người của Chính phủ

. Ban thanh tra này đặc biệt như thế nào, thưa ông?

Điều 2 Sắc lệnh quy định ban thanh tra này “có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt”.

Ngoài ra, ban thanh tra “có thể truy tố cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố sắc lệnh” và “có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan”.

. Thành viên của ban thanh tra là những ai?

+ Theo hồ sơ để lại thì hai nhân vật quan trọng nhất của ban này là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh Nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông. Họ được cử vào Ban Thanh tra đặc biệt theo Sắc lệnh số 80/SL ngày 31-12-1945.

. Đó là một ban thanh tra độc lập, không trực thuộc bất cứ cơ quan nào của Nhà nước?

+ Độc lập hoàn toàn chứ. Nói theo cách dùng từ của thời nay thì đây như là một ủy ban đặc biệt chống tiêu cực vậy. Ủy ban có thực quyền và quyền rất mạnh, được coi trọng, được Hồ Chủ tịch cấp giấy để có thể đi bất cứ đâu, có quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên Chính phủ nào trước khi xét xử.

Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ ảnh 1

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử trong cả nước năm 1946, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước. Ảnh: TƯ LIỆU

Điều 3 của Sắc lệnh 64/SL còn nêu rõ: “Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố”.

Tòa án đặc biệt do ông chủ tịch Chính phủ Lâm thời làm chánh án và hai ông bộ trưởng Nội vụ (khi ấy là Võ Nguyên Giáp) và bộ trưởng Tư pháp (Vũ Trọng Khánh) làm hội thẩm. Tòa án đặc biệt có toàn quyền định án, thậm chí có thể tuyên án tử hình.

. Lịch sử có ghi lại một vụ việc cụ thể nào đã được ban thanh tra và tòa án đặc biệt này xử lý không, thưa ông?

+ Hồ sơ để lại thì không thấy có ghi… Thật ra ban thanh tra và tòa án đặc biệt này chỉ có tính cách tạm thời, sử dụng trong hoàn cảnh đặc biệt, khi ta chưa có điều kiện xây dựng hệ thống tòa án đầy đủ, đạt tiêu chuẩn thôi. Sau này khi hệ thống luật pháp, tòa án ở ta được kiện toàn thì văn bản ấy tự hết hiệu lực.

Nhưng xét trong bối cảnh thời ấy thì sự ra đời của một ban thanh tra, một tòa án đặc biệt như thế thật sự có ý nghĩa rất lớn. Tinh thần của sắc lệnh này về sau đã được phản ánh trong một vụ xử án “tham nhũng” tiêu biểu ngày ấy là vụ án Trần Dụ Châu.

Một trong “những việc cần làm ngay”

Với tư cách một nhà nghiên cứu lâu năm về lịch sử Quốc hội, lịch sử Chính phủ Việt Nam, PGS Lê Mậu Hãn đánh giá rất cao những nỗ lực lập pháp của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy.

. Ông có thể cho biết đôi nét về hoàn cảnh ra đời Sắc lệnh 64/SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt này?

+ Đó là thời kỳ trứng nước của chính quyền cách mạng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ máy còn chưa vững, chính phủ lâm thời đã phải đối mặt với tình thế hiểm nghèo, khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài: Trong Nam, thực dân Pháp trở lại Nam Bộ. Ngoài Bắc, Tàu Tưởng và các phần tử phản cách mạng nổi lên chống phá cách mạng.

Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh: TƯ LIỆU

Chính quyền bắt buộc phải được lòng dân mà muốn thế thì phải trong sạch, liêm khiết, nghiêm khắc với chính mình. Không thể lấy lý do “mới thành lập”, “còn non trẻ” mà dung thứ cho sai trái được. Càng mới thì càng phải nghiêm khắc. Cho nên, trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua hiến pháp và các đạo luật khác, ngày 14-11-1945, Hội đồng Chính phủ đã họp bàn kế hoạch tổ chức một ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Và đến ngày 23-11-1945, trên cơ sở quyết định của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL.

Phải nói là trong hoàn cảnh như ngày ấy, dân trí, dân sinh như thế mà Chính phủ ban hành một sắc lệnh như thế quả thật là quá liêm khiết. Hồ Chủ tịch là một vị lãnh tụ vô cùng sáng suốt! Người đã nhìn thấy rõ hơn ai hết những việc đầu tiên, có tính chất nền tảng, căn bản mà một chính quyền vì dân nhất định phải làm.

. Nhưng phải chăng sự ra đời của Sắc lệnh 64/SL cho thấy thời đó (năm 1945), chính quyền mới thành lập cũng có những vụ việc tiêu cực?

+ Thật ra phải hiểu là ngày đó chúng ta mới bắt đầu xây dựng chính quyền nhà nước, từ cấp trung ương tới cấp cơ sở, cho nên bên cạnh những người có năng lực, làm việc tốt thì không tránh khỏi có cán bộ hách dịch, cửa quyền, xa dân, có lẽ cả tham ô tham nhũng nữa - tất nhiên, theo tôi, chắc không đến mức như bây giờ. Nhưng nhiều nơi dân chúng cũng kêu, người ta bảo mấy ông cán bộ làm việc cứ như loại quan mới. Vì vậy nên Hồ Chủ tịch và Chính phủ mới đặt ra vấn đề là trong điều kiện ấy, cán bộ phải nghiêm khắc với chính mình, phải giữ vững kỷ luật.

Quyền hạn của ban thanh tra và tòa án đặc biệt rất lớn, cho thấy rõ ràng quan tâm của Hồ Chủ tịch là xây dựng một chính quyền liêm khiết ngay từ đầu. Điều ấy là điều căn bản nhất của việc thành lập chính quyền nhà nước.

Chính phủ phải liêm khiết!

. Như vậy, xây dựng một chính quyền mới là phải đảm bảo những tiêu chí như thế nào, thưa ông? Liêm khiết và…?

+ Tôi xin kể thêm, thế này: Gần một năm sau ngày ban hành sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, tổ chức ở thủ đô Hà Nội từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có tới 88 câu hỏi chất vấn công khai đấy chứ không ít đâu.

Nói về tính liêm khiết của Chính phủ, Người khẳng định: “Tuy trong nghị quyết của Quốc hội không nói đến hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và thế giới: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết. Theo nghị quyết của Quốc hội, chính phủ sau đây phải là một chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”.

Đấy là những tiêu chí mà Hồ Chủ tịch đã đặt ra rất rõ ràng cho việc xây dựng chính quyền cách mạng. Hơn ai hết, Người hiểu rằng khi xây dựng chính quyền nhà nước, mọi thứ đều phải được thiết lập căn bản từ đầu và về bản chất, tất cả các cơ quan hành chính, từ trung ương đến địa phương, đều phải trong sạch, liêm khiết, đúng thì khen thưởng, sai thì nghiêm trị.

Bài học lớn mà Người để lại cho chúng ta là như thế.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946 tại Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm, nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban làng, hiện đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, mà nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Ngày 1-8-1946, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 95 về việc bài trừ nạn hối lộ. Đến ngày 17-11-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 223/SL truy tố các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm