ĐỒNG TIỀN VÀ BÓNG ĐÁ - BÀI CUỐI

Ban Tư vấn Đạo đức của VPF: Được nói, không được làm

Ban Tư vấn Đạo đức được thai nghén từ khi Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hình thành vào quý IV-2012 từ chủ trương của ông bầu Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF cũng là người đi đầu trong việc sáng lập VPF). Ông Kiên hồi đấy rất quyết liệt hình thành ban này để thực hiện việc chống tiêu cực trong bóng đá Việt Nam.

Soi thì được nhưng xử thì không

Ngày 21-2-2013, Ban Tư vấn Đạo đức của bóng đá Việt Nam ra đời. Đây là một ban được thành lập sau khi nghiên cứu rất nhiều từ mô hình hoạt động của Ủy ban Đạo đức (UBĐĐ) của FIFA. Nhưng nếu UBĐĐ FIFA có vị trí, vai trò và quyền hành rất lớn thì Ban Tư vấn Đạo đức của Việt Nam chỉ gói gọn trong việc phát hiện, điều tra và báo cáo những giải đấu do VPF tổ chức.

Trong các nhiệm kỳ của mình, LĐBĐ VN (VFF) dù có đề cập đến nhưng lại chưa bao giờ có tư tưởng thành lập UBĐĐ như FIFA đã làm. Trong khi đó, VFF ngày một “ăn nên làm ra”, gắn với quyền lợi của nhiều thành viên và cũng là nơi “làm ăn” của nhiều người, nhiều bộ phận. Đấy là lý do vì sao khi VPF thành lập Ban Tư vấn Đạo đức thì ban này ít được ủng hộ và thậm chí còn bị xem là “rách việc”. Bằng chứng là mới chỉ một tháng tuổi nhưng Ban Tư vấn Đạo đức đã soi liên tục vào những vấn đề tiêu cực mà dư luận quan tâm, lên án. Điều này được nhiều người ủng hộ nhưng dường như lại “đối đầu” với VFF vốn xem tiêu cực là một phần của bóng đá mà từ lâu các đời VFF thường chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngoài ra, VFF cũng không đủ dũng cảm để tồn tại một ban mà có thể xét tư cách các thành viên trong ngôi nhà VFF qua việc thẩm tra đạo đức cùng kiểm tra chỉ số minh bạch như UBĐĐ của FIFA đã làm.

Ban Tư vấn Đạo đức của VPF: Được nói, không được làm ảnh 1

Ban Tư vấn Đạo đức vào cuộc ngay sau có tin nhắn báo trước kết quả trận Siêu cúp nhưng sau phần tư vấn và báo cáo thì các bộ phận khác lại đứng im. Ảnh: QUANG THẮNG

Cái khó của Ban Tư vấn Đạo đức Việt Nam là tên nghe thì lớn (bởi nhiều người rất dễ lầm với UBĐĐ của FIFA) nhưng phạm vi hoạt động thì lại rất nhỏ. Về quy mô, phạm vi hoạt động của nó chỉ gói gọn ở các giải đấu của VPF quản lý; về quyền hạn, nó chỉ dừng lại ở mức tư vấn - tức nó chỉ dừng lại ở phần… nói, còn phần thực hiện thì lại thuộc về phạm trù khác.

Rõ nhất là mới đây, những vụ Ban Tư vấn Đạo đức động chân động tay đều được dư luận quan tâm. Như nghi án cầu thủ XMXT Sài Gòn bán độ trong trận Siêu cúp Quốc gia cùng những tin nhắn cảnh báo trùng khớp với “kèo” nhà cái và thái độ thi đấu của đội khách; hay vụ thủ môn Dương Hồng Sơn sai có hệ thống trong những trận đấu “lên sàn”… Người hâm mộ rất quan tâm và muốn bóng đá Việt Nam trong sạch, thậm chí là cơ quan điều tra cũng quan tâm và muốn làm rõ. Tuy nhiên, phần triển khai các bước tiếp theo thì… tắc. Lạ ở chỗ nó tắc từ sự thiếu nhiệt tình hợp tác của các bộ phận có trách nhiệm của VFF qua việc cơ quan điều tra phải gửi thư nhắc khi sự kiện đấy xảy ra đã gần một tháng.

Cái giá của sự trung thực

Hồi đấy sở dĩ bầu Kiên rất muốn thành lập sớm ban này là vì ông cùng nhiều ông bầu rất bất mãn với “bộ máy khép kín” trong hệ thống tổ chức bóng đá theo kiểu “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Rõ nhất là sự bức xúc của các ông bầu đội Hòa Phát Hà Nội bị trọng tài ép trắng trợn ở mùa giải 2011, ông chán những người điều hành bóng đá ở VFF đến độ cắt bỏ cả một CLB sau khi đã đầu tư rất bài bản.

“Bộ máy khép kín” đấy hình thành từ thời bao cấp mà BTC giải (trực thuộc VFF và đa số là quan chức của VFF) điều hành đã không tôn trọng quyền lợi và công sức của các đội bóng. Họ điều hành thiếu minh bạch và luôn được bao che bởi hệ thống giám sát, trọng tài… dắt dây nhau theo sự sinh tồn mang tính quyền lợi nhóm. Đấy là lý do khiến những xung đột xảy ra với các đội bóng thấp cổ bé miệng và hầu hết những xung đột ấy đều bị “ỉm” đi. Sự bao che đấy phát sinh ngay từ biên bản trận đấu và báo cáo của giám sát đến Ban Kỷ luật “vo tròn” kiểu hòa cả làng hay giơ cao đánh khẽ làm mất niềm tin lớn nơi người hâm mộ.

Ban Tư vấn Đạo đức của VPF: Được nói, không được làm ảnh 2

Ban Tư vấn Đạo đức ra mắt ngày 21-2-2013. Ảnh: XUÂN HUY

Nguy hiểm hơn, để trốn tránh sự thật, những nhà điều hành đã hình thành một đội ngũ giám sát chấp nhận giải pháp báo cáo thiếu trung thực để BTC không bị làm khó. Đáp lại, các giám sát được suất “ngồi mát ăn bát vàng” và thậm chí là “hưởng lộc” từ BTC địa phương… Đã từng có không ít giám sát vì có chuyên môn tốt và vì báo cáo trung thực mà sau đó bị cắt suất. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Vinh, chỉ vì ông báo cáo trung thực trận Bình Dương - Khánh Hòa trên sân Gò Đậu có tiêu cực mà từ đó trở đi ông đã không bao giờ được mời làm giám sát nữa vì bị cho là làm khó BTC (!?).

Phải chờ một cuộc cách mạng khác

Sau khi bầu Kiên cùng các ông bầu quyết liệt thành lập VPF để điều hành giải một cách công bằng hơn và biết bảo vệ quyền lợi của các đội bóng hơn thì ông bầu này nghĩ ngay đến một ban đạo đức. Ban đấy đủ quyền lực để lập lại trật tự qua những bát nháo ở giải vô địch quốc gia từ thời VFF điều hành. Ban đấy được hình thành với cơ chế và hoạt động như UBĐĐ FIFA… Chỉ có điều, ban đấy do là “con” của VPF nên chỉ hoạt động ở những giải đấu do VPF điều hành, với công việc chủ yếu là… tư vấn cho VPF những nghi án tiêu cực.

Ban đầu bầu Kiên và một số thành viên sáng lập của ban này đã tính đến việc mời cả một vị tướng bên an ninh tham gia nhằm tăng phần điều tra sang những lĩnh vực nhạy cảm mà nếu không phải là bộ phận chuyên môn thì sẽ rất khó lôi ra ánh sáng những bằng chứng.

Sau này, khi Ban Tư vấn Đạo đức của VPF ra đời thì bầu Kiên cũng không còn ở VPF do bị dính vào vòng lao lý ở lĩnh vực kinh tế. Và thành viên bên an ninh mà bầu Kiên muốn mời tham gia cùng ban này cũng không thể tham gia vì không còn hoạt động trong ngành nữa.

Đến giờ, chắc chắn vẫn còn nhiều người tranh luận về tên của Ban Tư vấn Đạo đức có đúng hay không. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của ban này là luôn muốn trả lại sự trong sạch cho sân bóng thay cho nếp cũ từ thời VFF điều hành giải. Nhưng lực bất tòng tâm, nỗi khổ của ban này không thể đụng đến phần nóc hoặc phần nhân sự, không thể kiểm tra chỉ số minh bạch của từng thành viên như chức năng của UBĐĐ FIFA.

Bóng đá Việt Nam vì vậy vẫn phải chờ một cuộc cách mạng khác chứ không thể trông chờ vào Ban Tư vấn Đạo đức của VPF vốn bị khoanh vùng phạm vi hoạt động như thế.

Chưa tố được người đã bị người phản tố

Khi Ban Tư vấn Đạo đức còn đang thai nghén chưa thành lập thì bầu Kiên đã “phối hợp làm thử” qua việc lôi ra bằng chứng ít nhất hai trọng tài liên lạc với các CLB vòi tiền. Bên cạnh đó là chứng cứ 6-7 quan chức đội bóng liên lạc với trọng tài nhờ vả và hứa hẹn cho tiền. Kết quả là bầu Kiên dựa vào đấy chỉ tận mặt từng quan chức và “răn đe”, đề nghị chấm dứt hành động tiêu cực mà hãy đá cho tử tế. Ông cũng đề nghị Ban Trọng tài vĩnh viễn không mời hai trọng tài vòi tiền CLB…

Ban Tư vấn Đạo đức của VPF: Được nói, không được làm ảnh 3

Bầu Kiên (trái) và bầu Đức, hai trong những sáng lập VPF đồng thời cũng là những người kiên quyết phải lập Ban Tư vấn Đạo đức với hy vọng làm sạch bóng đá nước nhà. Ảnh: QUANG THẮNG

Tuy nhiên, việc “cầm đèn chạy trước ô tô” đấy của bầu Kiên đã bị chính lãnh đạo các CLB phản ánh là vi phạm pháp luật vì “tự tiện nghe lén điện thoại” để làm bằng chứng (!?). Cuộc chiến chống tiêu cực rõ ràng không đơn giản chút nào bởi nó còn là cuộc chiến pháp lý…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm