Bất ổn cách phạt tiệm vàng Hoàng Mai

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM chiều 23-6, vụ ông Dương Công Kiên (làm việc tại tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị phạt 400 triệu đồng do nhận đổi trái phép 100 USD đã được báo chí đặt ra.

Có “căn cứ” nhưng... không giải đáp

Tuy nhiên, ông Võ Văn Luận - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM không giải đáp từng câu hỏi mà chỉ khẳng định: “Đương nhiên khi UBND TP ra quyết định xử phạt thì phải có căn cứ đúng theo quy định”.

Căn cứ Nghị định 95/2011 UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt ông Kiên về hành vi “hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” (có mức phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng, không tịch thu tang vật). Tức là ông Kiên không phải bị xử phạt về hành vi “mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” (có mức phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng và tịch thu tang vật) như cách phạt phổ biến của nhiều tỉnh, thành khác.

Ông Dương Công Kiên, người làm việc tại tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh đã bị phạt 400 triệu đồng do nhận đổi trái phép 100 USD. Ảnh: CTV 

Phạt 400 triệu đồng: Không thuyết phục

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), cách phạt của UBND TP thiếu thuyết phục. Luật sư Hoan phân tích: “Theo khoản 8 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và khoản 8 Điều 3 Nghị định 160/2006 thì hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối. Với định nghĩa này, có thể hiểu hoạt động ngoại hối có phạm vi rất rộng, thậm chí bao hàm cả hoạt động mua bán ngoại tệ”.

Sao không suy đoán có lợi?

Cũng theo luật sư Hoan, trong hoạt động tố tụng hình sự có quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, nghĩa là khi chứng cứ không vững chắc hoặc 50/50 thì các cơ quan tố tụng phải suy đoán theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Trong dân sự thì trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Trong xử lý vi phạm hành chính, nhiều lĩnh vực cũng áp dụng những nguyên tắc hồi tố hoặc áp dụng quy định có lợi cho người vi phạm.

Luật sư Hoan đề nghị: “Trong trường hợp vi phạm của tiệm vàng Hoàng Mai, do các cơ quan chức năng không có bất cứ văn bản nào giải thích, phân biệt hai hành vi hoạt động ngoại hối trái phép và mua bán ngoại tệ trái phép nên các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng điều khoản có lợi cho người vi phạm. Cụ thể, UBND TP có thể phạt tiệm vàng Hoàng Mai về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép”.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng chỉ có thể áp dụng điểm a khoản 5 Điều 18 Nghị định 95/2011 về “hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” để phạt trung bình 400 triệu đồng đối với các tổ chức (ví dụ ngân hàng, doanh nghiệp...) chứ không thể áp dụng cho cá nhân. Việc hai cá nhân mua bán ngoại tệ cho nhau như trong vụ tiệm vàng Hoàng Mai là hành vi mua  bán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. Vậy nên phải áp dụng điểm d khoản 3 Điều 18 Nghị định 95/2011 để phạt trung bình 75 triệu đồng và tịch thu tang vật.

Thủ tục phạt có đúng quy định?

Ngày 24-4, khi khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, Công an quận Bình Thạnh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Kiên về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. Từ góp ý của PC46 - Công an TP.HCM, ngày 19-5, Công an quận Bình Thạnh đã lập lại biên bản với lỗi hoạt động ngoại hối trái phép. Phản ánh với báo chí, ông Kiên cho biết mình không hề biết biên bản ngày 19-5. Vậy việc dựa vào biên bản này để ra quyết định xử phạt có đúng quy định?

Viện dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Việc lập biên bản vi phạm hành chính có thể thực hiện ngay thời điểm có hành vi vi phạm hay sau thời điểm đó đều được. Bởi lẽ khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết liên quan như có hay không có vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính… Việc xác minh này phải được thể hiện bằng văn bản.

Về nguyên tắc, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Biên bản này phải được lập thành ít nhất hai bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản… Nếu họ từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến. Như vậy, dù người vi phạm không ký tên vào biên bản nhưng nếu việc lập biên bản tuân thủ những quy định trên thì biên bản vẫn hợp lệ.

 

Ông VÕ VĂN LUẬN, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM:

“TP phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình”

Tại buổi họp báo chiều 23-6, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã có những câu hỏi như sau: “Nếu TP xử phạt theo lỗi mua, bán ngoại tệ trái phép thì mức phạt thấp hơn, còn với lỗi hoạt động ngoại hối trái phép thì mức phạt nặng hơn. Xử phạt như thế với một cá nhân liệu có thuyết phục không? Trình tự, thủ tục từ lúc phát hiện vi phạm đến lúc ra quyết định xử phạt có bảo đảm đúng quy định pháp luật? ...”

Ông Võ Văn Luận: “Về vụ việc này hiện chưa thể trả lời đầy đủ cho báo chí. Nếu người bị xử phạt không đồng ý với quyết định trên thì có thể khiếu nại. Đương nhiên, khi UBND ra quyết định xử phạt thì phải có căn cứ đúng theo quy định. Tôi khẳng định UBND TP phải chịu trách nhiệm với quyết định trên của mình...”.

ÁI NHÂN

KIM PHỤNG - QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm