Bầu Kiên: Không vì tình bạn thì đã khai mình là người bị hại

Không ai có thể lừa được anh Long

Luật sư Ngô Huy Ngọc hỏi Nguyễn Đức Kiên xung quanh cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trong buổi chiều nay.

-Khi thực hiện giao dịch với anh Long, anh có nghĩ lừa được Hòa Phát không?

+Anh Long là một doanh nhân lớn tại Việt Nam, tôi không tin có ai có thể lừa được anh Long. Tôi và anh Long đã thực hiện nhiều dự án, nhiều công ty (7 công ty), với giá trị nhiều ngàn tỷ đồng, chưa hề có bất kỳ xung đột nào trong quá khứ.

 Là bạn bè, tôi tin tưởng vào quản trị của anh Long. Anh Long phải biết mọi việc do cấp dưới làm, phải biết có 20 triệu cổ phiếu thế chấp (Tại các phiên xử trước, ông Trần Đình Long khẳng định hoàn toàn không biết 20 triệu cổ phiếu này đã bị thế chấp, nếu biết ông Long đã không đồng ý mua-PV).

Bầu Kiên sau đó khẳng định: “Tôi không có nhu cầu tiền để chiếm đoạt 264 tỷ. Tôi không thiếu tiền để phải đi chiếm đoạt của người khác. Tôi không thể chiếm đoạt tiền của tập đoàn Hòa Phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm việc này. Nếu anh Long không phải là bạn tôi, lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát không phải là bạn tôi, tôi có thể khẳng định với cơ quan điều tra tôi là người bị hại…

Nhưng tôi ý thức được rằng việc kiện bạn bè hoặc tố cáo người khác lừa đảo là hành vi nghiêm trọng, do đó trong 21 tháng qua, tôi không hề có ý kiến nào khác. Tôi chỉ nói với cơ quan điều tra rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng có sai sót của anh Dương trong việc xác định chuyển nhượng.

Nếu trong thực tế, tôi hoàn toàn có quyền kiện Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã tự ý chuyển nhượng cổ phiếu của tôi, của Công ty ACBI khi chưa chuyển tiền, chưa được sự đồng ý của tôi. Nhưng tôi cho rằng việc đó không cần thiết và đây không phải phải là vụ việc hình sự mà chỉ là một sai sót rất nhỏ”.

Bầu Kiên: Không vì tình bạn thì đã khai mình là người bị hại ảnh 1
"Vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm việc này (lừa đảo tiền của Hòa Phát)". Ảnh: TN. 

-Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, giữa các bên có phát sinh tranh chấp nào không, cho đến thời điểm 20-8-2012 (thời điểm bầu Kiên bị bắt)?

+ Cho đến 20-8-2012 chưa có bất kỳ tranh chấp nào. Tôi cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ phía Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát về việc chuyển sổ cổ đông của công ty ACBI cho Công ty Thép Hòa Phát. Đồng thời, toàn bộ số cổ phần của Công ty bất động sản Hòa Phát ACB hiện nay vẫn do Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ, chưa chuyển lại cho Công ty sau khi đã thoái vốn tại Công ty này.

-Đến 20-8-2012, hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần giữa ACBI và Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát vẫn đang có hiệu lực?

+ Cho đến 20-8, hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý, hai bên đang thực hiện nghĩa vụ của mình.

-Tại thời điểm anh thực hiện giao dịch với Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và với anh Long, Tập đoàn Hòa Phát đang quản lý của anh bao nhiêu tài sản?

+Tài sản lớn nhất mà Tập đoàn Hòa Phát đang quản lý của tôi là 600 tỷ tại Công ty bất động sản Vinaconex Viettel.

Bầu Kiên: Không vì tình bạn thì đã khai mình là người bị hại ảnh 2

Bầu Kiên và ông Long, hai người đã từng là bạn rất thân, nay ra tòa lại ở hai đầu "chiến tuyến". Ảnh: TN

-Khi chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, ngoài mục đích hoán đổi cổ phiếu còn mục đích gì khác không?

+Như ban đầu tôi đã trình bày, tôi không có nhu cầu bán cổ phần tại Công ty Thép Hòa Phát vì đây là dự án đang rất tốt, rất có lãi, rất có tương lai. Khi tôi đồng ý việc này, tôi cho rằng đó là sự giúp đỡ của tôi với anh Long, như giúp đỡ bạn bè.

-Các khoản chi tiêu của ACBI có gắn với nguồn 264 tỷ mà Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển sang không?

+Tôi rất thông cảm với cách trả lời của Yến. Ngay khi đối chất với Yến, tôi đã nói với Yến như sau: Yến là bạn học của em gái tôi từ bé, là học sinh của bố mẹ tôi. Yến làm việc cho tôi từ khi tốt nghiệp Đại học đến nay đã hơn 20 năm nên tôi coi Yến như em. Tôi không có ý định đổ bất kỳ trách nhiệm nào cho Yến nhưng tôi hiểu những áp lực mà Yến phải chịu từ cơ quan điều tra.

Lời khai của Yến có nhiều điểm không chính xác nhưng tôi thấy rằng không cần thiết phải chứng minh những lời khai đó không chính xác. Không cần thiết phải đổ trách nhiệm cho nhau trong trường hợp này vì chúng tôi không có bất kỳ hành vi lừa đảo hoặc gian dối nào.

-Tình hình tài chính của anh thế nào? Có khó khăn không? Có rủi ro gì không? Có nợ nần ai không?

+Tôi kinh doanh gần 30 năm, cho đến ngày tôi bị bắt, tôi không có bất kỳ khoản vay cá nhân nào của tôi hoặc vợ tôi tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Tôi không vay, không nợ nần bất kỳ ai. Tài sản của tôi, nếu không xảy ra vụ án này, là nhiều ngàn tỷ. Nên tôi không có bất kỳ khó khăn tài chính nào.

-Với tư cách là một trong những doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam, anh có lý do gì để chiếm đoạt 264 tỷ của một thành viên Thép Hòa Phát?

HĐXX ngắt lời cho rằng bị cáo không phải trả lời câu hỏi này.

-Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, gần như cao nhất ACBI, sau khi giao dịch với Hòa Phát xong, ông đã chỉ đạo việc giải chấp như thế nào?

+Thời điểm ACBI góp vốn vào tập đoàn Hòa phát, Với tư cách là đại diện cho nhóm cổ đông lớn thứ 2 tại VN của tập đoàn Hòa Phát, điều đó thể hiện chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành của tập đoàn Hòa Phát, tôi tin tưởng anh Long như 1 người bạn, 1 người đồng cấp của tôi.

- Xuyên suốt quá trình đàm phán, năm 2012 và chốt đến tháng 8-21012, anh thực hiện thế nào để thể hiện ý chí của anh về việc đề nghị ACB giải chấp?

+Tôi luôn ý thức thực hiện các cam kết của mình, với tư cách là chủ tịch công ty, tôi đã yêu cầu ACB tổ chức họp với tôi về việc giải chấp. Sau nhiều lần, ACB đã họp với tôi về việc này. Hồ sơ của cơ quan điều tra hoàn toàn không có nội dung này. Ngay từ buổi đầu xét xử, tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung bút lục, cung cấp sổ tay của chị Đinh Ngọc Lâm, giám đốc ACB Thăng Long, cho công bố lời khai và sổ tay của chị Lâm.

 

Theo cáo trạng, Công ty ACBI (do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT) sở hữu gần 30 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép hòa Phát. Ngày 11-5-2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty) ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để bảo đảm cho khoản phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Tháng 4-2012, theo đề nghị của ông Trịnh Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và ông Trần Tuấn Dương (TGĐ Tập đoàn Hòa Phát), Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, tương ứng với số tiền 264 tỷ đồng.

Ngày 21-5, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần này cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát (dù số cổ phần này chưa được Ngân hàng ACB và Công ty ACBS- đơn vị quản lý số cổ phần này- đồng ý cho giải chấp).

Cáo trạng cáo buộc Nguyễn Đức Kiên đã lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm