Bầu Kiên: Thường trực HĐQT ACB ‘có sai’

Ngày 10-12, bầu Kiên được dành gần trọn buổi sáng để tự bào chữa. Nội dung tự bào chữa đối với hai tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt của bị cáo không có diễn biến mới đáng chú ý. Tuy nhiên, đối với tội cố ý làm trái, lần đầu tiên bầu Kiên đã khẳng định các thành viên thường trực HĐQT ACB “có sai”.

“Tôi có vị trí rất cao ở ACB. Nếu nói tôi không có vị trí, không có ảnh hưởng là đớn hèn. Nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau có vị trí khác nhau. Năm năm làm phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, tôi chỉ là chỗ dựa tinh thần cho anh em chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của ACB. Các anh em có nhiều lời khai, hành xử bất lợi cho tôi, tôi không trách móc gì các anh ấy. Nhưng tôi cần HĐXX làm rõ tại phiên tòa này trách nhiệm của tôi ở đâu trong từng vấn đề” - bầu Kiên nói.

“ACB không lách luật”

Nói về chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các ngân hàng (NH) khác của thường trực HĐQT ACB ngày 22-3-2010, trong khi một số bị cáo thừa nhận “ACB lách luật vì không có sự lựa chọn nào khác” thì bầu Kiên lại khẳng định điều ngược lại.

“Tại thời điểm đó, các thành viên thường trực HĐQT và bản thân tôi đều cho rằng việc ủy thác này không sai pháp luật chứ không phải chúng tôi biết là sai nhưng lách luật. Các bị cáo ở đây không phải nhận tội vì biết có tội, mà họ nhận tội để xin giảm án”. Bầu Kiên nói đến đây thì HĐXX nhắc bị cáo không được suy diễn ý kiến của người khác. việc đánh giá ý kiến đó đúng hay không đúng dành cho HĐXX quyết định.

Bầu Kiên sau phiên xử ngày 11-12. Ảnh: Đ.MINH

Bầu Kiên cho biết thời điểm đó ACB có nhiều rủi ro khi đã cho một số NH nhỏ vay liên NH nhưng các NH này không trả nợ khi đến hạn. NHNN đưa ra thứ tự ưu tiên thanh toán là trả tiền gửi cho người dân trước, trả liên NH sau. Ý thức lúc đó của ACB không phải là lách luật mà đưa ra giải pháp phù hợp, an toàn cho ACB.

Theo bầu Kiên, nghị quyết của thường trực HĐQT ACB ngày 22-3-2010 là hoàn toàn đúng pháp luật. Còn sau thời điểm 28-3-2011, khi đã có chủ trương dừng việc ủy thác rồi mà vẫn tiếp tục thực hiện là sai. Sai về quy chế nội bộ của ACB. Thường trực HĐQT với trách nhiệm giám sát thực hiện nghị quyết của mình đã sai khi không phát hiện kịp thời để xử lý.

Bầu Kiên nói tiếp: “Không phải hôm nay, trước vành móng ngựa, tôi mới nói các thành viên thường trực HĐQT sai. Nội bộ ACB đã có hai cuộc họp để xác định việc này là sai hay đúng. Chúng tôi thảo luận ai sai, mức độ sai thế nào, trách nhiệm ra sao”.

Bầu Kiên cho biết tại hai cuộc họp nội bộ nói trên, bị cáo đã đề nghị cách chức ông Nguyễn Văn Hòa (kế toán trưởng ACB) nhưng không được các thành viên thường trực HĐQT đồng tình với lý do phải bảo vệ cán bộ trước, xử lý cán bộ sau.

“Tôi cũng đã đề nghị với anh Lý Xuân Hải là “các anh sai, hãy cho tôi dùng tiền cá nhân của tôi nộp cho ACB (718 tỉ đồng - PV) sửa cái sai này chứ đừng để các anh vi phạm pháp luật”. Anh Hải nói không đồng ý việc lấy tiền của tôi đi sửa sai việc của các anh ấy làm. Như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp” - bầu Kiên khai tại tòa.

“Các thành viên thường trực HĐQT, nếu có, là tội thiếu trách nhiệm. Nhưng ACB không truy cứu trách nhiệm họ về vấn đề này. Họ do cổ đông ACB bầu ra, chỉ có cổ đông ACB mới có quyền phán xét họ, họ có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại không. Các cơ quan pháp luật nên để quyền đó cho cổ đông ACB vì đây là quyền đã được pháp luật quy định” - bầu Kiên kết luận.

VKS: “Ủy thác gửi tiền là trái pháp luật”

Tranh luận lại với các luật sư và bầu Kiên, đại diện VKS cho rằng việc ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 1997. Luật sư và bị cáo cho rằng theo quy định của luật và điều lệ ACB, NH được quyền ủy thác trong các lĩnh vực liên quan hoạt động NH và gửi tiền là lĩnh vực liên quan hoạt động NH. Tuy nhiên, VKS cho rằng quan điểm này hoàn toàn sai lầm.

“NH mang tiền huy động đi gửi lòng vòng ở NH khác để kiếm lời, không giúp gì cho việc thực hiện chức năng của NH là thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư và đưa vào hoạt động của nền kinh tế. Việc gửi tiền không phải là lĩnh vực liên quan đến hoạt động NH nên chủ trương này hoàn toàn trái luật” - đại diện VKS khẳng định.

VKS cũng cho rằng hành vi ủy thác cho nhân viên là trái Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Theo Điều 90 luật này, các NH không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động NH và các hoạt động khác ghi trong giấy phép được NHNN cấp.

“Hiểu rộng hơn, trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không áp dụng nguyên tắc được làm những gì luật không cấm. Điều 90 thể hiện các tổ chức tín dụng chỉ được làm những gì luật pháp cho phép” - đại diện VKS nói. Qua rà soát giấy phép kinh doanh của ACB và xem xét các điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì không có quy định cho phép được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền.

Về hậu quả do hành vi ủy thác gửi tiền,VKS cho rằng thiệt hại đã được xác định rõ, đến nay vẫn chưa thu hồi được và ACB cũng không có quyền khởi kiện đòi VietinBank (do các nhân viên mới là người đứng ra gửi tiền).

Về ý kiến một số luật sư và bị cáo Kiên cho rằng chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền không gây thiệt hại mà thậm chí mang lại lợi nhuận tốt cho ACB, VKS cho rằng việc ủy thác là trái quy định của NHNN, vi phạm quy định về trần lãi suất. Cơ quan điều tra đã có quyết định tách vụ án hình sự về hành vi gửi tiền vượt trần của các NH nên không có căn cứ để xác định ACB có lãi từ chủ trương này. “ACB lựa chọn việc ủy thác gửi tiền không phải là không còn lựa chọn nào khác, bởi ngay trong NH đã có ý kiến đề nghị giảm lãi suất nhưng các bị cáo không lựa chọn” - VKS nhấn mạnh.

Đối đáp với ý kiến của bầu Kiên cho rằng bị cáo chỉ là thành viên hội đồng sáng lập, chỉ có chức năng tư vấn, không tham gia quyết định, VKS trích nhiều lời khai của các bị cáo khác cũng như nhân viên ACB thể hiện bầu Kiên có sự chi phối tới quyết định của HĐQT ACB. Theo VKS, bản thân bầu Kiên trong một bút lục đã thừa nhận có phát biểu tại các cuộc họp HĐQT của ACB: “Ý kiến của tôi chỉ là tư vấn, có nghe hay không là quyền các anh. Nhưng tôi có quyền tại đại hội cổ đông, không bầu các anh vào HĐQT”.

Hôm nay, tòa tiếp tục với phần tranh luận giữa VKS và các luật sư.

Tranh cãi về tội của Lý Xuân Hải

Bào chữa cho cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải, các luật sư cho rằng bị cáo không phải là chủ thể của tội cố ý làm trái vì bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người có quyền lực công. ACB là NH 100% thuộc sở hữu tư nhân, với 70% cổ phần của các cổ đông trong nước, 30% của các cổ đông nước ngoài, hoàn toàn không có vốn nhà nước. Bị cáo Hải được đại hội cổ đông bầu làm tổng giám đốc thì bị cáo chỉ chịu trách nhiệm trước thường trực HĐQT và các cổ đông. “Ngay cả trường hợp có vi phạm thì các cổ đông vẫn có thể miễn trừ trách nhiệm cho họ” - luật sư nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm