Bệnh viện nổi ở Trường Sa

Với trọng tải 2.200 tấn, tàu HQ561 là tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y, được hạ thủy cách đây hơn một năm. Tàu được đầu tư khá hiện đại và ở khoang C của tàu được thiết kế như một bệnh viện với 15 giường bệnh, kho vật tư, kho thuốc.

Điểm tựa của ngư dân

Trung úy Thái Đàm Lương, bác sĩ thường trực tàu HQ561, cho biết trên tàu có đầy đủ các phòng chức năng như nội soi, xét nghiệm, răng hàm mặt, siêu âm, điện tim, X-quang, hồi sức cấp cứu (có trang bị máy thở, máy tạo oxy khí nén)… “Trên tàu còn có một phòng mổ, phòng cấp cứu ngoại khoa với phương tiện, trang thiết bị hiện đại, được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến (qua vệ tinh Vinasat) để kết nối với các bệnh viện uy tín trên bờ nhằm nhận hỗ trợ cũng như tổ chức hội chẩn khi gặp những ca phức tạp, nguy hiểm” - BS Lương nói.

Theo BS Lương, tàu được trang bị những trang thiết bị, phương tiện hiện đại để khám, chữa bệnh và cấp cứu cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn và quân dân trên các điểm đảo. Đồng thời, tàu cũng đảm nhận chữa bệnh và cấp cứu cho ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Chẳng hạn phòng nội soi được trang bị máy tân tiến nhất để chẩn đoán và điều trị nội soi tiêu hóa như thực quản, dạ dày, tá tràng và đại trực tràng. Đặc biệt, tàu bệnh viện này còn có một buồng giảm áp với phương tiện, thiết bị hiện đại nhất của Mỹ, chuyên trị các bệnh liên quan đến hội chứng giảm áp mà các ngư dân và thủy thủ tàu ngầm hay gặp, giúp ngư dân an tâm khi mưu sinh trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Sự có mặt của tàu bệnh viện HQ561 được coi là dấu mốc quan trọng trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển của nước ta.

Bệnh viện nổi ở Trường Sa ảnh 1

Tàu HQ561 (Khánh Hòa - 01) đang neo đậu gần đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: MP

Với kinh nghiệm trên 10 năm làm bác sĩ trên biển, BS Lương đã gặp nhiều ca cấp cứu khẩn cấp trên biển mà với năng lực, kinh nghiệm của các bác sĩ quân y thừa sức xử lý. Chỉ có điều do trước đây phương tiện, thiết bị không có nên anh cùng đồng nghiệp đành bó tay. Nhiều ngư dân, khi lặn sâu đánh bắt hải sản vì một lý do nào đó (chẳng hạn ống thở có vấn đề hoặc gặp sự cố…) bắt buộc phải đột ngột nổi lên. Việc đột ngột thay đổi độ sâu dẫn đến áp suất thay đổi và hệ quả dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Nhẹ thì liệt, vỡ các phế nan, tắt mạch, thậm chí tử vong.

“Nhưng nay với buồng giảm áp trên tàu HQ561, những tình huống như trên sẽ được kịp thời xử lý, cấp cứu. Bệnh nhân sẽ được đưa vào buồng giảm áp để đưa về áp suất như dưới biển rồi nâng áp suất từ từ để tránh sốc, sau đó chuyển qua các phòng chức năng khác để điều trị. Tàu bệnh viện này là điểm tựa cho ngư dân và cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển, đảo Trường Sa” - BS Lương nói.

Sứ mệnh hòa bình

Hiện tàu HQ561 đang thực hiện chuyến thăm khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân hoạt động ở ngư trường Trường Sa. Thượng tá-BS Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Y học Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác, cho biết: “Chuyến công tác này nhằm tạo điều kiện, chăm sóc tốt hơn về điều kiện sinh sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân đang sinh sống, hoạt động ở tất cả nhà giàn cũng như các điểm đảo trên vùng biển Trường Sa. Đoàn sẽ tổ chức khám sức khỏe và điều trị một số bệnh nội, ngoại khoa, thậm chí sẽ thực hiện các cuộc phẫu thuật khi cần thiết. Việc này còn là cơ hội để các y bác sĩ và tàu quân y rèn luyện, thực hành kỹ năng phẫu thuật trên biển, nâng cao tay nghề để chăm sóc, chữa trị cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên biển, đảo Việt Nam”.

Bệnh viện nổi ở Trường Sa ảnh 2

Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên… chụp ảnh lưu niệm trước “tàu hòa bình” HQ561 trước giờ xuất phát. Ảnh: MP

Bệnh viện nổi ở Trường Sa ảnh 3

Trung úy, BS Thái Đàm Lương đang thực hiện nội soi cho bệnh nhân trên tàu quân y HQ561. Ảnh: CTV

Cạnh đó, đoàn còn thực hiện việc khảo sát các điều kiện về khí hậu, thời tiết, nước tại các đảo để đề xuất những biện pháp nhằm cải thiện đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của quân dân trên đảo. Theo BS Hùng, cán bộ, chiến sĩ và ngư dân sinh sống, làm việc ở đảo và nhà giàn trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và thiếu thốn nên dễ phát sinh những bệnh ngoài da, có nguy cơ lây nhiễm. Đoàn công tác lần này gồm các y bác sĩ và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp sẽ khám, điều trị các bệnh trên. Ngoài ra, đoàn cũng khám, chữa các loại bệnh về tai mũi họng, răng hàm mặt; nội soi, khám, điều trị các bệnh về tiêu hóa…

Theo đó, tàu sẽ đưa các bác sĩ vào đảo nổi để khám, điều trị và nếu cần sẽ chuyển bệnh nhân lên tàu để khám, chữa bệnh. Còn ở đảo chìm và nhà giàn, việc khám, chữa bệnh sẽ được thực hiện trên tàu HQ561. “Các trang thiết bị trên tàu cũng như nhân lực của đoàn đủ đáp ứng cho việc điều trị các ngành nội, ngoại khoa, thần kinh, da liễu, sản phụ khoa, nội nhi, chẩn đoán hình ảnh… Nhưng dù sao, điều kiện trên tàu cũng không như ở đất liền nên chúng tôi không có tham vọng thực hiện những gì to tát. Tuy vậy, đoàn luôn sẵn sàng cho các tình huống phẫu thuật khẩn cấp” - BS Hùng nhấn mạnh.

BS trẻ Nguyễn Tất Thưởng (Học viện Quân y) nói được đặt chân đến vùng biển, đảo Trường Sa là mong muốn từ lâu của anh. Nhưng chuyến đi này càng đặc biệt hơn khi anh được tham gia khám, chữa bệnh. “Đây chỉ là sự đóng góp nhỏ nhoi, góp phần để cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm làm ăn sinh sống và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc” - BS Thưởng bộc bạch.

Thượng úy Phạm Hồng Phú, chính trị viên tàu HQ561, cho biết chiếc tàu này sẽ thường xuyên hoạt động trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc như chiếc cầu nối gần hơn khoảng cách giữa đất liền với biển, đảo, xứng đáng với tên gọi “con tàu hòa bình” mà người dân yêu mến trao tặng.

Tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y của Hải quân Việt Nam

Tàu HQ561 có trọng tải 2.200 tấn, vận tốc tối đa 16 hải lý/giờ, do Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng) đóng cho Hải quân Việt Nam, được hạ thủy ngày 26-4-2012. Đến cuối tháng 11-2012, tàu được bàn giao cho Vùng 4 Hải quân Việt Nam. Đây là tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y và việc đưa vào khai thác được xem là sự kiện lịch sử, bởi đây là tàu quân sự nhưng không phải là tàu chiến.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm