Bị bêu xấu trên mặt báo, kiện ai?

Cả pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự lẫn pháp luật về báo chí đều chưa có quy định cụ thể là đương sự phải kiện nhà báo hay kiện cơ quan báo chí.

Nguyên đơn trong vụ kiện này là ông Trần Kha Ly (bác sĩ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ) - người vừa bị Công an quận Ninh Kiều đề nghị truy tố về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

Kiện nhà báo viết mình đánh vợ sẩy thai

Trước đó, tháng 9-2013, ông Ly nộp đơn ra TAND quận Ninh Kiều kiện nhà báo HD (phóng viên Văn phòng đại diện báo Phụ Nữ TP.HCM tại Cần Thơ) và đến ngày 30-10 đã được tòa này thụ lý.

Trong đơn kiện, ông Ly trình bày là ông có hành vi đánh vợ và vợ ông đã gửi đơn tố cáo đến báo Phụ Nữ TP.HCM. Sau đó, nhà báo HD có viết bài “Bác sĩ đánh vợ đến sẩy thai”. Ông Ly cho rằng bài báo “có rất nhiều thông tin sai sự thật” nên đã gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng đại diện báo Phụ Nữ TP.HCM tại Cần Thơ và cũng đã gặp nhà báo HD. Ông Ly cho rằng nhà báo HD “không trả lời thỏa đáng, không đưa ra được các căn cứ chính xác, rõ ràng về nhiều vấn đề không đúng sự thật” và không xin lỗi ông.

Bị bêu xấu trên mặt báo, kiện ai? ảnh 1

Ông Trần Kha Ly tại phiên hòa giải ngày 20-11 tại TAND quận Ninh Kiều trong vụ kiện nhà báo HD. Ảnh: N.NAM

Vì vậy, ông Ly đã khởi kiện nhà báo HD ra tòa với các yêu cầu sau: Viết bài xin lỗi “vì vu khống BS Phạm Kha Ly” trên trang đầu báo Phụ Nữ TP.HCM trong hai số báo giấy và một số báo điện tử sớm nhất; xin bệnh viện và Đảng ủy Dân Chính Đảng TP Cần Thơ giảm hình thức kỷ luật và xin cho ông được đi học chuyên khoa I; xóa bỏ tất cả bài báo cũ trên báo điện tử liên quan đến ông. Ông Ly còn yêu cầu nhà báo HD viết hai thư xin lỗi gửi đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và gửi cho chính ông...

Luật chưa chỉ rõ phải kiện ai

Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào nội dung vụ kiện vì liên quan đến hành vi đánh vợ đến sẩy thai, gần ba tháng trước, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã kỷ luật ông Ly với hình thức cảnh cáo, cắt thi đua ba tháng và đề nghị Đảng ủy Dân Chính Đảng TP Cần Thơ xem xét xử lý (ông Ly là đảng viên dự bị). Ngày 9-10, ông Ly cũng đã bị khởi tố (cho tại ngoại) và như đã nói, đến nay ông lại vừa bị đề nghị truy tố.

Vấn đề pháp lý mà chúng tôi muốn đề cập từ vụ kiện này là trong thực tiễn xét xử, khi cho rằng mình bị báo chí đăng thông tin sai xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây thiệt hại…, người dân thường kiện cơ quan báo chí (tờ báo đã đăng thông tin mà đại diện là tổng biên tập) hoặc kiện cả tờ báo lẫn nhà báo. Vì vậy, việc ông Ly chỉ kiện nhà báo HD chứ không kiện báo Phụ Nữ TP.HCM và được tòa thụ lý là một tình huống tố tụng khá lạ.

Vậy quy định hiện hành về tình huống này ra sao? Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), luật chuyên ngành (Luật Báo chí) chỉ quy định khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân, cơ quan báo chí có nghĩa vụ “cải chính, xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân”. Trong khi đó, luật này cũng quy định nhà báo phải “chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình”.

Còn gặp tình huống bị đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự…, đương sự phải kiện ai (kiện nhà báo hay kiện cơ quan báo chí hay kiện cả hai) thì theo ông Hùng, cả pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự lẫn pháp luật về báo chí đều chưa có quy định cụ thể.

Ba luồng quan điểm

Trao đổi với các chuyên gia về việc đương sự phải kiện ai, chúng tôi đã nhận được ba luồng quan điểm khác nhau.

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), đương sự kiện đích danh nhà báo và yêu cầu viết bài xin lỗi, viết thư xin lỗi là đúng. Lúc này cơ quan báo chí sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ông Thêm lý giải: Điều 15 Luật Báo chí quy định nhà báo chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình. Chịu trách nhiệm ở đây không đơn thuần là với cơ quan báo chí nơi họ công tác mà còn phải chịu trách nhiệm với cả đối tượng trong tác phẩm báo chí. “Chẳng lẽ anh thích viết gì thì viết, viết xong bỏ con giữa chợ, sau đó cơ quan báo chí phải hứng chịu tất cả hậu quả hay sao” - ông Thêm nhấn mạnh.

Ngược lại, TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng trong trường hợp này, đương sự phải kiện cơ quan báo chí mới đúng.

TS Tiến phân tích: Thứ nhất, cá nhân nhà báo chỉ là thành viên của cơ quan báo chí, chịu sự quản lý của cơ quan báo chí. Thứ hai, Luật Báo chí và nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Báo chí cũng không có quy định nào xác định việc họ là người bị kiện. Có chăng thì chỉ có Điều 9 Luật Báo chí quy định về nghĩa vụ của cơ quan báo chí. Điều luật này nêu rất rõ: “Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi…”. Như vậy, nơi phải chịu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức liên quan đến bài viết phải là cơ quan báo chí. Còn nhà báo sẽ tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đồng thời, nhà báo sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình đối với cơ quan báo chí nơi họ làm việc).

Trong khi đó, Thẩm phán Phạm Công Hùng lại nhận xét: “Kiện ai cũng được!”. Ông Hùng cho rằng tòa nên xem xét, tôn trọng ý chí của đương sự là muốn kiện ai (kiện nhà báo hay kiện cơ quan báo chí) và cứ thụ lý, giải quyết bình thường.

Kiện cơ quan báo chí

Đương sự kiện cá nhân nhà báo là không đúng đối tượng. Bởi lẽ nhà báo viết bài nhưng đăng hay không là do ban biên tập tờ báo đó quyết định. Nếu bài báo có sai sót thì ban biên tập tờ báo phải chịu trách nhiệm trước hết theo quy định của Luật Báo chí. Nhà báo nếu có lỗi thì chỉ có lỗi với ban biên tập tờ báo mà thôi.

Luật sư NGUYỄN XUÂN MAI, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

Nhà báo chịu trách nhiệm nội bộ

Người bị kiện trong trường hợp này phải là cơ quan báo chí, còn nhà báo chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cần xác định rõ phóng viên hay nhà báo cũng chỉ là người đi tìm kiếm thông tin, viết bài, còn chuyện đăng hay không là do cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí cho đăng thì họ phải chịu trách nhiệm với những thông tin đó. Trách nhiệm của phóng viên là chuyện nội bộ của phóng viên với cơ quan báo chí, liên quan đến quy chế cơ quan, ngành. Còn chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là tổ chức, pháp nhân.

Thẩm phán PHÙNG VĂN HẢI, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM)

G.TUỆ - N.NAM - P.THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm