Bị tòa kê biên lố, kiện sao?

Từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực (1-1-2010), đã xuất hiện một số vụ người dân khởi kiện tòa án đòi bồi thường vì cho rằng thẩm phán làm sai trong tố tụng dân sự, gây thiệt hại nhưng đều bị từ chối giải quyết hoặc bác đơn.

Có chuyện này cũng bởi pháp luật quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự yêu cầu bồi thường rất chặt mà không phải ai cũng biết…

Trong một vụ tranh chấp dân sự tại TAND TP Đ. (tỉnh Q.), bà H., nguyên đơn đã yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa nhà đất của bà Y.- bị đơn, do nghi ngờ bà Y. tẩu tán tài sản.

Đòi bồi thường, chỉ được một phần

Tòa tìm hiểu và được Phòng Tài nguyên và Môi trường TP thông báo nhà đất nói trên đang được bà Y. chuyển nhượng cho người khác. Thẩm phán của TAND TP Đ. bèn ra quyết định kê biên phong tỏa nhà đất của bà Y. và yêu cầu các cơ quan liên quan dừng việc chuyển nhượng.

Bà Y. khiếu nại rằng giá trị nhà đất bị phong tỏa của bà cao hơn giá trị nghĩa vụ mà bà có trách nhiệm thi hành đối với bà H. Khiếu nại này được chánh án TAND TP Đ. chấp nhận và quyết định phong tỏa tài sản của thẩm phán đã được gỡ bỏ. Sau đó, bà Y. khởi kiện hai đồng bị đơn là TAND TP Đ. và bà H. ra TAND tỉnh Q. đòi bồi thường.

Bị tòa kê biên lố, kiện sao? ảnh 1

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Q. đã không chấp thuận yêu cầu đòi bồi thường của bà Y. đối với TAND TP Đ. vì cho rằng không phù hợp với pháp luật. Với đồng bị đơn còn lại, tòa tuyên bà H. phải bồi thường cho bà Y. vì đã yêu cầu tòa ra quyết định khẩn cấp sai. Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã y án sơ thẩm cũng với nhận định tương tự.

Kiện tòa: Phải đúng phạm vi, đủ điều kiện

Vụ kiện đặt ra nhiều điểm đáng chú ý về pháp lý: Trong tố tụng dân sự, trường hợp nào đương sự được nhà nước bồi thường vì thẩm phán làm sai? Đương sự phải đáp ứng được các điều kiện gì? Trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện ra sao?

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, muốn được bồi thường, trước hết trường hợp của đương sự phải nằm trong phạm vi được bồi thường theo Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Cụ thể, nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự gây ra trong các trường hợp: Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức; ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Giả sử trường hợp của đương sự nằm trong các trường hợp được bồi thường đã liệt kê ở trên thì theo Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đương sự còn phải đáp ứng hai điều kiện sau: Thứ nhất, phải có văn bản của người có thẩm quyền kết luận rằng hành vi của thẩm phán là trái pháp luật. Thứ hai, hành vi đó thực tế có gây ra thiệt hại cho đương sự.

Và đúng trình tự

Về trình tự, trước hết, đương sự phải khiếu nại lên chánh án nơi quản lý thẩm phán đã có hành vi tố tụng để yêu cầu xem xét, kết luận hành vi tố tụng đó là trái pháp luật. Nếu người có hành vi tố tụng là chánh án thì đương sự khiếu nại lên chánh án tòa cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn quy định, chánh án phải xem xét, kết luận bằng văn bản về hành vi trái pháp luật hoặc không trái pháp luật của thẩm phán.

Tiếp đó, khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán, đương sự gửi đơn yêu cầu bồi thường đến tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc đã ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Kèm theo đơn là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán và tài liệu, chứng cứ liên quan.

Nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, tòa sẽ kiểm tra, thụ lý, xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường và ra quyết định giải quyết bồi thường. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà tòa không ra quyết định hoặc kể từ ngày đương sự nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì đương sự có quyền khởi kiện. Lúc này, tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết đơn kiện là tòa cấp huyện nơi đương sự cư trú, làm việc, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của đương sự… Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Không đủ điều kiện, tòa không giải quyết

Năm 2009, vợ chồng ông M. bị người khác kiện ra TAND huyện Tân Châu (Tây Ninh) đòi nợ. Theo yêu cầu của nguyên đơn, tòa đã ra quyết định kê biên phong tỏa hơn 20 ha đất mà tòa cho rằng thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông M. để đảm bảo thi hành án.

Ông M. khiếu nại quyết định kê biên này nhưng bị chánh án TAND huyện Tân Châu bác đơn. Sau đó, ông M. khởi kiện tòa để đòi bồi thường thiệt hại cũng không được thụ lý vì lý do không đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Kiện không đơn giản

Những vụ kiện đòi thẩm phán bồi thường thiệt hại do bị kê biên sai, kê biên lố phải nằm trong phạm vi bồi thường được quy định tại Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Đồng thời,những vụ kiện này cũng đòi hỏi tiến hành theo một quy trình rất nghiêm ngặt chứ chưa chắc cứ có văn bản kết luận, cứ có thiệt hại xảy ra rồi là được bồi thường ngay.

Một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Người yêu cầu có phải bồi thường?

Một vấn đề khác ở vụ án cũng rất đáng quan tâm là trong tố tụng dân sự, khi nào thì người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải bồi thường cho người bị áp dụng?

Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Quy định này đang tạo ra hai cách hiểu: Theo cách hiểu thứ nhất, trong bất cứ trường hợp nào, người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp cũng phải chịu trách nhiệm nếu yêu cầu này không đúng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng. Theo cách hiểu thứ hai, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ áp dụng cho người có yêu cầu tòa ra biện pháp khẩn cấp nhằm bảo đảm một nghĩa vụ mà trên thực tế nghĩa vụ này không có thật hoặc đã bị triệt tiêu bởi thời hiệu. Tôi nghiêng về cách hiểu thứ hai bởi như thế sẽ hợp lý hơn.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

QUỲNH BĂNG - SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm