Bộ cổ vật và mối tình chung thủy

Tôi chỉ biết ông cụ ấy qua một thông tin thú vị: “Có một người dân vừa hiến tặng Bảo tàng TP gần 3.400 cổ vật. Nhiều thứ là độc bản và rất nhiều đồ vật còn nguyên vẹn”. Thông thường đã chơi cổ vật thì phải yêu nó lắm. Tại sao có một người lại đem hiến tặng toàn bộ tài sản vô giá ấy mà không để lại cho người thân hay không bán đi?

Bất thành nhiều ý định đẹp từ bộ cổ vật

Sự tò mò dẫn tôi tìm đến một ngôi nhà rộng lớn ở quận 3 luôn kín cổng cao tường. Cơ ngơi ấy làm tôi có phần chùn bước. Hóa ra tiếp xúc với ông không quá khó như tôi lo ngại. Đã 84 tuổi, sức khỏe có phần suy giảm nhưng ông cụ vẫn rất đỗi tinh anh. Không kềm được hiếu kỳ, tôi hỏi ông một câu hỏi nông cạn mà mãi sau này nhớ lại tôi vẫn thấy ngượng: “Ông có tiếc không khi hiến tặng bộ cổ vật đồ sộ ấy?”.

Sau này, khi hiểu hơn về ông, tôi ân hận bởi đã từng có suy nghĩ tầm thường ấy. “Tôi nghĩ nếu chỉ để ngắm nhìn thì không quan trọng bằng tạo ra một điều gì đó có ích, cần thiết cho mọi người” - ông nhỏ nhẹ trả lời. Ông cụ không phải là người đam mê cổ vật. Loại nào quý hiếm, xuất xứ ở đâu, từ thời đại nào, “tôi cũng không rành, chỉ biết quý thôi” - ông thành thật cho biết. Thế nhưng bao nhiêu năm qua, bộ cổ vật ấy vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, chăm sóc chu đáo bởi đơn giản đó là kỷ vật của cha mẹ vợ để lại. Phòng khách lớn nhất trong ngôi nhà cũng là nơi trưng bày những kỷ vật. Thứ nào lớn ông để ở ngoài (như các loại bình gốm cổ). Đồ vật nhỏ hơn hoặc phải theo bộ thì được cho vào tủ kính. Lâu nay cũng có nhiều người đến tham quan bộ cổ vật ấy. “Có mấy người Mỹ nói với tôi bộ đồ cổ này quý lắm, họ nói giá trị của nó bằng con số đôla nhưng tôi không nhớ bao nhiêu, tại mình đâu có bán” - ông kể.

Duy chỉ một lần ông muốn bán bộ kỷ vật ấy. Đó là khi người vợ mất, ông cảm thấy tuổi cao sức yếu không thể kham nổi việc chăm sóc chúng nữa, trong khi có việc cần hơn, ông tính: “Nước mình thiếu một bộ từ điển bách khoa toàn thư về từ ngữ. Ngôn ngữ tiếng Việt cần được nghiên cứu, đưa vào một quyển tự điển để từ ngữ trong cả nước cùng được hiểu thống nhất và dễ dàng. Tôi muốn dùng số tiền bán được để góp phần trả công cho những người am hiểu, có chuyên môn làm công việc ấy” - ông bày tỏ. Nhưng vì một số lý do tế nhị riêng, ước muốn ấy không thực hiện được. “Thôi thì sẽ giao chúng cho một người nào đó có tâm, yêu thích cổ vật mà cũng đủ điều kiện để giữ gìn chúng” - ông tâm nguyện.

Bộ cổ vật và mối tình chung thủy ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Nghị và vợ - BS Dương Quỳnh Hoa, chụp ở chiến khu năm 1970.

Thế rồi một người hoàn toàn xa lạ đã được chọn sau bốn ngày tiếp xúc. “Tôi cũng biết quyết định này có thể rất phiêu lưu nhưng lúc đó tôi nghĩ không còn cách nào tốt hơn” - ông bày tỏ khi thấy tôi quá bất ngờ trước việc này. Toàn bộ bộ kỷ vật ấy suýt chút nữa đã vào tay người ấy nếu ông không phát hiện ra mình đã chọn sai. Thì ra ông cụ quá tinh tế và sâu sắc. “Sau khi đồng ý tặng cổ vật, tôi bày tỏ ý muốn đến nhà người ấy cho biết. Anh ta đồng ý đưa tôi đi. Trên đường đi thì bị kẹt xe. Anh ta quát mắng người lái xe thậm tệ. Kẹt xe đâu phải lỗi của anh lái xe, đối xử như vậy là không phải. Với tôi thì anh ta rất lịch sự, lễ phép, còn đối với người làm thuê lại như thế thì khó là người có tâm được” - ông bắt đầu chú ý và thận trọng hơn.

Khi cổ vật đã được chuyển đi một ít, ông quyết định thử lòng người này một lần nữa bằng một câu hỏi: “Gia đình có chuyện nên không thể tặng nữa, anh có thể gửi trả tôi lại số cổ vật không?”. Ông dự định nếu người này vẫn giữ thái độ kính trọng, lễ phép, đàng hoàng, vui lòng mang trả số cổ vật thì chắc chắn là ông không lầm người. Khi đó lập tức ông sẽ ký tặng ngay toàn bộ cho người ấy. Nhưng tiếc thay, điều ấy không xảy ra.

Câu chuyện tình đẹp hơn ngàn kho báu

20 tuổi, ông - khi ấy là cậu học sinh Trường Pétrus Ký lên đường sang Pháp du học cử nhân ngành toán học. Về nước, làm việc cho Tổng nha Ngân sách thời Ngô Đình Diệm. Đang được hết sức trọng dụng với nhiều cơ hội tiến thân, người thanh niên ấy bỏ lại sau lưng tất cả, vào chiến khu vì lý tưởng giải phóng dân tộc. Ông không nhắc nhiều về quãng đời vẻ vang ấy, chỉ khi tôi hỏi đến ông mới kể dần dần.

Bộ cổ vật và mối tình chung thủy ảnh 2

Ông Huỳnh Văn Nghị ngày nay.

Suốt những buổi trò chuyện, hình ảnh luôn xuất hiện trong mọi câu chuyện là người vợ của ông. Lúc nào tôi cũng nghe ông tha thiết hai tiếng “nhà tôi”. Trước hiên nhà ông có một cái kệ trưng bày những viên đá đủ hình, đủ kiểu. “Tôi với nhà tôi lượm về trang trí” - ông cho biết. Hàng chục năm nay những viên đá vẫn còn đó như tình cảm sắt son của cặp vợ chồng già.

Người vợ yêu quý ấy ông đã gặp trong chiến khu rồi cùng ông vào sinh ra tử. Sau ngày đất nước thống nhất, ông bà đã từ bỏ mọi cơ hội, mọi quyền lợi trên chính trường đã dành sẵn để thực hiện tâm nguyện: Chăm sóc trẻ em nghèo. Có lẽ nỗi đau mất đứa con trai duy nhất đã khiến hai vợ chồng càng yêu thương trẻ. Họ lập ra Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa - Sức khỏe - Phát triển để khám chữa bệnh, cung cấp thuốc và sữa cho trẻ em suy dinh dưỡng tại TP. Với quan hệ quốc tế sẵn có, trung tâm ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả và hỗ trợ cho các tỉnh như Đồng Nai, Vĩnh Long… Những viên đá kỷ niệm mà tôi gặp là do ông và vợ đã nhặt được ở một ngọn đồi bên dòng sông La Ngà, Định Quán, Đồng Nai trong thời gian dài làm việc ở đây. Người vợ thì lo chuyên môn của một thầy thuốc. Còn ông đảm đương công tác hậu cần. Trung tâm của hai vợ chồng mới chấm dứt chừng chục năm nay, khi sức khỏe của bà không cho phép. Vợ chồng ông bàn giao cơ sở cho BV Nhi đồng 2. Còn những nơi khác vẫn tiếp tục phát triển như tấm lòng của hai vợ chồng dành cho những bệnh nhân nghèo chưa bao giờ dừng lại.

Đã sáu năm nay, người vợ thân yêu ấy đi xa. Căn nhà rộng lớn chỉ còn mình ông vào ra thui thủi. Tôi chưa từng thấy ông tỏ ra yếu đuối hay than van khi nhắc về những thăng trầm trong cuộc đời nhưng đôi mắt già đã rưng rưng khi kể về người vợ ấy. “Ông có cảm thấy cô độc không?”. Ông im lặng khá lâu. “Những khi khó khăn, trở ngại tôi cảm thấy một mình không đảm đương nổi. Lúc đó tôi thấy mình đơn độc, thiếu một người tin cậy và hiểu mình để chia sẻ” - ông trả lời, giọng vẫn trầm tĩnh và nhẹ như không, vậy mà tôi vẫn nghe cả một trời trống vắng.

Ông cụ ấy chính là người thanh niên yêu nước Huỳnh Văn Nghị - chồng của một người thầy thuốc nổi tiếng: BS Dương Quỳnh Hoa - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...

Bộ sưu tập trên được hình thành từ những năm 1935 đến 1940, được nhiều người biết đến từ giữa thế kỷ XX ở Sài Gòn và Nam Bộ với tên gọi bộ sưu tập Dương Hà.

3.360 hiện vật đủ các chất liệu: sắt, đồng, bạc, ăngtimoan, đá sa thạch, đá bán quý, thủy tinh, giấy, gỗ, vải, ngà, xương, sừng, gốm… Trong số đó, gần 3.000 cổ vật và di vật có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản và các nước phương Tây như Đức, Pháp… Cổ vật chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ do Trung Quốc sản xuất, có niên đại từ thế kỷ III, IV đến đầu thế kỷ XX.

Dự kiến những hiện vật trên sẽ trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn vào dịp tết Nguyên đán năm nay.

__________________________________________

Một đồng chí cũ của vợ chồng ông đã xúc động trong một bài viết: “Trong mỗi bước đi của chị đều có sự âm thầm, lặng lẽ đóng góp của anh. Đây không phải đơn giản là mối quan hệ vợ chồng đầy tình nghĩa mà là một đôi tri âm tri kỷ, đồng điệu, chia sẻ với nhau những quan niệm sống và làm việc mà ít cặp vợ chồng nào có được. Chị mất đi để lại một khoảng trống thương tiếc khôn nguôi cho chồng chị và mọi người.” (Trích từ bài báo “Dương Quỳnh Hoa: Sự lựa chọn của một trí thức yêu nước” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-3-2006 của nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Lê Hiếu Đằng)

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm