Bộ luật Dân sự và luật chuyên ngành còn mâu thuẫn

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra không ít các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa BLDS với các luật chuyên ngành.

Theo PGS-TS Chu Hồng Thanh, BLDS đưa ra bốn căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong đó có căn cứ có lỗi của bên vi phạm thì Luật Thương mại lại không quy định lỗi là một căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hoặc BLDS quy định hai căn cứ để miễn trách nhiệm thì Luật Thương mại lại quy định bốn căn cứ. Về mức phạt vi phạm hợp đồng cũng có sự khác biệt: BLDS quy định do các bên tự thỏa thuận, Luật Thương mại cho thỏa thuận nhưng không quá 8%, trong khi Luật Xây dựng lại quy định tối đa không quá 12%...

Luật sư Võ Nhật Thăng cũng chỉ ra những điểm bất nhất về quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu giữa BLDS với Luật Thương mại và Luật Hàng hải. Cụ thể, BLDS quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu “kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”, Luật Thương mại quy định “kể từ khi hàng hóa được chuyển giao”, Luật Hàng Hải lại quy định “cho đến khi hàng được trả cho người nhận hàng hợp pháp”…

Theo định hướng sửa đổi BLDS do Bộ Tư pháp xây dựng, hầu hết các hạn chế này đều cần được sửa đổi để BLDS trở thành nền tảng pháp lý cơ bản trong hệ thống luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự. Một định hướng thay đổi đáng chú ý khác là quy định về phần nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự trong việc yêu cầu bồi thường. Thay vì lâu nay người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải tự chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại thì hướng sắp tới BLDS sẽ quy định mở rộng thêm các trường hợp người có yêu cầu bồi thường thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm