Bỗng dưng đáo tụng đình!

Sau khi được cha mẹ cho một mảnh đất rộng 400 m2 (20 m x 20 m) tại phường Tân Quy, quận 7 (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Hồng đã cất một ngôi nhà lá rộng khoảng 40 m2 để sinh sống. Năm 1997, ông Hồng làm hợp đồng (có công chứng) chuyển nhượng toàn bộ nhà, đất cho ông Đặng Thái Mai.

Bỗng dưng thành bị đơn

Năm 1999, ông Mai tách mảnh đất trên ra làm hai lô bằng nhau (mỗi lô 10 x 20 m) rồi bán cho bà Trương Vũ Uyên, ông Hoàng Thế Huy mỗi người một lô. Năm 2001, ông Huy lại bán lô đất của mình cho bà Nguyễn Thị Toàn.

Giữa năm 2003, bà Toàn khởi kiện yêu cầu ông Hồng phải trả 45 m2 vì cho rằng đã lấn chiếm đất của bà. Ông Hồng phản đối rằng từ thời điểm bán đứt nhà, đất cho ông Mai thì ông không còn liên quan gì đến quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất nữa nên việc bà Toàn kiện ông là kiện sai người. Việc diện tích đất của bà Toàn bị thiếu hụt là do Nhà nước đã hai lần mở rộng đường, các hộ dân trong đó có bà Toàn phải thụt ranh đất vào nên chiều dài đất không còn đủ 20 m là điều hiển nhiên...

Đầu năm 2006, TAND quận 7 xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của bà Toàn với lý do căn cứ vào các hợp đồng chuyển nhượng thì ông Hồng không còn phần diện tích đất nào để bà tranh chấp và yêu cầu. Mặt khác, ông Hồng cũng không mua bán giao dịch trực tiếp gì với bà Toàn, nếu bà Toàn có phát sinh tranh chấp là tranh chấp với người đã bán đất cho bà hoặc những người có ranh đất liền kề chứ không phải ông Hồng.

Ông Hồng bức xúc khi nhắc đến hai vụ kiện mà ông là bị đơn dù không liên quan gì đến tranh chấp. Ảnh: T.TÙNG

Bà Toàn kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, TAND TP.HCM cũng tuyên y án sơ thẩm với cùng nhận định bà Toàn kiện sai người. Vụ kiện này tạm thời khép lại.

Đầu năm 2006, đến lượt bà Uyên khởi kiện yêu cầu ông Hồng trả lại 45 m2 đất cũng với lý do ông Hồng đã lấn chiếm của bà. Cũng như trong vụ kiện với bà Toàn, ông Hồng tái khẳng định mình không liên quan đến việc thiếu hụt diện tích đất của nhà bà Uyên.

Đầu năm 2007, TAND quận 7 xử sơ thẩm vụ án cũng bác toàn bộ yêu cầu của bà Uyên. Cũng như vụ án trước, tòa lập luận nếu bà Uyên có phát sinh tranh chấp thì tranh chấp với người đã bán đất cho bà hoặc những người có ranh đất liền kề chứ không phải ông Hồng.

Bà Uyên kháng cáo. Khác với vụ án của bà Toàn, tại phiên phúc thẩm vụ án này, HĐXX đã tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu vì cho rằng tòa sơ thẩm chưa giải quyết hết quyền lợi của những người liên quan.

Vẫn chưa thoát vòng tố tụng

Sau đó bà Uyên khởi kiện bổ sung, ngoài ông Hồng thì bà kiện cả ba hộ dân có ranh đất liền kề yêu cầu trả lại 45 m2 đất cho bà.

Tháng 9-2009, TAND quận 7 xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Uyên đối với ông Hồng vì nhận định ông Hồng không liên quan đến phần đất tranh chấp. Với ba hộ dân bị đơn còn lại, tòa buộc họ phải trả 45 m2 đất cho bà Uyên.

Ông Hồng không kháng cáo nhưng ba đồng bị đơn kháng cáo vì cho rằng án sơ thẩm không khách quan. Tháng 9-2010, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần hai tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm theo hướng không bị đơn nào phải trả đất cho bà Uyên. Theo tòa, diện tích đất của bà thiếu hụt là do Nhà nước mở đường chứ không do bị đơn nào lấn chiếm cả.

Vụ án tưởng đã khép lại thì tháng 6-2012, chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử lại. Lý do là vào năm 1985, khi cấp giấy đỏ mảnh 400 m2 đất cho ông Hồng thì Nhà nước đã có quy hoạch đường, do đó phải làm rõ lúc đó lộ giới đường bao nhiêu, hiện nay bao nhiêu và vì sao bà Uyên từng được bồi thường khi Nhà nước mở đường… Ba tháng sau, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án theo như nội dung của quyết định kháng nghị.

Vụ kiện quay về điểm xuất phát ban đầu và TAND quận 7 đang thụ lý, giải quyết lại. Điều đáng nói là TAND quận 7 vẫn xác định ông Hồng là đồng bị đơn trong vụ kiện này nên buộc ông vẫn phải có nghĩa vụ của một bị đơn.

Ông Hồng than thở: “Hơn 10 năm qua, tôi đã vô cùng mệt mỏi vì phải theo hầu tòa. Điều làm tôi bức xúc hơn là dù đã nhiều lần nhận định tôi không liên quan đến tranh chấp nhưng không hiểu sao tòa vẫn cứ xác định tôi là bị đơn. Có thể ban đầu người khởi kiện xác định nhầm đối tượng khởi kiện nhưng sau khi thụ lý, tòa phải hướng dẫn họ điều chỉnh lại cho đúng chứ cứ để như thế sao được?”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện này có diễn biến mới.

THANH TÙNG

Lẽ ra phải từ chối thụ lý

Theo quy định, kèm theo đơn khởi kiện, người dân còn phải nộp chứng cứ, tài liệu cho thấy yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, trong thời gian xem xét đơn trước khi thụ lý, tòa sơ thẩm hoàn toàn có thể phát hiện ra việc kiện sai người để hướng dẫn người khởi kiện thay đổi bị đơn cho đúng người, nếu người khởi kiện không chấp hành thì tòa từ chối thụ lý vì không có căn cứ. Còn trong trường hợp đã lỡ thụ lý rồi mới phát hiện ra bị đơn không liên quan gì đến tranh chấp thì lẽ ra tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND
Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm