Bức tranh giang hồ đất cảng - Bài 4: Các chiêu đòi nợ sởn tóc gáy

Phố Cầu Đất, con phố buôn bán sầm uất bậc nhất ở TP Hải Phòng vào một buổi sáng tháng 8-2012. Tại tiệm quần áo thời trang bỗng rộn lên tiếng kèn trống đám ma ai oán. Vài người dân quanh đó ngỡ có ai đó qua đời kéo tới hỏi thăm. Nhưng đám tang sao chẳng có bàn thờ, không quan tài, hương khói…?

“Làm ma” cho khổ chủ

Trong tiệm, quần áo, hàng họ vẫn treo la liệt. Một ban nhạc hiếu phùng mang trợn má thổi kèn, gõ trống, tiếng nhạc đám ma phát ra từ bộ loa công suất lớn. Rồi giọng đàn ông oang oang đọc “cáo phó” chủ tiệm. Cạnh đó, một nhóm người mặt mũi bặm trợn, xăm trổ đầy mình cùng những “thương binh” đang tụ tập ở cửa tiệm.

Thì ra đây là “chiêu” đòi nợ thuê của băng nhóm giang hồ đối với chủ tiệm thời trang Nga Dũng.

Trước đó, ông chủ tiệm đã vay của một bà trùm tín dụng đen 2 tỉ đồng. Đến cuối tháng 7-2012, do con nợ không vay được ngân hàng để đập vào khoản nợ, chủ nợ dẫn theo 50 người gồm cả “dân xã hội” và “thương binh” tới đòi. “Liên quân” đòi nợ thuê liền xông vào cửa tiệm, ở lì trong đó tổ chức ăn ở, đánh bạc trong cả tháng trời. Mở màn là những chiếc camera quan sát tại cửa tiệm bị bẻ gãy, dây điện, cáp truyền hình bị cắt. Tiếp đó, “bom thối” gồm hỗn hợp phân, mắm tôm, dầu nhớt được dội khắp năm tầng căn nhà.

Bức tranh giang hồ đất cảng - Bài 4: Các chiêu đòi nợ sởn tóc gáy ảnh 1

Một nhóm giang hồ bị bắt cùng hung khí chuẩn bị huyết chiến tại khu vực gần Siêu thị Metro (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Ảnh: KL

Có lẽ chưa đủ độ “phê” nên những người đòi nợ thuê mới tổ chức “làm đám ma” cho gia chủ. Mặc cho gia chủ run sợ, tiếng kèn đám ma vẫn cứ nỉ non, tiếng đọc cáo phó vẫn cứ rền rỉ phát đi suốt ngày đêm làm náo loạn cả khu phố. Ông Dũng trình báo công an phường, quận nhưng sự việc chỉ dừng ở việc lập biên bản, những người đòi nợ vẫn tiếp tục làm mưa làm gió khiến mọi sinh hoạt, làm ăn của gia đình chủ tiệm bị đình trệ. Cuối cùng, không biết dàn xếp bằng cách nào, nhóm đòi nợ thuê mới rút đi...

Từ lâu người dân Hải Phòng đã không còn lạ gì những vụ đòi nợ thuê rầm rộ kiểu xã hội đen nữa, nó đã thành chuyện thường ngày ở huyện. Bất kể một vụ “nợ xấu” nào các băng giang hồ đều nhận “hợp đồng” cả, chỉ cần chủ nợ thỏa thuận tỉ lệ ăn chia hợp lý. Nạn nhân có đủ thành phần, từ dân cá độ bóng đá lỡ bị “bóng đè” đến người buôn bán thua lỗ hay doanh nghiệp vay “tín dụng đen” để đáo nợ ngân hàng nhưng chưa kịp tiền trả…

“Bứng nhà” xiết nợ

Một chiều tháng 9-2012, khu vườn cây cảnh của anh Kiên, một nghệ nhân kinh doanh cây cảnh khá có tiếng ở khu vực chợ Hàng, bỗng náo động bởi sự xuất hiện của nhóm thanh niên mặt mũi lầm lì. Gọi chủ vườn không thấy đáp lời, họ đẩy cổng xông thẳng vào vườn. Đó là đám “ong ve” của Sơn “lấc cấc”, ông chủ vận tải kiêm nghề tín dụng đen ở khu vực cầu vượt Đông Hải. Họ đến để thực hiện cuộc xiết nợ đối với chủ vườn vì anh này đã “vay nóng” 600 triệu đồng của Sơn “lấc cấc” nhưng đến hạn chưa thanh toán.

Thấy chiếc Porsche địa hình từ đường Nguyễn Văn Linh rẽ ngoặt vào khu vườn, đám “ong ve” vội bước ra cung kính chào hỏi và báo cáo tình hình. Biết chủ vườn cây vì khiếp sợ đã lánh đi nơi khác, Sơn “lấc cấc” ra lệnh cho đàn em ra tay: “Cứ bê hết cây về nhà, buộc nó phải bán nhà mà trả nợ”. Một chiếc xe tải có gắn cẩu đút đít thẳng vào vườn cây cảnh cẩu những cây cảnh lên thùng xe rồi chở về vườn biệt thự của Sơn “lấc cấc”. Đúng như tính toán của Sơn “lấc cấc”, ngay trong đêm đó chủ vườn cây đã phải đồng ý bán căn nhà (trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng) cho Sơn “lấc cấc” với giá “mùn củi” 600 triệu đồng. Do số tiền gán nhà chỉ đủ trả gốc, chưa có tiền trả lãi, Sơn “lấc cấc” liền “bắt” luôn những cây cảnh đẹp, có giá cao, chỉ trả cho con nợ những cây không đáng giá mà con nợ vẫn phải ngậm đắng nuốt cay tuân theo.

Mới đây, người dân khu chợ Đôn Niệm chứng kiến một màn đòi nợ kinh hoàng của “dân xã hội” đối với ông Hòa “lý”, một chủ tiệm cầm đồ có tiếng giàu có và chơi sang. Ông Hòa “lý” nợ tiền “đầu tổng”, đến hạn thanh toán nhưng lần lữa không trả, lập tức một băng giang hồ ào tới. Gặp vợ Hòa “lý” ngoài đường, nhóm này lao tới chửi bới, lột hết quần áo con nợ. Ông Hòa “lý” ra can ngăn liền bị nhóm côn đồ gí thẳng súng vào mồm ép trả. Ít lâu sau, ông chủ tiệm cầm đồ giàu có vội bán sạch cả xe hơi, nhà lầu rồi đi ở thuê.

“Dân xã hội” đòi nợ chỉ thất bại với những con nợ đã “bết” tới bùn đen. Gặp những “ca” tài sản không có, ở nhà thuê, chỉ còn mỗi cái mạng chán sống thì tốt nhất là “lượn” (bỏ), dây dưa không khéo bị va với pháp luật” - Đại “nhầu”, một đàn anh giang hồ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đòi nợ thuê, nói.

Khủng bố bằng “văn bẩn”

Theo Đại “nhầu”, không phải lúc nào dân đòi nợ cũng dùng “chiêu” bắt cóc, đánh đập con nợ vì nó rất dễ sa lưới pháp luật. Đại “nhầu” nói đòi nợ thuê gồm nhiều công đoạn, mánh lới. Khi có khách đặt hàng, Đại “nhầu” sẽ phải tìm hiểu kỹ con nợ đó còn có tài sản, tiền bạc để trả hay không. Sau khi thỏa thuận tỉ lệ ăn chia (thông thường là 40%-50% số tiền nợ), chủ nợ phải hoàn tất thủ tục pháp lý, tức là phải giao giấy nợ, làm thủ tục ủy quyền cho “công ty” đòi nợ, nếu là doanh nghiệp thì phải làm thêm hợp đồng lao động cho thủ lĩnh nhóm đòi nợ.

Bước tiếp theo là tìm hiểu nhân thân xem con nợ có “thần thế” hay quan hệ với “dân xã hội” ở khu vực đó hay không để đưa ra phương án phù hợp. Nếu con nợ là cán bộ nhà nước sẽ dùng “đòn” dọa làm đơn tố cáo tới cơ quan quản lý, đưa ra pháp luật. Với con nợ gia đình buôn bán làm ăn thì cho người đến ngồi đầy ở đó khiến cho khách hàng khiếp hãi không dám tới. Những trường hợp phức tạp sẽ phải dùng tới các loại “văn bẩn” của giang hồ để khủng bố tinh thần, thậm chí ra tay “xử”. Những đàn em cô hồn sẽ tới nhà con nợ, cần thiết thì gọi thêm “phế” (thương binh) đến nhà con nợ ăn ở, đánh bạc, xả rác, nhổ bọt bừa bãi. Chưa đủ độ “phê” thì đập phá đồ đạc, thậm chí ném chai lọ, đổ sơn, ném bom xăng, bom bẩn vào nhà, cũng có khi đưa vòng hoa, đốt vàng mã để “hóa vàng” tại nhà con nợ. Có trường hợp đàn anh cho “ong ve” bám theo người thân rồi gọi điện thoại cho con nợ bóng gió vợ con mày đang ở chỗ này chỗ kia, buộc con nợ phải hiểu ý…

Bên cạnh lĩnh vực đòi nợ thuê, phương cách kiếm sống chính của giang hồ đất cảng là tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá, mở tiệm cầm đồ, “tín dụng đen” và buôn bán thuốc lắc. Ngoài ra, để tạo “công ăn việc làm” cho đám “ong ve”, các đàn anh giang hồ còn kiêm thêm cả bảo kê bến bãi các bến tàu, bến xe và các nhà hàng, quán nhậu.

Bắt cóc buộc trả nợ

Sân bay Nội Bài một chiều cuối năm 2010. Sau chuyến bay dài từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất về nước, vừa xách hành lý ra sảnh quốc tế, anh Nguyễn Tú Sinh (ngụ huyện Phú Lương, Thái Nguyên) bất ngờ bị một nhóm người ập tới khống chế đưa lên ô tô. Hai xe ô tô lập tức rồ ga phóng vụt về hướng Hải Phòng, mặc cho con tin ngỡ ngàng chưa biết chuyện gì xảy ra. Lúc này, Đinh Văn Trọng - kẻ cầm đầu nhóm bắt đầu tra khảo chuyện anh Sinh khi ở nước ngoài chơi lô đề, thua nợ một lao động người Hải Phòng số tiền 70 triệu đồng. Thì ra nhóm giang hồ này bắt cóc anh Sinh để đòi tiền.

Trên xe, Trọng cùng nhóm đàn em chửi bới, đe dọa nếu không trả tiền sẽ phải nhận lãnh hậu quả hết sức tàn khốc, đồng thời thẳng tay đánh đập con tin. Về tới Hải Phòng, cả nhóm bắt Sinh nhốt vào tiệm cầm đồ của Trọng mấy ngày để tiếp tục đánh đập, ép trả tiền. Trọng cùng đàn em ép anh Sinh phải viết giấy nhận nợ 260 triệu đồng, đồng thời gọi điện thoại về nhà chuẩn bị mang tiền xuống chuộc, nếu không sẽ bị chặt chân tay thành phế nhân.

Chiều 12-11-2010, khi ông Sáu (cha anh Sinh) từ Thái Nguyên xuống Hải Phòng, nhóm Trọng đã áp giải anh Sinh tới Bến xe Niệm Nghĩa để gặp gỡ. Trong khi cả nhóm định điều ông Sáu về một quán cà phê để “tiền trao, người thả” thì bị công an ập đến bắt gọn.

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm