Cần luật hóa chứng cứ điện tử

Năm 2007, ông ĐXG (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã khởi kiện một nữ phó tổng giám đốc một công ty liên doanh ra TAND huyện Dĩ An (Bình Dương) để đòi bồi thường và xin lỗi công khai.

Từ bị kiện vì nói xấu qua email, blog

Theo đơn kiện, trước đó ông G. và bị đơn hợp tác làm ăn. Vì mâu thuẫn, bị đơn đã gửi email cho những đối tác khác của họ nói xấu ông thậm tệ, sai sự thật, làm ông mất danh dự, uy tín nghiêm trọng. Kèm đơn kiện, ông G. cũng nộp cho tòa bản sao các email có nội dung xúc phạm, nói xấu ông của bị đơn.

Nhận đơn, TAND huyện Dĩ An đã chuyển vụ việc về TAND quận Bình Thạnh giải quyết bởi cả hai bên đương sự đều ngụ tại đây. Quá trình tòa chuẩn bị xét xử, phía bị đơn đã chấp nhận xin lỗi và thanh toán cho ông G. toàn bộ chi phí bỏ ra để đeo đuổi vụ kiện.

Một năm sau, cư dân mạng xôn xao vì vụ ca sĩ Phương Thanh đòi chủ nhân blog Cô gái Đồ Long phải xin lỗi công khai trên ba tờ báo. Theo Phương Thanh, một entry (bài viết) đăng trên blog Cô gái Đồ Long ám chỉ nói xấu, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cô. Bị phản ứng, chủ nhân blog Cô gái Đồ Long đã xóa entry này nhưng phía Phương Thanh vẫn kịp thời sao lưu lại làm bằng.

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã bác yêu cầu của Phương Thanh với lý do pháp luật chưa có quy định về xử lý các trường hợp gây thiệt hại từ blog. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy bản án này. Quá trình TAND quận Tân Bình thụ lý lại, Phương Thanh đã chấp nhận lời xin lỗi của chủ nhân blog Cô gái Đồ Long.

Cần luật hóa chứng cứ điện tử ảnh 1

Trong thực tiễn, cơ quan tố tụng ít nhiều đều gặp lúng túng trong việc đánh giá giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử. Ảnh minh họa: HTD

Đến bị khởi tố

Cuối tháng 10-2010, cộng đồng mạng lại tiếp tục xôn xao khi chủ nhân blog Cô gái Đồ Long bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội bắt vì viết bài có nội dung sai sự thật trên blog, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự người khác.

Theo cơ quan điều tra, chủ nhân blog Cô gái Đồ Long đã viết entry về hậu trường lấy chồng của các người đẹp, trong đó có nêu, bàn luận các thông tin liên quan đến gia đình một thứ trưởng Bộ Công an. Nội dung entry không có cơ sở và chủ nhân blog Cô gái Đồ Long thừa nhận đã viết sai. Hành vi này có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Cuối năm 2007, nở rộ các mạng lừa “đầu tư tài chính” như Colony, Call Invest… quảng bá hoạt động đầu tư tài chính cho các công ty nước ngoài nhằm hút tiền đầu tư của người dân qua mạng dưới dạng đa cấp để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Sau khi công an vào cuộc, hàng chục người đã bị bắt. Đến nay, ngành tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán cũng phát hiện hàng trăm vụ thao túng trên thị trường chứng khoán. Đã có vụ bị bắt, bị khởi tố như vụ của chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông Lê Văn Dũng và em trai mới đây. Họ bị xác định đã cấu kết mở hàng loạt tài khoản giao dịch chứng khoán, tạo giao dịch ảo trên thị trường để thao túng giá.

Ngoài ra, hiện tượng cá độ qua Internet đang có xu hướng tăng mạnh. Công an gặp không ít khó khăn từ việc phát hiện đến xử lý do thiếu hướng dẫn cụ thể và khó thu thập chứng cứ. Nếu có bị phát hiện, thông thường chỉ có “cá nhỏ” sa lưới, còn “cá to” như người tổ chức mạng cá độ, cơ quan chức năng khó mà lần ra.

Nên công nhận chứng cứ điện tử

Dù thực tiễn đã xảy ra nhiều tình huống tranh chấp hay phạm tội có liên quan đến chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử trên mạng nhưng đến nay, pháp luật tố tụng hình sự, dân sự vẫn chưa hề có quy định điều chỉnh.

Theo một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, các nhà làm luật thường mặc định rằng chứng cứ phải là những gì tồn tại thực tế chứ không phải là cái gì “ảo” trên mạng. Cho nên thực tiễn xét xử, cơ quan tố tụng nói chung và ngành tòa án nói riêng ít nhiều đều gặp lúng túng trong việc đánh giá giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử. Để cơ quan tố tụng thống nhất cách hiểu và áp dụng thì phải luật hóa, chính thức công nhận dữ liệu điện tử trên mạng cũng là một nguồn chứng cứ bên cạnh các nguồn chứng cứ truyền thống.

TS Nguyễn Văn Tiến - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM phân tích thêm: Pháp luật tố tụng quy định đóng khung chứng cứ là những gì có thật đã vô tình làm bó tay các cơ quan tố tụng. Thực tế sinh động của cuộc sống đòi hỏi đã đến lúc không chỉ phải công nhận thông tin trên mạng mà ngay cả các tin nhắn trên điện thoại di động cũng là chứng cứ. Theo ông, phải xác định lại khái niệm chứng cứ trong luật theo hướng mở rộng gồm những dữ liệu điện tử được lưu trong mạng, máy tính, phương tiện điện tử, máy móc hiện đại… Kéo theo đó là việc xác định rõ khái niệm nguồn chứng cứ và nguyên tắc xác định chứng cứ.

Một số vụ tương tự ở nước ngoài

- Năm 2006, lần đầu tiên tại Trung Quốc, một trang web đã phải trả 1.000 NDT và đăng lời xin lỗi trên trang chủ vì đưa thông tin chỉ trích công việc của Giáo sư Trường ĐH Báo chí Nam Kinh Chen Tangfa.

Năm 2005, ông Chen phát hiện trên trang web Blogcn, một cựu sinh viên bình luận về ông như sau: “Chen Tangfa thực sự là một người dốt nát. Tôi có thể thấy điều này trong cuốn sách của ông ta. Ông ta đã viết cuốn sách giáo khoa tệ nhất trần đời”. Ông Chen lập tức liên lạc với Blogcn yêu cầu dỡ bỏ những đoạn viết này nhưng bị từ chối. Đàm phán thất bại, ông kiện ra tòa. “Tôi muốn nhắc nhở Blogcn rằng họ cần phải có trách nhiệm trong việc giám sát những nội dung được người sử dụng đưa lên mạng. Tôi đồng ý rằng mọi người có thể tự do bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng nhưng không nên xâm phạm đến quyền lợi của người khác” - ông Chen nói.

- Năm 2010, bốn sinh viên Trường ĐH tư thục Saint-Joseph ở Zahlé (Liban) đã chế nhạo một nữ ca sĩ trẻ với những lời lẽ tục tĩu trên Facebook. Cha của cô ca sĩ đã tố cáo họ và ngay lập tức, họ bị bắt về tội vu khống.

Luật chuyên ngành đã có, tố tụng sao không?

Theo các Điều 11 và 13 Luật Giao dịch điện tử, thông tin trong thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như bản gốc nếu nội dung được bảo đảm là toàn vẹn như khi khởi tạo lần đầu. Ngoài ra, Điều 14 cũng nói về giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu. Chẳng hạn một file văn bản trả lời của Cục Quản lý nhà đăng tải trên trang thông tin điện tử Bộ Xây dựng dù không có chữ ký và đóng dấu nhưng vẫn có giá trị pháp lý.

Một khi luật chuyên ngành đã đề cập thì không lý gì các bộ luật tố tụng hình sự, dân sự lại không quy định về chứng cứ điện tử để vận dụng thống nhất. Ngoài ra, pháp luật cũng cần bổ sung thêm cách thức thu thập chứng cứ điện tử. Chẳng hạn dù người vi phạm đã xóa bỏ dữ liệu điện tử nhưng cơ quan tố tụng vẫn có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ khôi phục.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

“Khỏe” cho cơ quan điều tra

Khi chúng tôi dùng công nghệ thu thập chứng cứ trên mạng thì dễ dàng nhận thấy một người đã vi phạm pháp luật. Nhưng để có cơ sở truy tố người đó thì chúng tôi phải chuyển hóa những chứng cứ trên mạng thành những chứng cứ thông thường, mất thời gian, công sức, tiền bạc. Vì vậy, việc bổ sung quy định về chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự là rất cần thiết.

Một điều tra viên Công an TP.HCM

Phải quy định chặt

Liệu một thông điệp dữ liệu, một hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý ngang bằng với một văn bản bằng giấy, một hợp đồng viết tay hay không? Trong án hình sự, việc chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội là rất quan trọng nhưng qua phương tiện điện tử liệu có dễ dàng? Cho nên, dù không phủ nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử nhưng chúng ta phải nghiên cứu quy định sao cho thật chặt chẽ.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm