Cần sửa Luật Trọng tài thương mại

Luật Trọng tài thương mại 2010 có những điểm mới hoàn thiện hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 nhằm bảo đảm cho phán quyết trọng tài trong nước được thi hành, loại bỏ một số trường hợp tòa phải hủy phán quyết trọng tài. Chẳng hạn các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu do không quy định hoặc quy định không rõ tổ chức trọng tài có thẩm quyền... Tuy nhiên, nếu phân tích các trường hợp tòa hủy phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại 2010 trong thời gian gần đây thì vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Hiện có những vướng mắc mới phát sinh về mặt quy định chưa được tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời.

Phân biệt đối xử

Năm 2012, một công ty Nhật đã kiện UBND TP H. ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế ICC (Pháp) và được trung tâm này thụ lý. UBND TP H. khiếu nại về thẩm quyền của trung tâm này vì cho rằng hợp đồng mà phía Nhật khởi kiện không phải do ủy ban ký mà do một đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân ký. Trung tâm Trọng tài Quốc tế ICC vẫn ra quyết định xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về mình. Không đồng ý, UBND TP H. đã nộp đơn đến Tòa án TP H. (nơi các bên thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp) yêu cầu xem xét lại quyết định về thẩm quyền của trọng tài.

Do Luật Trọng tài thương mại 2010 không quy định rõ ràng phạm vi điều chỉnh nên có hai luồng quan điểm trái ngược: Theo quan điểm thứ nhất, Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ áp dụng đối với các quyết định của trọng tài trong nước. Theo quan điểm thứ hai, luật này cũng có thể được áp dụng cả đối với các quyết định của trọng tài nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu quyết định được tuyên tại Việt Nam hoặc địa điểm giải quyết vụ tranh chấp là tại Việt Nam (ngoại trừ việc công nhận, cho thi hành phán quyết cuối cùng của trọng tài giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp).

Sở dĩ có vướng mắc trên là do luật của nước ta còn phân biệt đối xử giữa phán quyết trọng tài trong nước với quyết định trọng tài nước ngoài. Đối với phán quyết trọng tài trong nước, bên được thi hành chỉ cần làm đơn yêu cầu thi hành án. Còn đối với quyết định trọng tài nước ngoài, bên được thi hành phải làm đơn yêu cầu tòa công nhận và cho thi hành theo quy định của BLTTDS năm 2004 trước khi làm đơn yêu cầu thi hành án.

Hiện nay luật về trọng tài của các nước phát triển hầu như không có sự phân biệt này. Chẳng hạn theo Đạo luật Trọng tài 1996 của Anh, dù địa điểm giải quyết tranh chấp của trọng tài là trong hay ngoài nước Anh, dù quyết định là của trọng tài trong nước hay trọng tài nước ngoài thì để được thi hành tại nước Anh, các quyết định trọng tài đều phải được tòa công nhận.

Thế nào là thủ tục tố tụng trọng tài hợp lệ?

Thời gian qua đã xuất hiện những trường hợp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước với lý do thủ tục tố tụng trọng tài không hợp lệ. Ví dụ: Công ty S. (Mỹ) yêu cầu tòa hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng với Công ty C. (Việt Nam). Lý do Công ty S. đưa ra là không được trọng tài tống đạt các tài liệu tố tụng (do trọng tài gửi tài liệu cho công ty theo địa chỉ ghi trong hợp đồng trong khi công ty đã thay đổi địa chỉ).

Có quan điểm cho rằng thủ tục tống đạt của trọng tài như trên là không hợp lệ do một bên chưa nhận được tài liệu mà trọng tài gửi (tương tự thủ tục tố tụng của tòa). Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài thì việc gửi thông báo, tài liệu như trên của trọng tài là hợp lệ vì trọng tài đã gửi đến đúng địa chỉ bị đơn thông báo cho nguyên đơn (ghi trong hợp đồng). Còn việc bị đơn thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho nguyên đơn, dẫn đến việc không nhận được thông báo, tài liệu của trọng tài là lỗi của bị đơn, không phải là căn cứ để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Hiểu sao về “nguyên tắc cơ bản”…

Gần đây, nhiều trường hợp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thường viện dẫn nội dung của phán quyết trọng tài trái với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản… để cho rằng các phán quyết này trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Để giải quyết yêu cầu, trước hết tòa cần phải xác định xem phán quyết trọng tài có trái với quy định của pháp luật Việt Nam hay không. Nếu thấy phán quyết trọng tài trái với một quy định nào đó của pháp luật Việt Nam thì tòa lại phải xem quy định này có được coi là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không.

Việc xác định vấn đề thứ nhất tương đối dễ dàng đối với tòa nhưng xác định vấn đề thứ hai rất khó khăn vì cho đến nay chưa có hướng dẫn thống nhất của TAND Tối cao để xác định trường hợp nào được coi là “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Tham khảo luật các nước, chẳng hạn Công ước New York năm 1958 hoặc luật trọng tài của Anh, người ta không quy định trường hợp “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật” nước sở tại mà chỉ quy định trường hợp “trái với trật tự công cộng” là căn cứ để tòa từ chối công nhận phán quyết trọng tài. Nếu nước ta quy định như các nước thì việc giải quyết yêu cầu hủy, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài sẽ dễ dàng hơn nhiều, hạn chế được tình trạng hủy hoặc từ chối công nhận tùy tiện.

Để gỡ vướng, góp phần giúp các phán quyết trọng tài được bảo đảm thi hành, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài - một xu hướng phát triển của thế giới - thiết nghĩ các nhà làm luật nên có sự sửa đổi, bổ sung pháp luật về trọng tài. Cạnh đó, TAND Tối cao cần kịp thời có văn bản hướng dẫn để tòa các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, tránh tình trạng hủy hoặc không công nhận phán quyết trọng tài tùy tiện, làm mất lòng tin của doanh nghiệp vào các tổ chức trọng tài, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ, Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

 

Phán quyết trọng tài bị hủy tăng rõ rệt

Tại TP.HCM, nếu như từ giữa năm 2003 đến giữa năm 2010 (bảy năm áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003) chỉ có 24 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước được tòa thụ lý thì từ 1-1-2011 đến 31-1-2014 (hơn ba năm áp dụng Luật Trọng tài thương mại 2010), tòa đã thụ lý 24 đơn. Tương tự, số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại TP.HCM từ ngày 1-10-2009 đến 31-1-2014 là 26 (trung bình mỗi năm sáu đơn, trong khi trước đó mỗi năm chỉ khoảng 2-3 đơn).

Điều đáng nói là số trường hợp tòa hủy, không công nhận phán quyết trọng tài tăng lên rõ rệt nếu so với số trường hợp tòa không hủy hay công nhận, cho thi hành phán quyết trọng tài. Nếu ở giai đoạn 2003-2010, tỉ lệ này là 2/11 đối với phán quyết trọng tài trong nước (khoảng 18%) thì ở giai đoạn áp dụng Luật Trọng tài thương mại 2010 (từ đầu năm 2011), tỉ lệ này đã tăng lên 5/12 (khoảng 41%)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm