Cẩn thận khi chia tài sản sau ly hôn

Cẩn thận khi chia tài sản sau ly hôn ảnh 1
Ông Võ Văn Phú Ân - Ảnh: TR.T.

Năm 1997, ông Ân kết hôn với bà H.T.T.N.. Trước khi lấy vợ, ông Ân có nhận khoán của Công ty Dray H’Linh 2 sào cà phê và có một căn nhà cấp 4 trên lô đất rộng hơn 180m2 (có xác nhận của địa phương). Ông Ân và bà N. có với nhau hai người con.

Ông Ân cho biết: lấy nhau được vài năm, bà N. bắt đầu mê cờ bạc, huê hụi nên vay nợ khắp nơi. Một vài lần có người đến đòi tiền, ông cũng lấy tiền gia đình trả giúp và đã ngăn cấm vợ bài bạc, huê hụi.

Tuy nhiên bà N. vẫn tiếp tục, tới năm 2004 số nợ lên hơn 20 triệu đồng. Năm 2009, nhiều chủ nợ đến vây nhà ông đòi nợ khoảng 200 triệu đồng, lúc này ông Ân thật sự choáng váng vì số nợ quá lớn và không đồng ý trả nợ cho vợ nữa. Bà N. bị các chủ nợ kiện ra tòa.

Nợ vợ vay, chồng trả?

Tại các phiên tòa, bà N. đều khẳng định bà tự ý vay nợ để dùng tiêu xài cá nhân, chồng con không hề hay biết, không sử dụng vào công việc, mua sắm trong gia đình.

Vì hai người không thể tiếp tục sống cùng nhau, ngày 15-8-2011, TAND TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định chấp thuận cho ông Ân và bà N. thuận tình ly hôn. Ông Ân nuôi con đầu, bà N. nuôi con thứ hai, tài sản do hai người tự phân chia.

Ông Ân cho rằng toàn bộ tài sản hiện tại do ông tự tạo lập trước khi cưới vợ nhưng ông cũng đã chia cho bà N. một phần để lấy tiền trả nợ (khoảng 100 triệu đồng). Sau khi chia tài sản, bà N. đã lấy chồng khác, bỏ lại đứa con thứ hai cho ông Ân nuôi.

Giữa năm 2012, ông Ân nhận được thông báo của Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột về việc phải có trách nhiệm trả khoản nợ hơn 200 triệu đồng mà bà N. đã vay.

Ông Ân không chấp nhận vì nghĩ rằng giữa ông và bà N. không còn nghĩa vụ gì với nhau, ông cũng đã chia tài sản cho bà N... Ông Ân bị cho là không tình nguyện hợp tác thi hành án nên bị cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá.

“Tôi đã khiếu nại nhiều lần nhưng Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột không chấp nhận vì cho rằng tôi và bà N. giả ly hôn, chia tài sản để trốn nợ. Bà N. đã lấy tiền, đi lập gia đình khác thì không phải trả nợ, còn tôi một mình nuôi hai con ăn học lại bị kê biên tài sản, bán đấu giá. Mất nhà, ba cha con chúng tôi sẽ sống ra sao, tiền nợ đó đâu phải do tôi vay!” - ông Ân nói.

Chia tài sản không đúng luật

Ông Bùi Công Mười, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột, cho biết việc ông Ân và bà N. tự chia tài sản và có viết giấy tay sau khi có bản án thuận tình ly hôn là không đúng các quy định pháp luật.

“Đối với các tài sản chung sau khi ly hôn đang phải thi hành án, các đương sự không thể tự ý chia tài sản mà phải có các cơ quan pháp luật xác nhận phân chia để đảm bảo việc trả nợ. Hơn nữa, trong nhiều bản án phải trả nợ của bà N. thì có một bản án (số 164) của TAND tỉnh Đắk Lắk, ông Ân có trách nhiệm cùng trả nợ hơn 51 triệu đồng. Ông Ân nói mình đang khiếu nại bản án này nhưng đến nay chưa có thông báo nào nên chúng tôi vẫn tiếp tục việc thi hành án. Nếu có căn cứ cho rằng tài sản đó là của mình, cơ quan thi hành án kê biên sai, ông Ân có quyền kiện ra tòa để được giải quyết” - ông Mười nói.

Về câu hỏi tại sao cơ quan thi hành án không liên hệ với bà N. để tìm hiểu về việc chia tài sản giữa ông Ân và bà N., ông Bùi Công Mười cho biết sau khi ly hôn, bà N. đi khỏi nơi cư trú và không biết đang ở đâu, cơ quan thi hành án cũng không có trách nhiệm liên hệ với bà N.. Nếu các chủ nợ có căn cứ để cho rằng ngoài tài sản chung với ông Ân, bà N. còn có tài sản khác thì có thể khiếu nại để Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột xem xét, giải quyết.

Nên tham gia đầy đủ phiên tòa

Luật sư Tạ Quang Tòng, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết hồ sơ của ông Ân thể hiện tài sản của ông hiện nay do ông tạo lập trước khi lấy vợ. Sau khi ly hôn, ông Ân tự ý chia một phần tài sản cho bà N.. Về lý thuyết, chính ông Ân đã thừa nhận khối tài sản đó có trong thời kỳ hôn nhân giữa ông và bà N.. “Rất nhiều vụ án dân sự liên quan đến vay nợ tài sản của vợ hoặc chồng, nhiều đương sự không tham gia các phiên tòa để chứng minh những phần tài sản riêng, chung để tòa án giải quyết. Trong mọi trường hợp, để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình, người dân nên tham gia đầy đủ trong suốt quá trình tố tụng, tránh những thiệt thòi sau khi đã có phán quyết của tòa án” - luật sư Tòng phân tích.


Theo TRUNG TÂN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm