BÓNG CÂY KỂ CHUYỆN CUỘC ĐỜI - BÀI CUỐI

Cây khế của Ngài Đức Bổn Sư

Nói đến Đức Bổn Sư Ngô Tự Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tín đồ mộ đạo đều biết Ngài là bậc chân tu, làm nhiều việc lợi lạc giúp đời. Khó có tài liệu bằng văn tự nào nói đầy đủ về cuộc đời của Ngài, thế nhưng qua truyền khẩu, người ta vẫn sưu tầm được rất nhiều mẩu chuyện, đặc biệt là câu chuyện đầy kỳ thú về việc trồng cây của Đức Bổn Sư.

Vị giáo chủ chân tu

Ngày 16-6-2010, UBND tỉnh An Giang ra quyết định công nhận tổ chức tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có Văn phòng Đạo hội Trung ương đặt tại chùa Tam Bửu (huyện Tri Tôn, An Giang). Từ đó, về mặt pháp nhân, đây là một đạo chính thống, hoạt động theo Hiến chương và đạo sự được luật định. Điều đó minh chứng việc ghi nhận những đóng góp của đạo phái này đối với đời sống văn hóa, xã hội và tín ngưỡng nước ta.

Đối chiếu thời gian Đức Bổn Sư truyền và lập giáo với lịch sử nước Việt cho thấy đó là thời kỳ đen tối của đất nước. Khắp nơi loạn lạc, riêng chỉ còn phần núi non hẻo lánh, rừng thiêng nước độc, thú dữ náu mình là chốn nương thân của dân lành. Có lẽ vì vậy mà Đức Bổn Sư chọn vùng núi Tượng, núi Dài, núi Nước để xây dựng đạo phái, thiết lập kỷ cương, đồng thời che chở cho các nghĩa sĩ Cần Vương, vì tham gia chống Pháp mà sa cơ về đây ẩn lánh.

Theo một tài liệu, Đức Bổn Sư Ngô Tự Lợi sinh năm 1831, viên tịch năm 1890, thọ 59 tuổi. Khi 20 tuổi, Ngài đã sáng tác ra quyển kinh đầu tiên mang tên “Bà la ni kinh”, dạy người đời tu niệm. Ngài có công vận động tín đồ khai hoang lập làng, chữa bệnh cho bá tánh ở vùng sơn lam chướng khí, còn đi truyền giáo khắp xứ cho đến ngày viên tịch.

Cây khế của Ngài Đức Bổn Sư ảnh 1

Người dân hay đến gốc khế dạt vỏ về mài uống để trị bệnh.

Về sau, sách Địa chí An Giang đánh giá: “Ngô Tự Lợi là một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương. Làng An Định cùng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nơi hội tụ của những người nuôi chí lớn, mong có ngày giải phóng quê hương khỏi tay quân xâm lược và đã gây cho giặc Pháp nhiều khó khăn, vất vả”. Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn cũng ghi nhận Ngài là một sĩ phu yêu nước, cổ động tinh thần yêu nước của tín đồ, mượn tôn giáo để chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Trồng khế chữa bệnh cho đời

Ngày xưa không có nhiều thuốc Tây được bào chế thành viên như hiện giờ. Do vậy, các vị đạo sĩ ẩn thân, khẩn hoang lập làng, truyền đạo, chống giặc thường dùng cây cỏ để chữa bệnh. Ngoài những cây cỏ mọc tự nhiên được các Ngài hái về trị bệnh theo chân truyền Đông y, họ còn trồng thêm nhiều cây thuốc khác. Đức Bổn Sư cũng bước tiếp con đường nhiều vị cao nhân khác đã đi để thực hành y pháp.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghi, Trưởng gánh, Trưởng ban Văn phòng của Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đến tận ngày nay vẫn chưa có văn tự nào ghi chép lại việc trồng cây làm thuốc của Ngài Đức Bổn Sư Ngô Tự Lợi. Theo truyền khẩu của người trong đạo, lúc sinh thời Sư Tổ có lập nhiều chùa ở nhiều phương để trấn an dân làng, đồng thời trồng nhiều cây thuốc chữa bệnh. Trong đó, đáng nhớ nhất là Ngài có trồng bốn cây trong chùa Tam Bửu gồm: quế khâu, muồng què, bồ đề và khế chua.

Trải qua thời gian chiến tranh loạn lạc, các cây khác đều chết hết, nay chỉ còn lại cây khế chua và bụi bạch chỉ do Đức Bổn Sư trồng sau lưng chùa Tam Bửu. “Tôi là người thường xuyên sưu khảo các mẩu chuyện về Ngài và đạo sự nhưng chưa có mẩu chuyện nào nói đến các cây trồng của Sư Tổ. Có lẽ ngày xưa cây rừng còn nhiều nên người ta ít quan tâm đến việc bảo tồn cây cổ thụ có ý nghĩa về sinh thái, dược liệu và văn hóa vùng đất, tín ngưỡng như ngày nay” - ông Nghi tâm sự.

Ông Bùi Văn Lê, Trưởng gánh, Trưởng ban Lễ nghi, Lễ hội của Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chia sẻ với chúng tôi: “Nghe người cao niên kể lại rằng chắc chắn khi lập chùa, Tam Bửu Đức Bổn Sư đã trồng cây khế sau chùa”. Ngày 19 tháng Giêng năm 1876, Đức Bổn Sư về vùng núi Tượng cùng tín đồ khai sơn, phá thạch và lập làng An Định (thị trấn Ba Chúc). Khoảng hai năm sau, Ngài trồng cây khế chua trong sân chùa. Một tài liệu khác cho rằng Đức Bổn Sư lập chùa Tam Bửu năm 1882 hoặc 1889 thì mới trồng bốn cây trên nhưng nay chỉ còn duy nhất cây khế. Do vậy, nếu tính theo mốc thời gian trồng gần nhất là năm 1889 thì đến nay cây khế này cũng đã thọ đến 124 năm tuổi.

Ông Lê kể tương truyền rằng khi Đức Bổn Sư trồng cây khế cũng nhằm lấy thân, lá, trái, bông… để làm thuốc chữa bệnh cho người. “Do tín ngưỡng mà ngày nay người dân hay đến chùa cúng bái, vái lạy và xin nhà chùa cho lấy vỏ cây khế, hái trái, lá và bông về làm thuốc. Người ta đem bông và trái mang về giã nhuyễn, lấy nước uống để trị bệnh ho, cảm mạo...” - ông Lê nói.

Cây khế đầy ý nghĩa

Cây khế của Ngài Đức Bổn Sư ảnh 2

Cây khế này tương truyền do Đức Bổn Sư Ngô Tự Lợi trồng cách nay 124 năm.

Theo ông Phạm Văn Vinh, Phó ban Giáo lý của Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cây khế sau chùa Tâm Bửu có xớ gỗ cuộn u nần và gốc cây lớn. Đánh giá bằng mắt thường, tuổi thọ của cây phải hơn trăm tuổi và hẳn là do tự tay Đức Bổn Sư trồng. Nếu cây khế được công nhận là cây di sản Việt Nam thì nó sẽ mang rất nhiều ý nghĩa. Ngoài việc đây là chứng tích của một thời khẩn hoang gian khó ở vùng Bảy Núi, cây còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Khế cổ thụ vùng này rất hiếm nên cây mang ý nghĩa bảo tồn nguồn gen, để con cháu mai sau biết đến lịch sử khai hoang và truyền đạo của cha ông thuở ấy.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm