Chăn dắt ăn xin sẽ bị tội

Đề xuất đầu tiên của Bộ LĐ-TB&XH là bổ sung một tội danh mới hoàn toàn vào BLHS là tội cưỡng bức lao động.

Thêm tội để trị “chăn dắt ăn xin”

Cụ thể, người nào ép buộc người khác phải làm việc trái nguyện vọng của họ bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa hoặc hạn chế tự do của người đó thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm: Đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người già yếu, ốm đau, người khuyết tật hoặc người khác không có khả năng tự vệ hoặc người lệ thuộc vào mình; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình; có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

Nghiêm trọng hơn, phạm tội thuộc các trường hợp sau thì bị phạt tù từ bảy đến 15 năm: Gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đề xuất bổ sung tội danh này vì thời gian qua đã có nhiều đường dây chăn dắt ăn xin bị phát hiện làm dư luận bức xúc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính, không thể mạnh tay xử lý hình sự những kẻ sống trên mồ hôi, nước mắt của những số phận thiệt thòi vì thiếu tội danh phù hợp trong BLHS.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin có thể bị xử lý hình sự.Trong ảnh: Ba người “ăn xin thuê” đang kể lại sự việc với cơ quan chức năng trong đường dây chăn dắt ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: T.Dũng

Cụ thể, theo BLHS, các hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin, làm công việc nặng nhọc, độc hại… có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác (Điều 110) nếu xác định được những kẻ chăn dắt đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Nếu hành vi đối xử tàn ác này gây thương tích thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104). Hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình nếu nạn nhân là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151). Cũng có thể xem xét về tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (Điều 228).

Tuy nhiên, để có thể xử phạt hình sự những kẻ chăn dắt theo các tội danh trên rất khó. Chẳng hạn, để chứng minh được hành vi của những kẻ chăn dắt đã cấu thành tội hành hạ người khác thì phải chứng minh được họ có hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần với người bị lệ thuộc. Đồng thời, phải chứng minh người già, người khuyết tật hay trẻ em là người lệ thuộc (lệ thuộc về quan hệ gia đình hay lệ thuộc về kinh tế…) với những kẻ chăn dắt. Hay đối với Điều 228 BLHS thì xác định việc sử dụng trẻ em đi xin ăn, bán vé số… có phải là làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hay không cũng rất khó.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc khó xử lý hình sự những kẻ chăn dắt ăn xin, chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính đã không đủ sức răn đe, giáo dục nên cần thiết phải bổ sung tội cưỡng bức lao động.

Trốn đóng BHXH sẽ bị khởi tố?

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất bổ sung tội cố ý làm trái các quy định về BHXH vào BLHS. Theo đó, người nào đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục cố ý làm trái các quy định về BHXH bao gồm gian lận hoặc cố ý tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động thì bị phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm…

Lý giải về việc đề xuất bổ sung tội danh này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong phần thảo luận tại cuộc họp Quốc hội mới đây về dự án Luật BHXH sửa đổi, nhiều đại biểu đã bức xúc vì hàng ngàn tỉ đồng nợ đọng và cho vay trái quy định. Hàng tỉ đồng nợ đọng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt là việc sử dụng quỹ BHXH cho vay trái quy định gây thất thoát nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm hoàn trả, bồi thường.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhấn mạnh những vi phạm trong sử dụng quỹ BHXH, chây ỳ, trốn đóng BHXH phải được xử lý như hành vi trốn thuế, áp dụng mức truy thu, thậm chí cao nhất là có thể xử lý bằng các biện pháp hình sự. Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cũng đề nghị bổ sung vào BLHS xử phạt hành vi trốn đóng BHXH nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng nghiêm trọng hiện nay. Một đại biểu khác dẫn chứng việc BHXH cho Công ty Cho thuê Tài chính II vay vốn cả ngàn tỉ đồng là có dấu hiệu cố ý làm trái, hậu quả để lại không nhỏ nhưng lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ bị cảnh cáo, xử lý hành chính.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng trên đã đặt ra việc cần thiết phải có thêm tội danh cố ý làm trái các quy định về BHXH trong BLHS.

HOÀNG YẾN

Đề xuất bổ sung tội khiêu dâm trẻ em

1. Người nào sử dụng trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục, biểu diễn kích dục, khiêu dâm trẻ em dưới mọi hình thức thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần

b) Đối với nhiều trẻ em

c) Có tổ chức

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đến trẻ em về thể chất và tinh thần.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 20 triệu đồng.

(Theo Bộ LĐ-TB&XH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm