Chỉ nghi ngờ mà vẫn kết tội?

Ngày 30-9, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan của hai bị cáo Ngụy Như Toại và Bá Đại Duy Anh và tuyên y án sơ thẩm mỗi bị cáo ba năm tù về tội cướp giật tài sản.

Theo án sơ thẩm của TAND quận 12, chiều 7-12-2012, Toại lái xe máy chở Anh trên đường Trường Chinh (quận 12) thì thấy chị T. lưu thông cùng chiều phía trước đeo dây chuyền nên áp sáp để giật. Tuy nhiên, do sợi dây bị vướng vào cổ áo bị hại rồi rớt xuống nên chị T. tri hô cùng quần chúng bắt quả tang rồi giao cho công an phường xử lý.

Sau phiên tòa sơ thẩm, hai bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, cả hai khẳng định mình không hề có hành vi áp sát giật dây chuyền như cáo trạng đã nêu. Việc bị cáo nhận tội trong các bản khai là do bị ép cung. Chủ tọa hỏi: “Nếu không có ý đồ xấu thì sao lại nhìn ngó xung quanh lung tung?”. Cả hai nói do mới ở quê lên chưa quen đường sá và thấy lạ lẫm nên mới nhìn tứ phía.

Chỉ nghi ngờ mà vẫn kết tội? ảnh 1

Người nhà của hai bị cáo thẫn thờ sau khi tòa tuyên án. Ảnh: PT

Luật sư đặt vấn đề có hay không việc phạm tội bắt quả tang, bởi căn bản người bị hại cũng khai không thấy rõ ràng rằng bị cáo giật mà chỉ nghi ngờ. Cụ thể, trong biên bản ghi lời khai, chị T. khai: “Khi đi trên đường Trường Chinh thì tôi thấy có hai thanh niên đi trước mình cứ ngó nghiêng, rất khả nghi. Lúc này, tôi cho xe vượt trước thì có hai thanh niên chạy lên áp sát rồi giật đứt sợi dây chuyền. Do thấy mặt dây chuyền rớt xuống đất nên tôi dừng xe lại nhặt lên và cứ nghĩ là hai thanh niên này đã giật sợi dây chuyền của mình”. Đồng thời, khi thấy hai “tên cướp” này vẫn chạy với tốc độ không cao nên chị T. vừa đuổi theo vừa gọi điện thoại cho bạn làm ở tổ dân phố, mô tả nhân dạng cùng biển số xe nhằm mục đích đón đầu và bắt.

Ngoài ra, luật sư cũng trích dẫn thêm lời khai của bị hại: “Khi giao các bị cáo cho công an, tôi cứ nghĩ sợi dây chuyền đã bị hai tên thanh niên đó đang giữ nhưng khi sờ tay lên cổ thì phát hiện sợi dây vẫn còn nằm ở cổ”. Luật sư cho rằng không thể có việc vừa cướp xong thì chạy xe chầm chậm để bị bắt và việc bắt các bị cáo không có tang vật thì không đủ cơ sở kết tộiKết tội thông qua sự nghi ngờ của bị hại là vô căn cứ…

Tuy nhiên, cuối cùng tòa bác toàn bộ quan điểm của luật sư và nhận định tuy các bị cáo không nhận tội nhưng dựa vào lời khai của người bị hại, nhân chứng cũng như những chứng cứ khác thì việc xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm