Chia tài sản vợ chồng sao cho thỏa đáng?

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông AWN (quốc tịch Mỹ) với bà NTHT. Trước đó, sau phiên sơ thẩm, hai bên đương sự đều kháng cáo, không đồng ý với việc phân chia tài sản chung của tòa.

Vợ bảo chia đôi, chồng đòi 80%

Theo đơn xin ly hôn của ông N., tháng 2-2012, ông và bà T. đăng ký kết hôn tại UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lúc đầu hai người sống hạnh phúc nhưng về sau thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Ông N. muốn ly hôn vì bà T. không tôn trọng ông, hay nói dối, thường xuyên đi chơi về muộn. Thêm vào đó, hai bên chênh lệch về tuổi tác (37 tuổi), văn hóa, trình độ, bất đồng ngôn ngữ… Mâu thuẫn giữa hai bên đã trầm trọng nên từ tháng 3-2013, ông ly thân và ra ngoài sống.

Cũng theo ông N., hai người không có con chung. Quá trình chung sống, họ tạo dựng được khối tài sản chung gồm nhà và đất, hai chiếc xe máy cùng một số tài sản khác. Nguồn gốc của khối tài sản này đều do ông chuyển tiền từ nước ngoài về mua. Ông yêu cầu được chia 80% giá trị nhà và đất, phần còn lại hai bên tự thỏa thuận, giải quyết.

Bà T. thì khai sau khi ông N. nghỉ hưu (tháng 7-2012), ông đòi bán nhà lấy vốn mở nhà hàng, tiền dư mua nhà nhỏ hơn để ở nên vợ chồng mới phát sinh mâu thuẫn. Do trình độ tiếng Anh của bà còn thấp nên hai bên không thể tâm sự nhưng bà còn yêu thương ông nên không muốn ly hôn. Còn tiền mua nhà và đất, sau khi cưới bà có góp tiền cho ông N. nhưng bao nhiêu thì không nhớ. Toàn bộ giao dịch mua bán nhà đất do bà thực hiện. Bà yêu cầu tòa chia đôi nhà và đất, tài sản khác thì hai bên tự thỏa thuận.

Ông bảy, bà ba

Xử sơ thẩm hồi tháng 12-2013, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định ông N. nhất quyết ly hôn, bà T. cũng xác định vợ chồng có mâu thuẫn và không đưa ra được phương pháp hàn gắn. Bà còn khai ông N. cung cấp tiền cho bà, chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt gia đình vì bà không có công việc, thu nhập từ khi kết hôn. Như vậy cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên tòa chấp nhận cho ly hôn.

Về nhà và đất, ông N. nói toàn bộ số tiền mua do ông chuyển về từ nước ngoài để bà T. đứng ra giao dịch với bên bán. Theo các chứng từ ngân hàng thì trong khoảng thời gian mua nhà, ông N. đã nhiều lần chuyển tiền từ tài khoản cá nhân về Việt Nam, tương đương với giá trị mua bán nhà và đất (gần 3,4 tỉ đồng). Còn bà T. nói có đưa tiền cho ông N. mua nhà và đất nhưng lại không xác định được bao nhiêu, cũng không có chứng cứ chứng minh, trong khi ông N. phủ nhận nên không thể chấp nhận lời khai này.

Do ông N. có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc hình thành tài sản chung nên tòa tuyên ông hưởng 70%, bà T. 30%. Theo kết quả định giá, nhà và đất trị giá hơn 2,5 tỉ đồng. Vì ông N. không thuộc trường hợp được công nhận có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nên tòa giao nhà cho bà T. và buộc bà phải trả cho ông N. hơn 1,7 tỉ đồng.

Sau đó, ông N. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm chia cho ông 80% giá trị nhà và đất, còn bà T. kháng cáo đòi hủy án sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, việc bà T. nói mình có đóng góp tiền mua nhà là có mâu thuẫn vì trong quá trình chung sống, bà còn nợ tiền ông N. Việc phân chia tài sản chung của cấp sơ thẩm đã thỏa đáng nên tòa bác kháng cáo của hai bên và y án.

Cần quy định cụ thể hơn

Theo một thẩm phán chuyên xử án hôn nhân gia đình ở TP.HCM, trong thực tiễn, cùng trường hợp giống nhau là chồng đi làm, vợ nội trợ, tài sản do một mình chồng làm ra như trường hợp trên nhưng khi phân chia thì có tòa chia mỗi bên một nửa, có tòa chia theo tỉ lệ 6/3 hay 7/3, rất không thống nhất.

Có chuyện này bởi theo Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Mà việc đánh giá hoàn cảnh, tình trạng tài sản, công sức đóng góp… tùy thuộc vào nhận định cảm tính của hội đồng xét xử. Do đó cùng trường hợp giống nhau nhưng các tòa có thể phân chia khác nhau.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng để tránh tùy tiện thì luật hoặc văn bản hướng dẫn hoàn toàn có thể quy định cụ thể hơn nữa như xác định rõ nguồn gốc của tài sản, các bên đóng góp theo dạng nào (giá trị vật chất hay công sức) thì được phân chia theo tỉ lệ ra sao…

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm