Chia tay tình già: Vì tình trẻ, vì muốn "nghỉ ngơi"...

Ngày 4-11 vừa qua, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã xét xử vụ ly hôn của ông T. (63 tuổi, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH) và bà X. (57 tuổi).

Khi các ông mê gái trẻ

Ông bà vốn quê cùng một làng, học cùng một trường. Họ có ba người con chung, đều đã trưởng thành, công thành danh toại. Nhìn vào ai cũng nghĩ họ hạnh phúc, nào ngờ ông lại ngoại tình với… cháu gái vợ. Khuyên can không được, bà X. đành ly hôn khi biết chồng quyết tâm “về hưu rồi anh sẽ cưới em” với cháu của bà. Tòa xét thấy suốt quá trình giải quyết, ông T. không hợp tác, cũng không có ý kiến gì, chứng tỏ ông không hề có ý muốn hàn gắn nên chấp thuận cho bà X. ly hôn.

Mới đây, Thẩm phán Huỳnh Danh (Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Nam) xử một vụ ly hôn mà hai bên đương sự đều đã trên 60 tuổi. Người chồng, một cán bộ nhà nước về hưu, đứng đơn xin ly hôn.

Thẩm phán Danh mời hai vợ chồng đến làm việc. Người chồng một hai đòi chia tay, người vợ thì nhất quyết không chịu. Thẩm phán tìm hiểu, thì ra những năm còn công tác, người chồng có nhân tình trẻ nhưng chỉ dám lén lút vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Nay ông về hưu, không cần phải giữ gìn nữa nên quyết rũ bỏ người vợ già để đến với người tình.

Thẩm phán Danh đã bác đơn ly hôn của người chồng, tạo điều kiện cho họ hàn gắn. Dù vậy, nhìn hai mái đầu bạc trắng rời phiên tòa, ông không khỏi tâm tư. Pháp luật đã buộc họ đoàn tụ nhưng không thể bắt họ hạnh phúc. Liệu rồi người vợ có xây lại được mái ấm đã sụp đổ, có níu kéo được trái tim đã nguội lạnh, có giữ được bước chân không còn muốn quay về của người chồng?

Chia tay để được… nghỉ ngơi

Ngày 14-12 tới, TAND quận Tân Bình sẽ xử vụ ly hôn của ông L. và bà V. Họ đều là cán bộ về hưu, đều đã hơn 70 tuổi.

Chia tay tình già: Vì tình trẻ, vì muốn "nghỉ ngơi"... ảnh 1

Trước đây, làm việc với tòa, bà V. trình bày rằng người ngoài cứ tưởng gia đình bà êm ấm nhưng thật ra nhà bà đã “ngột ngạt như trong địa ngục”. Bà kể những năm mới nghỉ hưu, ông đi lại với một phụ nữ trẻ, bà cũng nhắm mắt cho qua, coi như giúp chồng… có niềm vui cuối đời. Nhưng vài năm gần đây, bà thấy không thể ở với ông được nữa. Ông thường nói xấu bà với các con khiến chúng chia làm hai phe. Phe ủng hộ ông thì không đồng ý cho cha mẹ ly hôn, không đồng ý bán nhà chia tài sản chung. Phe ủng hộ bà thì mong muốn mẹ ly hôn để được sống những năm an nhàn cuối đời. Nhiều lần hòa giải, ông cương quyết không chịu ly hôn. Còn bà bảo tòa không cho ly hôn thì bà sẽ yêu cầu chia tài sản chung để được sống riêng với con út...

Vụ khác, một thư ký tòa hỏi một bà cụ trên 60 tuổi vừa nộp đơn xin ly hôn: “Gần tết rồi sao bác lại ly hôn, buồn vậy?”. Bà cụ trả lời mâu thuẫn từ lâu lắm rồi, nay con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong hết, nhà chỉ còn hai người già cũng không thể sống chung nữa. “Càng lớn tuổi chồng tôi càng khó tính, chịu không nổi. Mấy chục năm qua tôi chịu đã đủ rồi” - bà buồn buồn.

Một ông 68 tuổi thì cương quyết ly hôn bởi “vợ tôi không còn tôn trọng tôi như khi tôi còn làm ra tiền. Tôi thèm thuốc hay muốn cà phê với mấy ông bạn già cũng phải ngửa tay xin tiền. Tôi làm vài ly bia, bà ấy cũng càm ràm làm tôi mất mặt. Đã vậy, đến tuổi này rồi mà bà ấy còn hay ghen”…

Cạn tình là hết nghĩa?

Ngày 30-11 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử vụ ly hôn và chia tài sản chung của ông Y. (80 tuổi, nguyên bác sĩ của một bệnh viện lớn).

Khi cưới bà C., ông Y. đã 52 tuổi, có một đời vợ và ba con riêng, còn bà mới ngoài 20. Chung sống, họ có với nhau hai người con. Ông bảo bà nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cái. Khi con cái lớn khôn, mâu thuẫn mẹ kế con chồng ngày càng trầm trọng. Chịu không nổi sự lạnh nhạt của chồng và các con riêng, bà bỏ ra ngoài ở.

Ông nộp đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung. Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm về phần chia tài sản, ông kháng cáo. Tại các phiên tòa, ông luôn yêu cầu được nhận phần đất giáp hẻm để có hai mặt tiền. “Đất do tôi mua, toàn bộ là của tôi, bà ấy ở nhà không làm gì ra tiền” - ông nói. Tòa phải nhắc nhở ông là phần giá trị chênh lệch của miếng đất rất nhỏ, không đáng để ông phải tranh chấp kéo dài như vậy. Hơn nữa, lâu nay bà cũng đã thiệt thòi, không có nhà để ở…

Thẩm phán Đặng Chí Công (Phó Chánh án TAND huyện Krông Pa, Gia Lai) kể lại một vụ khá khôi hài mà ông vừa xử: Người chồng một hai đòi ly hôn, nói sẵn sàng ra đi tay trắng, không cần mang theo một đồng nào cả. Tòa chấp thuận, nào ngờ vài tháng sau, ông này quay lại lu loa rằng tòa nhận tiền của người vợ nên “xử bất công” và muốn đòi lại tài sản. Thấy ông trở mặt, tòa tìm hiểu mới biết là sau khi ly hôn vợ, ông tìm đến với nhân tình. Cô này hỏi tài sản đâu, ông bảo “là anh đây”. Bị nhân tình chì chiết, ông đành muối mặt quay lại tòa gây chuyện hòng “sửa sai”.

Sự đời trớ trêu

Say đắm một cô gái trẻ, ông B. cương quyết “ra đi với hai bàn tay trắng”. Thực chất, trước đó ông đã nhanh tay mua một ngôi nhà làm tổ ấm với nhân tình và nhờ người cháu gọi bằng cậu đứng tên giùm.

Sự đời trớ trêu, người cháu lén bán nhà rồi nhắn tin bảo “sẽ trả cho cậu sau” và hứa hẹn “cậu cứ ở trong nhà cháu cho đến khi chết”. Ông B. đành lọ mọ đến tòa hỏi thăm về thủ tục đòi lại tài sản từ người cháu và… đòi lại tài sản chung với vợ cũ mà trước đó ông tình nguyện từ bỏ.

Chuyện buồn

Ly hôn là tình trạng đáng buồn, đặc biệt ở người cao tuổi. Thời gian chung sống trung bình của họ trên dưới 30 năm. Đã chịu đựng nhau một thời gian dài như vậy, lẽ nào lại ly hôn vì tính tình không hòa hợp. Vợ chồng già dù không còn yêu nhau như thời trẻ nhưng vẫn còn cái nghĩa. Việc ly hôn làm mỗi người đánh mất đi cái nghĩa ấy. Mất cả tình lẫn nghĩa là mất trắng cuộc sống tinh thần. Liệu sau ly hôn, mỗi người còn có thể tìm ra một nguồn tình cảm khác để cảm thấy đời mình còn hạnh phúc, còn ý nghĩa hay không?

Thông thường thì tòa bác các đơn xin ly hôn nếu mâu thuẫn chưa thật sự trầm trọng. Họ có quyền xin ly hôn lại trong vòng một năm. Khoảng thời gian này đủ để họ ôn lại thời vợ chồng êm ấm để quyết định có tiếp tục nộp đơn nữa hay không.

Thẩm phán HUỲNH DANH,
Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Nam

Ít nhưng rắc rối

Những lý do như ngoại tình, tính tình không hòa hợp là nguyên nhân chính khiến người cao tuổi ly hôn. Tỉ lệ người cao tuổi xin ly hôn tuy ít nhưng quá trình thụ lý lại rắc rối và kéo dài. Xác suất hòa giải thành rất mong manh bởi lẽ trước khi quyết định xin ly hôn, họ đã suy nghĩ chín chắn rồi, rất khó lay chuyển. Đối với án ly hôn của người cao tuổi, nếu một bên không đồng ý, thông thường tòa sẽ bác đơn.

Thẩm phán NGUYỄN VĂN TRÍ,
Phó Chánh án TAND quận Tân Bình, TP.HCM

Gương xấu cho con

Ly hôn ở tuổi già dù tỉ lệ nhiều hay ít đều là vấn đề nhức nhối của xã hội. Đó là sự tan rã của một gia đình đã được gầy dựng, vun vén hàng chục năm trời. Khi ly hôn, những cặp vợ chồng già cứ ngỡ  mình thoát được sợi dây ràng buộc nhau, đã yên tâm vì con cái khôn lớn. Tuy nhiên, cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo. Nên việc cha mẹ ly hôn đôi khi khiến con cái buồn khổ và nhìn vào đó mà lo lắng cho tương lai hạnh phúc của mình.

Thẩm phán ĐẶNG CHÍ CÔNG,
Phó Chánh án TAND huyện Krông Pa, Gia Lai

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm