Cho tư nhân làm công tác hòa giải?

Theo giảng viên Trần Thị Thu Hà (ĐH Luật TP.HCM), dự thảo luật cần quy định rõ những loại tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã. Đây là điều mà Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được. Đây cũng là vướng mắc căn bản đang làm khó cả UBND lẫn TAND.

Muốn thực chất, quy định phải chuẩn

Bà Hà cho biết hiện nay Luật Đất đai và Nghị định 181/2004 của Chính phủ chỉ quy định chung chung rằng tranh chấp đất đai phải qua hòa giải tại UBND cấp xã. Trong khi đó, thực tế các tranh chấp đất đai vốn rất đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau và không phải tranh chấp nào trong số đó cũng phù hợp với việc hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã.

ThS Phạm Hoài Huấn (khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM) thì nhận xét dự thảo luật thiếu một điều luật cụ thể quy định về đối tượng điều chỉnh của luật. Đây là thiếu sót vì một văn bản quy phạm pháp luật đều phải nói rõ phạm vi và đối tượng mà văn bản này có hiệu lực. Nếu phải để người áp dụng tự suy đoán thì sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi. Ngoài ra, dự thảo quy định mục đích của hoạt động hòa giải cơ sở bằng một điều khoản cụ thể (Điều 2) là thừa, không cần thiết, nặng tính tuyên truyền.

Cho tư nhân làm công tác hòa giải? ảnh 1

Cũng theo ThS Huấn, thời hạn hòa giải theo dự thảo (Điều 17) không nên để quá 30 ngày (phức tạp có thể hơn nhưng không quá 45 ngày) kể từ ngày tổ hòa giải nhận được yêu cầu hoặc hòa giải viên trực tiếp chứng kiến, biết vụ việc.Vì phạm vi hòa giải cơ sở là các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong đời sống hằng ngày, các bên có nhu cầu được giải quyết nhanh.

Hòa giải có thu phí?

Đó là kiến nghị của PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM). Theo bà Phương, việc xã hội hóa công tác hòa giải sẽ thoát ly hoạt động này khỏi hệ thống hành chính. Thực tế cho thấy các hoạt động công chứng tư, thi hành án tư (thừa phát lại) đang hoạt động tốt và là sự lựa chọn của người dân. Do đó nếu mạnh dạn đưa công tác hòa giải cho các tổ chức tư nhân đảm nhiệm dưới sự quản lý của cơ quan chuyên môn sẽ làm cho nó sôi động và chất lượng hơn.

Cạnh đó, trách nhiệm vật chất của các bên khi tham gia hòa giải cũng rõ ràng hơn. Người cần hòa giải phải đóng phí cho người hòa giải theo thỏa thuận hợp lý và hòa giải viên sẽ không phải kêu ca về việc nhận thù lao thấp như hiện nay. Khi các tổ hòa giải được kiện toàn lại bộ máy, mô hình thì nó sẽ hoạt động dựa theo tinh thần tự nguyện giữa hai bên, tất yếu chất lượng hòa giải sẽ cao. Vì tâm lý người dân muốn là giải quyết tranh chấp nhẹ nhàng (đối với những sự việc nhỏ, đơn giản), bất đắc dĩ mới ra tòa. Cạnh đó cần xác định lại giá trị pháp lý của văn bản hòa giải trong quá trình tố tụng sau đó theo hướng phải công nhận.

ThS Trần Thị Thu Hà cũng đề xuất nên đề cao hợp lý tính chất xã hội của công tác hòa giải. Nên xã hội hóa nó để vừa giảm gánh nặng cho tòa án vừa giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời giảm chi phí tố tụng. Xu hướng phát triển của xã hội là khuyến khích hòa giải thông qua cơ chế ngoài tố tụng. Chẳng hạn ở nước ngoài đã hình thành những văn phòng tư vấn thủ tục hành chính tư. Thành phần của văn phòng là cảnh sát, thẩm phán đã về hưu, họ tư vấn hòa giải có thu phí.

Khuyến khích cơ chế hòa giải cá nhân?

Tại phiên họp lần thứ tư của ban soạn thảo dự luật Hòa giải cơ sở vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu nhấn mạnh: “Nước ta đang trong quá trình hình thành pháp quyền, hòa giải giúp Nhà nước rất nhiều theo văn hóa pháp lý “100 cái lý không bằng tí cái tình”. Nhà nước không thể làm tất cả mọi việc mà nhiều việc phải để người dân làm theo hành lang pháp lý do Nhà nước xây dựng, ban hành”.

Đồng tình về tầm quan trọng của công tác hòa giải, nhiều ý kiến đã cho rằng phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này. Một số ý kiến khác thì nói phải khuyến khích cơ chế hòa giải cá nhân (giữa cá nhân với nhau) để đưa hòa giải sát với cuộc sống hằng ngày ở cộng đồng. Có những vụ chỉ cần một cá nhân đứng ra nói vài phút là đã có thể hòa giải xong, không cần phải vận hành cả tổ hòa giải...

Hòa giải giúp ổn định xã hội

Việc ban hành Luật Hòa giải là cần thiết để tạo ra công bằng cho xã hội, đạo lý cho con người và công lý cho pháp luật vì hòa giải là nhu cầu của người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Cần hơn cả là giai đoạn tiền tố tụng, công tác hòa giải ở cơ sở phải thực chất mà mạnh nhằm giảm bớt gánh nặng cho cơ quan hành chính và tòa án.

PGS-TS NGUYỄN CỬU VIỆT, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

 Có cơ chế đảm bảo

Xu thế thích thỏa thuận thay vì phải kéo nhau ra tòa tốn kém tiền bạc, công sức đang thể hiện rõ trong suy nghĩ của người dân. Luật Hòa giải phải tạo cơ chế đảm bảo những thỏa thuận hòa giải thành được thực hiện trong đời sống. Do hòa giải là một hoạt động đặc thù nên nhà làm luật phải có chính sách quản lý khác các lĩnh vực thông thường.

Ông HOÀNG KIM CHIẾN,Phó Trưởng cơ quan đại diện của
Bộ Tư pháp tại TP.HCM

Pháp lệnh nhiều bất cập

Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề quan trọng. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hòa giải cũng chưa rõ. Trong khi đó trách nhiệm phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và tư pháp xã, phường trong công tác quản lý nhà nước chưa thực sự mạnh, gắn kết với nhau.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG - HÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm