Chuột, rắn quậy tưng phố xá - bài 1: Ám ảnh chuột Sài Gòn

“Những hôm trời mưa hay triều lên là chuột từ dưới kênh rạch chạy lên đầy đường, chui vào nhà quậy phá tưng bừng. Hầu như đêm nào gia đình tôi cũng bị chuột quấy phá. Lúc thì bị chuột cắn tung túi đựng rác rồi tha rác hôi thối khắp nhà. Lúc thì chúng chui vào mùng, gặm cắn chân con tôi đến chảy máu” - chị Phạm Thị Thủy, nhà ở gần bờ kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), ám ảnh kể.

Chuột đột kích như những… ninja

Những người dân có nhà nằm gần kênh này gần như không có ngày yên tĩnh trước sự phá phách của đám chuột. Nhiều nhà dù đã đóng kín cửa, chèn các khe hở nhưng chuột vẫn cứ lẻn vào nhà, cắn phá đồ đạc. Hóa ra, chúng đội nắp cống, chui vào nhà dân thông qua các bồn cầu. Nhất là những lúc mưa lớn, nước ngập làm “động” ổ, chuột túa ra. Nhiều hàng quán ở đây phải bố trí… một người gác cửa để ngăn không cho chuột chạy vào nhà, quậy phá. Bà Võ Thị Nhung (nhà ở đường Cống Lở, phường 15, Tân Bình) kể: “Có hôm, tôi vừa lơ đễnh một chút bọn chuột đã lôi hơn 30 viên bột bánh tiêu kéo vào góc xó cắn nát bấy. Thậm chí, bánh vừa chiên xong còn nóng hổi nhưng các “bác tí” từ dưới kênh chạy thẳng lên lao vào lôi đi tỉnh bơ!”.

Chị Tuyết (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) còn cho biết ở khu vực chị, chuột đột nhập như kiểu… ninja. Chúng đục khoét các hang ngầm dưới sân, nền nhà để chui vào nhà lùng sục thức ăn, cắn phá đồ đạc. “Sức công phá của bọn chuột thật ghê gớm, có nhà cả một mảng sân bị lún, sập do chuột đào đường hầm” - chị Tuyết nói.

Chuột, rắn quậy tưng phố xá - bài 1: Ám ảnh chuột Sài Gòn ảnh 1

Chuột, kẻ thù không đội trời chung của nhiều người. Ảnh: M.PHONG

Khổ sở nhất có lẽ là những người ở những khu nhà trọ ẩm thấp, dọc bờ kênh vì quanh năm suốt tháng phải… sống chung với chuột. “Không hiểu sao gần đây chuột ngày càng nhiều kinh khủng. Ban ngày mà chúng dám kéo cả bầy vào bếp lục tung xoong nồi tìm thức ăn, gặp thứ gì cắn thứ đó. Bực quá, tôi mua thuốc diệt chuột về rải, hôm sau thấy chúng chết la liệt khắp nơi, nhìn phát khiếp!” - chị Trần Thị Hương, SV Trường ĐH Sài Gòn đang trọ đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Tây, quận 7), kể.

Cháy xe, cháy nhà vì… chuột

Anh Nguyễn Hữu Hiệp, nhà ở chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, kể mới đây gia đình anh bị một phen đứng tim vì… chuột. “Hôm đó, vợ tôi định mở bình gas để nấu ăn thì nghe thoang thoảng mùi gas tỏa ra. Khi tôi chạy xuống kiểm tra thì phát hiện ống dẫn gas bị chuột cắn thủng một lỗ nhỏ, gas xì ra bếp. May phát hiện kịp, chứ lúc đó mà bật bếp gas lên chắc chắn bình gas đã nổ tung” - anh Hiệp nhớ lại.

Vừa dọn về nhà mới gần mé sông Vàm Thuật (phường An Phú Đông, quận 12), chưa kịp tận hưởng cảnh yên bình của vùng ven, gia đình anh Ung Thanh Dũng đã tá hỏa vì bị chuột quấy phá. “Đêm xuống chúng kéo vào nhà cả đàn, cắn nát quần áo, đồ đạc. Mấy chiếc xe máy dựng ở phòng khách cũng bị chúng cắn đứt dây dẫn điện, sáng ra đạp hoài không nổ” - anh Dũng bực bội kể. Là dân cơ khí, rành về điện, nên sau thời gian bỏ công tìm hiểu nhiều, anh Dũng kết luận chuột cũng là một trong những thủ phạm gây ra hàng loạt vụ cháy xe máy ở TP.HCM. “Rất nhiều trường hợp xe máy bị chuột cắn đứt dây điện hoặc làm thủng đường ống dẫn xăng nên khi xe nổ máy xăng sẽ bắt lửa dẫn đến cháy xe”.

Đại úy Đào Đức Hiệu, cán bộ Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, cho biết trong quá trình điều tra nguyên nhân các vụ cháy xe, cháy nhà, anh biết có khá nhiều vụ do chuột là thủ phạm. “Chúng cắn ống dẫn xăng xe, ống dẫn gas hoặc đường dây điện nhà dân nên gián tiếp gây ra các vụ cháy” - anh Hiệu nói.

Chuột, rắn quậy tưng phố xá - bài 1: Ám ảnh chuột Sài Gòn ảnh 2

Chuột lúc nhúc ở các đường cống TP.HCM. Ảnh: TNO

“Thăm” cao ốc, phá văn phòng

Ông Duy (328/76/21 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, Bình Thạnh) kể gia đình ông tốn bộn tiền để thay mới các vật dụng trong nhà do bị chuột thường xuyên cắn phá. Chỉ riêng máy lạnh ông đã phải hai lần sửa chữa, ống nước máy giặt phải thay mới vì bị bác tí cắn đứt. “Vợ chồng tôi từng chứng kiến cảnh con chuột cống to đùng lôi cả miếng keo dính đi khắp nhà, trông ớn lạnh” - ông Duy kể.

Không chỉ quậy phá ở các nhà dân, chuột hoành hành ở các cao ốc như ở cao ốc Đ. (quận Bình Thạnh), một số hộ dân tận dụng khoảng trống trên sân thượng tầng 18 để trồng rau. Nhưng rau chỉ kịp nhú mầm là bị chuột cắn phá, vặt không còn một cọng.

Nhân viên một công ty IT kể gần đây tình trạng chuột cắn phá đứt dây điện, dây mạng, bo mạch máy tính xảy ra ở khá nhiều doanh nghiệp. Tương tự, nhân viên một văn phòng nằm trên đường Cống Quỳnh (quận 1) kể công ty anh thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng chuột kêu, tiếng chân chạy lùng sục đồ đạc. Chúng cắn đứt dây điện, dây máy tính khiến công ty nhiều phen khốn đốn. Công ty anh bèn dùng hóa chất để diệt chuột. Kết quả là mấy ngày sau công ty anh không còn bị chuột quấy rầy nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy xác chuột. Thế là gần cả tuần sau đó cả văn phòng phải sống chung với mùi… chuột chết.

Mèo bất lực trước chuột

Anh Khanh (đường số 18, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết hơn một năm qua, sáng nào anh cũng phải rửa dọn phân, nước tiểu của bọn chuột trước sân nhà. Anh tìm đủ cách diệt chuột nhưng sau một thời gian chuột lại sinh sôi nảy nở đầy đàn. “Lũ chuột tinh ranh lắm, tôi dùng bẫy lồng nhưng chỉ bắt được một lần, sau đó không con nào dính nữa. Đặt keo dính chuột cũng chỉ bắt được mấy con chuột nhắt chứ lũ chuột cống thì thua. Có lần, vợ tôi nhìn thấy một con chuột to dính keo được một con khác “giải cứu” bằng cách cắn vào đuôi con kia kéo ra khỏi miếng keo, sau đó chúng cắn nát xung quanh miếng keo để thoát ra ngoài” - anh Khanh kể.

Bà Trần Kim Thành, tổ trưởng tổ 125, khu phố 8, phường 15 (Tân Bình), nhận xét: “Ở đây có lẽ chuột nhiều và to quá nên thường mèo… ngại cả chúng. Nhiều lúc thấy chuột, mèo cũng chỉ đứng nhìn và chuột cũng không e ngại gì trước sự hiện diện của mèo”. Nhiều người gần nhà bà Thành lắc đầu ngao ngán khi phải chấp nhận cảnh chung sống với chuột. Không ít người còn chủ động cung cấp thức ăn cho lũ chuột hằng ngày với mong muốn chúng ăn no sẽ thôi không đột nhập, phá phách nữa.

Quân số chuột gấp 10 lần dân thành phố

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết theo các tài liệu nghiên cứu về chuột trên thế giới, bất cứ TP nào cũng có chuột. Chúng nhiều đến nỗi, số lượng chuột ở thành phố nào cũng gấp 10 lần dân số ở TP đó, TP.HCM cũng không ngoại lệ. “Sở dĩ chúng ta thấy chuột ở TP.HCM nhiều hơn các TP hiện đại trên thế giới là vì hệ thống cống thoát nước của TP là hệ thống hở còn các nước là hệ thống kín. Do hệ thống cống hở nên chuột dưới cống chui lên nhiều, làm cho người dân có cảm giác ở đâu cũng có chuột” - bác sĩ Thọ giải thích.

Những ổ bệnh trên đường phố

Người dân TP.HCM ghét bọn chuột đến nỗi khi bẫy được chúng, thay vì đập chết bỏ thùng rác, họ lại quăng xác ra đường để xe cộ qua lại “phanh thây” chúng thêm một lần nữa. Điều này lý giải vì sao đường phố Sài Gòn đâu cũng đầy xác chuột.

Một chị công nhân vệ sinh nói do bản tính phụ nữ vốn sợ chuột, khi thấy cảnh xác chuột bị xe cán qua máu me tùm lum nên càng ghê, không dám quét dọn, thu gom xác chuột. Vì thế xác chuột trên đường cứ trơ ra đó, chỉ đến khi nát be nát bấy…

Bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nói chuột là loài gặm nhấm, mang rất nhiều vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh, nhất là bọ chét. Do đó, những xác chuột trên đường phố dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

T.THANH - M.PHONG - M.HIẾU

Kỳ tới: Rắn vào nhà phố cắn người

Lùng sục khắp nơi vẫn không thấy, anh B. đi mua dầu xịt phòng xịt vào trần nhà để trấn an mọi người. Hai ngày sau, anh B. vừa nhìn lên trần nhà thì… eo ôi, một con rắn to đùng nằm ở mép trần thạch cao đang thè lưỡi phì phò ớn lạnh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm