Chuyện người tài xế “hoàn lương” - Bài 1: Đùa với tử thần

LTS: Chỉ là câu chuyện “hoàn lương” của một người lái xe nhưng nó khiến ta phải giật mình, suy ngẫm, nhất là khi mỗi năm cả nước có trên 11.000 người chết vì tai nạn giao thông. Câu chuyện được ghi lại bởi một người cũng đang cầm lái - tác giả loạt bài, anh Trần Kiêm Hạ.

Người tài xế được đề cập trong bài là anh Phạm Văn Năm, nhà ở Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM), hiện là lái xe của Văn phòng Đại diện phía Nam Ngân hàng NN&PTNT. Trước đây, đã lên xe là Năm say tốc độ như ngựa sôi máu chiến. Năm từng treo thưởng cây thuốc lá ngoại cho đồng nghiệp nào chạy được song song với xe mình một đoạn nhưng phần thưởng đã mốc meo mà người tranh tài thì chưa thấy đến.

Ông vua cũng thua thằng liều

Có bằng lái xe hạng D, Năm gia nhập đội lái taxi, bắt đầu tranh sống với đời. Ban đầu cuộc sống có phần dễ thở, sau do nhiều hãng taxi ra đời nên nảy sinh nạn tài xế giành khách hoặc tranh lãnh địa. Năm chai lì, không biết sợ. Nhiều tài xế taxi hễ thấy số xe Năm là tránh. Chơi tay “bo”, dùng xe húc nhau hoặc thanh toán băng nhóm Năm đều chiều tất.

Một ngày ế ẩm, Năm nghe tổng đài báo có khách tại cao ốc HV, đang ở gần đó nên Năm đạp ga chạy tới. Vừa tới nơi đã thấy chiếc taxi hãng khác đang chực sẵn. Đỗ kịch ngay trước đầu chiếc taxi ấy, Năm xuống xe hằn học: “Ông xéo ngay! Khách gọi xe hãng tôi sao ông dám đến hớt tay trên?”. Người kia cự lại: “Tổng đài của tôi báo ở đây cần xe nên tôi mới đến…”. Năm nổi nóng: “Nói bậy! Tao đếm ba tiếng mày không xéo tao lùi nát đầu xe mày liền!”. Rồi Năm xăm xăm lên xe. Qua gương chiếu hậu, Năm đắc chí khi thấy chiếc taxi ấy ngoan ngoãn lùi lại rồi chạy mất. Lát sau hai người khách từ cao ốc ra mở cửa xe Năm bước lên. Chạy một quãng, Năm nghe người khách hỏi bạn mình: “Ủa, khi nãy hình như cậu cũng gọi taxi à?”. “Ừ, mình gọi hãng khác, xe nào tới trước thì đi chứ hơi đâu chờ cho mệt”. Năm nghe, hiểu ra vấn đề nhưng nghĩ bụng: “Giữa đường, chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Chuyện người tài xế “hoàn lương” - Bài 1: Đùa với tử thần ảnh 1

Sơ suất nhỏ của tài xế có thể mang lại bất hạnh cho nhiều gia đình. Ảnh: KIÊM HẠ

Bận khác, sự việc xảy ra tương tự nhưng tài xế xe kia cứng cựa hơn, anh ta thách Năm có gan thì cứ lùi xe. Năm nóng máu lùi nhẹ xe mình chỉ đủ vỡ đèn trước xe của đối phương rồi hô hoán mình bị húc từ sau tới. Hai bên gọi đồng đội tới giải quyết. Đồng bọn của Năm tới nơi thấy hiện trường như vậy tưởng xe Năm bị húc lại còn bị hiếp đáp nên ra tay tấn công làm náo loạn cả phố phường. Dù bị thương tích nhưng Năm cũng hả hê vì đã “dạy” cho tài xế taxi kia một bài học để lần sau thấy xe Năm là phải biết chường!

Chuyển sang lái xe tải đường dài, Năm càng có cơ hội chứng tỏ đẳng cấp tay lái lụa của mình. Anh từng huênh hoang tuyên bố: “Tài xế nào làm cho mình nể sẽ tôn sư phụ”. Nghênh ngang lấn đường xe ngược chiều để thử tài đối phương là bệnh cố hữu của Năm. Để đổi lấy bình an, hầu hết những tài xế ấy thường nhường nhịn. Nhưng trên đường thiên lý Bắc - Nam không phải lúc nào Năm cũng gặp người dễ bắt nạt…

“Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”

Chuyến xe hôm ấy chở hàng từ TP.HCM ra Bắc. Trời tối, đang đi trên đường tránh TP Tuy Hòa thì Năm thấy đèn xin đường liên tục của xe ngược chiều. “Mặc kệ, mày có giỏi thì húc vào tao xem sao!”. Năm ngang nhiên cho xe lấn đậm sang phần đường bên trái như thách thức. Tài xế xe ngược chiều cũng không vừa, hắn canh đúng vạch chỉ giới giữa đường mà lao tới. Đợi hai đầu xe sắp giao nhau, Năm bất ngờ lách tay lái về bên phải đưa đuôi xe mình bạt vào “mặt” đối thủ. Cú “vô-lê” hiểm ác làm kính chiếu hậu xe kia vỡ toang. Năm cười đắc thắng tiếp tục cho xe lăn bánh.

15 phút sau, chiếc xe kia bất ngờ xuất hiện trước đầu xe Năm, nhấp nháy cả bốn đèn xi-nhan từ từ cản đường buộc xe Năm dừng lại. “Thì ra hắn quay ngược đường đuổi theo mình để gây sự. Đã thế ông cho mày biết thế nào là lễ độ!”. Nghĩ vậy Năm liền cho xe dừng lại rồi bảo lái phụ và lơ xe chuẩn bị hung khí.

Chuyện người tài xế “hoàn lương” - Bài 1: Đùa với tử thần ảnh 2

Tài xế Phạm Văn Năm khi “xuống ca”. Ảnh: KIÊM HẠ

Theo kinh nghiệm, Năm cứ ngồi yên quan sát, chờ thời cơ sẽ ra tay. Từ trên xe kia bước xuống một người cao gầy, râu quai nón xồm xoàm, tay cầm ống điếu, tới đầu xe Năm anh ta bật diêm cái rẹt, rít một hơi thuốc rõ dài, nhả khói mù mịt. Xong anh ta cất giọng Bắc rổn rảng: “Tớ chặn xe cậu lại yêu cầu hai việc: Thứ nhất, chấm dứt ngay hành động côn đồ vừa rồi; thứ hai, bồi thường ngay chiếc kính vỡ cho tớ. Tớ vừa nhận chiếc xe mới toanh đã vỡ mất kính, thật rõ xui!”.

Năm liếc nhìn đối thủ. Chỉ là một gã ốm yếu, đứng như xiêu vẹo và chắc chỉ đi một mình vì ca-bin xe hắn tối thui. Năm ra hiệu cho hai đồng sự cùng nhảy xuống, cả ba nhanh chóng vây gã tài xế ấy vào giữa, không nói một lời, Năm vung nhị khúc nhắm ngay vào đầu đối phương. Một tiếng “á” vang lên. Đòn của Năm đã giáng trúng vào đầu… phụ xe của mình. Góc bên này, tài phụ của Năm cũng nhanh chóng vung tuýp sắt tung đòn. Một tiếng “bốp” khô khốc vang lên. Người trúng đòn lần này là Năm, máu đầm đìa cả mặt.

Thì ra đối thủ của Năm nãy giờ chỉ xê dịch vị trí và kéo đối phương đỡ đòn thay cho mình. Tay vẫn ung dung cầm điếu cày, anh ta cười ha hả: “Rõ khổ, sao chúng mày lại đánh nhau thế! Nghe đây, chiếc kính của tớ giá 200.000 đồng, tớ không có thời gian quay lại Đà Nẵng để mua. Chúng mày đưa gấp 10 lần tớ giữ làm tin, lúc nào có kính đem lên công trường thủy điện Sông Hinh hỏi Âu “lắp”, tớ sẽ hoàn đủ không thiếu một xu”.

Năm và gã phụ xe chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp hiểu vì sao mình lại bị hạ gục nhanh đến thế thì từ trên xe đối phương bước xuống hai người nữa, cũng râu ria lởm chởm như người rừng. Năm không còn hồn vía nào chống cự, ngoan ngoãn ra hiệu phụ xe trao tiền và xin giữ chiếc kính vỡ làm mẫu để mua trả lại.

Người tài xế cầm tiền rồi tự nhiên đổi ý trả lại, cũng oang oang: “Thôi, đồng nghiệp với nhau ai lại làm thế, coi sao được, lúc nào có điều kiện đem trả lại kính cho tớ. Bọn tớ là những lái xe rừng sâu, lâu lâu được xuống đồng bằng mục sở thị mới tin rằng lái xe bây giờ sống tệ quá. Thật rõ chán!”.

Xe lên đỉnh đồi Thơm, Năm cho xe nghỉ lại. Cả bọn không nói với nhau một lời nhưng lòng Năm như dậy sóng, vừa nhục nhã căm hận, vừa nể phục người tài xế ấy. Hắn là ai mà đầy kiêu bạc đến thế? Vừa kiên quyết không dung cái sai lại vừa sẵn lòng tha thứ. Đối xử với mình như mèo vờn chuột nhưng không hề o ép. Hóa ra mấy lâu nay mình chỉ là kẻ xoàng xĩnh nhưng lại hợm mình học đòi làm người kiêu bạc…

Sáng hôm sau, anh sai phụ xe lắp chiếc kính bể ngay dưới kính chiếu hậu xe mình, một nơi luôn đập vào mắt tài xế…

Thói đời

Khi còn lái taxi, dù dễ kiếm tiền hơn các đồng nghiệp khác nhưng lúc nào Năm cũng về nhà trong tình trạng cháy túi do sa vào chuyện ăn chơi. Bắt đầu chỉ là những bữa nhậu mừng thắng lợi giành lãnh địa với nhóm khác, lần hồi, Năm ghiền nghe hai tiếng “đại ca” từ miệng nhiều đồng nghiệp tâng bốc. Muốn đàn em khâm phục, “đại ca” phải luôn tỏ ra hào hiệp, chi nhiều.

Để có nhiều tiền, Năm đã gian lận cước phí của hãng taxi bằng thiết bị tự tạo. Việc làm của Năm lâu ngày cũng bị lộ. Trớ trêu thay, những “chiến hữu” hằng ngày tâng bốc Năm giờ lại bỏ phiếu kỷ luật loại anh ra khỏi hãng. Năm lặng lẽ cuốc bộ về nhà trong nỗi đắng cay, hằn học. Sau đó, Năm trở thành tài xế xe tải đường dài.

TRẦN KIÊM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm