Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 1: Phận đời trên bọt nước

Nhưng cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều vất vả. Ký ức về sự đói nghèo, cách trở như mới hôm qua.

Phá Tam Giang là nơi hội tụ của ba con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển qua cửa Thuận An.

“Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”

Sử còn ghi lại, nơi địa đầu tỉnh Quảng Bình ngày nay có một vùng đất rộng lớn cạnh vùng Hồ Xá (Quảng Trị) nên gọi là truông nhà Hồ. Ngày xưa vùng này nổi tiếng nhiều trộm cướp. Còn phá Tam Giang có khúc cạn, khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Nhiều thuyền bè qua lại bị sóng cuộn bất ngờ bị đắm chìm. Cho nên trong dân gian có câu: “Thương em anh cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Bây giờ, người ta không còn sợ phá Tam Giang như xưa. Nhưng với người dân vùng Ngũ Điền (năm xã phía đông bắc phá Tam Giang) thì “con đường” qua phá còn lắm gian nan, cách trở.

5 giờ sáng, trên bến đò Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), hàng trăm người cùng tôm cá đã chen chúc qua đò. Trên chuyến đò đầu tiên này có cả thầy cô giáo, viên chức cố cho kịp giờ lên lớp với những học trò nghèo bên kia. Người đông, con đò chòng chành như chiếc lá. Ông Nguyễn Văn Cư, một người dân ở đây kể: “Trời yên bể lặng thì không hề hấn gì chứ ngày mưa bão thì khổ ải lắm, tính mạng giao cho con đò”.

Ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, kể: “Mới 20 năm trước, nhiều anh cán bộ khi được tổ chức điều về đây công tác là rợn tóc gáy. Cuộc sống khi ấy khó trăm bề, không đường, không điện, không trường, trạm y tế”. Theo ông Đính, quê hương dù có bước phát triển thay da đổi thịt nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, việc giao thương giữa địa phương với thành phố cách trở đò giang. Con cá, con tôm làm ra không có đường đưa đi tiêu thụ, phải bán với giá rẻ vì bị thương lái ép”.

Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 1: Phận đời trên bọt nước ảnh 1

Bao đời nay dân Tam Giang vẫn còn ám ảnh những chuyến đò ngang. Ảnh: HỮU KHÁ

Nhọc nhằn nữ ngư phủ

Chiều tối mịt, chị Phạm Thị Thuận (46 tuổi, ở thôn Thủy Diện, xã Phú An, huyện Phú Vang) lê từng bước ra khỏi sân nhà rồi mệt nhọc leo lên chiếc xe lăn để ra chiếc thuyền nan bắt đầu một đêm đánh cá. Chị sinh ra chân phải bị cụt tận cổ chân, cổ chân trái bị teo tóp, tay trái chỉ có ba ngón dính liền nhau, tay phải có đủ năm ngón nhưng lại ngón ngắn ngón dài...

Bến cá có vô số rác rưởi, bao nylon, sắt vụn, mẻ chai mà dân làng vứt xuống. Xuống xe lăn, chị dùng đôi dép nhựa đeo vào hai đầu gối rồi bò xuống thuyền. “Lúc trước, đầu gối tui lúc mô cũng chảy máu vì mẻ chai, đêm về nằm ngứa không chịu nổi” - chị kể.

Chị vận hết sức mình vào cánh tay không lành lặn để chèo ra khỏi bến cá. Chèo khoảng vài nhịp thì chị dừng lại rồi cầm vợt quét một vòng để xúc cá. Suốt đêm chỉ xúc được vài ba cân cá nhỏ, chị Thuận cười trừ: “Chừng ni cá đủ hai mẹ con tui ăn cả ngày rồi!”.

Bà Nguyễn Thị Chót, mẹ chị, đã gần 70 tuổi. Chị kể: “Sau ngày cha mất, mấy đứa em đi ở riêng, hai mẹ con sống khổ quá nên tui đánh liều tập đi đánh cá. Lúc đầu chân đau lắm, tay vụng về chèo mãi không được. Nhiều người khuyên đừng đi làm nghề cá vì giữa đêm ở dưới nước nếu lật thuyền là chết liền. Nhưng tui phải liều mà đi làm chứ ai nuôi mình, nuôi mẹ già”.

Cũng như chị Thuận, bà La Thị Tạo (56 tuổi, ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) một mình chèo thuyền đi bủa lưới xếp dọc theo con phá. Từ khi người chồng qua đời vì bệnh cao huyết áp, bà như thân cò đêm đêm mò mẫm đi kiếm ăn một mình.

Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 1: Phận đời trên bọt nước ảnh 2

Ước mơ con chữ của những đứa trẻ này vẫn còn xa ngái. Ảnh: HỮU KHÁ

Chúng tôi tìm về thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, Phú Vang khi trời sập tối. Làng xóm vắng tanh, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, người lớn đã đi đánh cá ngoài phá. Vợ chồng anh La Hợi, chị Trần Thị Hiền kể từ khi họ lấy nhau, chỉ trừ những ngày mưa to gió lớn, lễ tết, ngày nào sau bữa cơm chiều là hai vợ chồng cùng nhau đi bủa lưới. Căn nhà chỉ còn lại bốn đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 16 tuổi, nhỏ nhất bảy tuổi ở lại giữ nhà.

Cạnh đó, hai vợ chồng chị Trần Thị Ngò (43 tuổi) cũng làm nghề bủa lưới. Chị cho biết: “Lúc trước cả nhà tui sống trên đò, cứ đêm mô cha mẹ đi bủa lưới là cả nhà đi theo. Đi mãi cũng biết nghề, đến khi lấy chồng thì hai vợ chồng lại làm cái nghề ni để nuôi con”.

Có lần chị suýt chết khi mang thai đứa con thứ hai được bảy tháng. Đêm đó gặp sóng to, gió mạnh thổi chiếc thuyền nan dạt ra cửa biển. Hai vợ chồng chèo đến kiệt sức cho đến khi thuyền sắp chìm. Họ đánh liều cột phao vào người rồi để trôi trên mặt nước. May mắn sóng đẩy họ tấp vào đê chắn sóng và được một chiếc tàu cá cứu sống.

Nơi trẻ con đói chữ

Trong bốn đứa con của chị Ngò thì ba đứa học chưa hết lớp 6 đã bỏ học, hiện chỉ còn đứa con gái cuối đang học lớp 6. Còn bốn đứa con của chị Trần Thị Hiền thì đứa đầu 16 tuổi chưa học qua lớp 1, đứa thứ hai, đứa thứ ba chưa từng được đi học, còn đứa út đang học mẫu giáo. Chị Hiền buông thõng một câu nghe chạnh lòng: “Nhà nghèo, nợ nần nhiều nên mấy đứa nhỏ cũng chẳng thích đi học nữa”.

Ông Huỳnh Văn Ngợi, trưởng thôn Tân Lập, cho biết toàn thôn có 167 hộ với 875 khẩu, hơn 70% dân số làm nghề bủa lưới. Ở thôn này những người từ 25 tuổi trở lên hiếm có người nào biết chữ, mỗi lần làm giấy tờ đều phải điểm chỉ. Nhiều người làm cha, làm mẹ không nhớ nổi cả tên tuổi của con mình.

Tam Giang đang đối diện với nhiều nỗi lo. Nhiều loài thủy sản biến mất đang báo động về tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng do người dân sử dụng các ngư cụ có tính chất hủy diệt đánh bắt ồ ạt. Ông Nguyễn Hộ, lão ngư sống trên phá, lo lắng: “Trước đây dân chỉ thả một tay lưới là kiếm được thức ăn một bữa cơm cho cả nhà. Thanh niên đứa nào nhác thì bị rủa câu “Mai mốt lớn chỉ bắt ốc mà sống!”, vậy mà giờ muốn bắt ốc cũng không còn mà bắt!”.

“Rừng U Minh” ở Tam Giang

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Rộng 52 km2, kéo dài 24 km từ cửa sông Ô Lâu, phía nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, được hình thành và tồn tại hơn 2.000 năm.

Theo số liệu điều tra mới đây của ngành chức năng, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có nguồn gien cao nhất so với các đầm phá ở Việt Nam, gồm 921 loài thuộc 444 chi, giống và 340 họ. Trong đó có 235 loài cá với 25 loài cá kinh tế, 12 loài tôm, 18 loài cua cùng nhiều loại trìa, sò huyết, rau câu... Chim có 73 loài, trong đó có 30 loài di cư có số lượng lớn như ngỗng trời, sâm cầm, sếu, vịt trời, cò, chắt chân đỏ... Ngoài giá trị to lớn về môi trường sinh thái của tiểu vùng khí hậu Trung Trung Bộ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn ẩn chứa một tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa đặc sắc. Tam Giang có rú Chá - rừng ngập mặn đặc hữu của phá. Cây chá ở đây gần như cây sú - vẹt ở duyên hải phía Bắc hay cây mắm - đước ở rừng U Minh (Cà Mau), có tốc độ tăng trưởng thần tốc và sức lấn biển thần kỳ.

Nhiều người đến Tam Giang quả quyết rằng ăn con cá trên suốt dọc chiều dài đất nước không ở đâu ngon bằng con cá trên phá Tam Giang bởi nó có mùi… đầm phá, mùi rong tảo đặc trưng chỉ có nơi phá Tam Giang này.

HỮU KHÁ - TRẦN QUANG

Bài 2: Bắc cầu qua “biển cạn”

Ước mơ nối những nhịp cầu qua phá Tam Giang đã trở thành hiện thực. Một trang mới sẽ đến với cuộc đời của người dân vùng đầm phá này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm