Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 2: Bắc cầu qua “biển cạn”

Thuở chưa có cầu, việc đi lại trên phá Tam Giang phụ thuộc hoàn toàn vào con đò. Không biết bao nhiêu chiếc đò ngang, đò dọc chìm và bao người đã chết.

”Kỵ đò” trên phá

Ông Ngô Văn Kệ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, kể rằng theo lời cha ông: “Đó là một ngày mùa đông mưa bấc, một con đò nan chở 23 người dân từ Quảng Ngạn lên Huế. Con đò vừa rời bến độ nửa tiếng đồng hồ thì bất ngờ gặp cơn gió mạnh. Đò lật, tất cả những người có mặt hôm đó chết mất xác”.

Sau vụ chìm đó ấy, dăm ba tháng ở vùng này lại xảy ra một vụ chìm đò, thường thì có hai, ba người thiệt mạng. Dân các xã ven phá truyền tai nhau rằng những vụ chìm đò tiếp sau là do bị vong hồn của những người trong vụ chìm đò ngày 23-10 kéo xuống nước. Họ bàn nhau để tránh những vụ chết chóc thì phải trả lễ và chọn ngày 23-10 hằng năm làm giỗ tập thể để “đưa những vong hồn đang còn nằm dưới nước lên bờ”. Trong ngày kỵ người ta thả rất nhiều áo giấy xuống phá. “Còn gia đình có thân nhân chết trong vụ chìm đó năm ấy cũng tổ chức kỵ rình rang để mong con cháu đi trên phá không bị ông bà bắt” - ông Nguyễn Văn Bi, người nhiều năm đi đò dọc trên phá Tam Giang kể.

Cây cầu lịch sử

Trước năm 1989, Tam Giang hoàn toàn cô lập. Ông Nguyễn Văn Thược, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, gọi đó là “những ngày đói nghèo nhất”. Chỉ cách thành phố chưa đầy 20 cây số nhưng đi đến nơi cũng lồi con mắt. Ngày mưa thuyền chèo tay không dám sang phá, trẻ em phải nghỉ học. Dân các vùng xứ Ngũ Điền (Quảng Điền) muốn lên Huế chèo cả ngày không đến. Ngày nắng còn chịu được chứ ngày mưa thì vô cùng khổ ải. Muốn qua phá để đến được chợ lớn bán gia súc đổi lấy mắm muối, thuốc men cũng đành chịu. Khổ nhất là người bệnh, lúc nguy kịch cũng chỉ còn cách bó tay, nằm chờ… chết. Thầy Phạm Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Thuận An (huyện Phú Vang), nhớ lại: “Khi chưa có cầu chúng tôi phải đi dạy từ lúc 3, 4 giờ sáng đợi đò cho kịp giờ lên lớp… Lương nhận ra đủ ăn 10 ngày, 20 ngày còn lại là đói. Lúc tôi làm quản lý, tôi hỏi một thầy giáo tại sao sáng nay bỏ dạy, em ấy nói do đói quá, không thể nhấc chân lên lớp được. nghe mà xót xa!”.

Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 2: Bắc cầu qua “biển cạn” ảnh 1

Cầu Ca Cút sắp được khánh thành sẽ xóa đi cách trở bao đời nay của người dân các huyện Quảng Điền và Hương Trà. Ảnh: HỮU KHÁ

Đến năm 1989, dân bên bờ phá Tam Giang vui như hội thi, chứng kiến sự kiện lớn nhất kể từ sau ngày giải phóng: Cây cầu đầu tiên bắc qua phá Tam Giang.

Nhưng cầu Thuận An chỉ giúp cho dân các vùng huyện Phú Vang thoát cảnh lụy đò. Còn với người dân phía bên kia huyện Quảng Điền thì vẫn tiếp tục kiếp đò ngang. Ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngạn, nói: “Như đợt lũ khủng khiếp năm 1999 hay cơn bão số 9 vừa rồi, hàng vạn dân ở phá Tam Giang bị cô lập với thế giới bên ngoài. Thiếu lương thực, mất điện, người dân bất chấp tính mạng chèo thuyền vớt củi, mót cá sống cùng dịch bệnh”. Cái dốt đi liền với cái nghèo, người dân chỉ mong sớm có cây cầu để đường học của các cháu được nối dài thêm chút nữa.

Ông Đính vui mừng nói: “cầu Ca Cút sắp được khánh thành sẽ mở ra một trang sử trong đời sống của người dân bao năm đói nghèo; khép lại bao nỗi tang thương, bao vụ chìm đò”.

Ước mơ nối những nhịp cầu

Sau cầu Thuận An, các cầu mới như Tư Hiền, Trường Hà, Ca Cút vươn mình qua phá. Ngày khánh thành cầu cũng là một ngày lịch sử trong đời mỗi người dân phá Tam Giang.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh đang triển khai đề án xây dựng và phát triển kinh tế dài hạn vùng đầm phá đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 bằng các chương trình cụ thể. Mới đây, Thủ tướng cũng đã ký phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020”. Quyết định nêu rõ mục tiêu đề án, phấn đấu đến năm 2020, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng và trở thành khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước nói chung. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này bằng 90% mức bình quân chung của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chuyện trên phá Tam Giang - Bài 2: Bắc cầu qua “biển cạn” ảnh 2

Anh Nguyễn Văn Dỏ thắp hương cho vong linh ông bà, chú bác còn trôi nổi trên phá.
Ảnh: HỮU KHÁ

Dự kiến ngày 19-5, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tổ chức khánh thành cầu Ca Cút bắc qua phá Tam Giang. Cầu Ca Cút được xây dựng tại xã Hương Phong, huyện Hương Trà với tổng kinh phí đầu tư 311,56 tỉ đồng. Cầu Ca Cút thông xe nối liền tuyến quốc lộ 49 ven biển, các khu dân cư phía bắc vùng đầm phá Tam Giang với thành phố Huế, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xóa đi cách trở đò giang bao đời nay của người dân vùng đầm phá. Cùng với ba cây cầu bắc qua phá Tam Giang (Thuận An, Trường Hà và Tư Hiền) đã đưa vào sử dụng, cầu Ca Cút sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa các xã miền biển và đồng bằng tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Gia đình có 28 người chết trong đêm bão

Anh Nguyễn Văn Dỏ (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) kể rằng ông nội anh sinh được sáu người con. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, mỗi người được cha mẹ cho một con thuyền lúc ra riêng. Cả đại gia đình có ba thế hệ với 34 người sinh sống trên sáu con thuyền. Họ ngày ngày theo đuôi con cá đến khi tắt mặt trời lại neo đò quần tụ bên nhau.

Đêm 15-10-1985, trời bão lớn. Lúc này có hơn 100 con thuyền đang neo trên phá. Gió đánh đứt dây neo, cuốn phăng từng chiếc rồi hất ngược lên. Đò nhà Dỏ bị lật, anh kéo tay đứa em trai lả người vô định theo dòng nước rồi may mắn được sóng đánh dạt vào bờ, ngất xỉu.

Dỏ kể: “Sáng sớm tỉnh dậy tui không thấy cha mẹ và lo sợ khi nghĩ cha mẹ đã chết. Chiều hôm gặp nhau, cả nhà tôi ôm nhau trong tiếng khóc.

Nhưng sau một phút định thần, ba tôi hoảng loạn vì dân làng báo là cả nhà ông tui và các chú đã bị chìm thuyền. Tất cả 28 người trong gia đình tôi không còn nữa. Tui với đứa em trai lênh đênh hai ngày trời trên phá thì tìm được xác ông nội tấp vào gần cửa biển. Mấy ngày sau chúng tôi vớt được tám xác của người thân, lúc này thân thể đã bị phân hủy nên vớt lên chở thẳng về phía cồn Sơn chôn cất.

Kể từ ngày đó anh em tui xuôi ngược khắp con phá này tìm kiếm. Đã gần 30 năm rồi nhưng gia đình vẫn nuôi hy vọng là có ai đó ở vùng này vớt được xác người thân năm bão đó rồi chôn cất để nhà tui đến xin về”.

Đã 25 năm sau “cái chết” của đại gia đình, nỗi đau vẫn chưa nguôi. Ngày 1-9 âm lịch hằng năm, cả nhà làm giỗ chung 28 người thân xấu số. Đám giỗ chỉ có mân cơm với vài con cá bắt từ phá nhưng năm nào cũng không thiếu mặt ai. Về để thắp cho vong linh ông bà, chú bác còn trôi nổi trên phá một nén hương. Có hôm anh em đến đám giỗ không ai nói được câu gì, chỉ ôm mặt khóc.

Dỏ khoe: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi và gia đình là đứa con đầu Nguyễn Văn Thời đã vào đại học. Thời là đứa duy nhất của cả dòng họ học hết lớp 12, hiện là sinh viên năm thứ nhất Đại học Huế. Vợ chồng tui nghèo cả đời rồi, giờ có cực đến mấy cũng cố bòn con cá, con tôm để đổi chữ cho con. Nó đã được lên bờ rồi đó!”.

HỮU KHÁ – TRẦN QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm