Chuyện xứ dừa - Bài 1: “Vua dừa” ở cồn Ốc

Mười mấy năm sau, ông trở thành người trồng dừa nổi tiếng nhất châu Á…

Gần một trăm năm trước, vùng cồn Ốc (xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) đã bạt ngàn những rừng dừa. Loài cây có giá trị kinh tế cao này đã được người Pháp quy hoạch để khai thác tiềm năng của thuộc địa. Theo thời gian, dừa mỗi lúc một nhiều lên ở khắp vùng Bến Tre trù phú.

Từ trái dừa lạ…

Ông Thưởng nhớ lại, gia đình ông đã có truyền thống trồng dừa từ thuở sơ khai đến nay. Sau ngày đất nước giải phóng, những vườn dừa bạt ngàn này tiếp tục là nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống cho dân cư miệt vườn.

Năm 1993, cây dừa đột nhiên mất giá. Đi đến đâu trên khắp tỉnh Bến Tre cũng đều nghe chuyện đốn dừa để trồng cây ăn trái khác. Người ta vứt trái dừa ngổn ngang. Thân dừa chỉ để làm củi đốt vì giá thành một cây dừa làm gỗ còn rẻ hơn một bao xi măng. “Sản lượng nhiều dẫn tới dư thừa, trong khi đó giống không được cải thiện nên dừa mất vị thế. Bản thân tôi cũng phải xuống tay chặt bỏ hàng loạt cây dừa trong vườn. Chặt cây, đau không khác mình bị cưa chân mà vẫn phải làm!” - ông Thưởng nhớ lại.

Một buổi sáng, trong lúc ra vườn để tiếp tục đốn bỏ dừa, vô tình ông hái được một trái dừa khô có hình dạng bất thường. Cuống trái dừa bè ra, chĩa ngược lên trời như cánh chim phượng đang nâng trái dừa bay cao. Lão nông Đỗ Thành Thưởng lặng người ngắm trái dừa lạ. Bất giác ông liên tưởng hay là có điềm báo cho tương lai xán lạn trở lại của cây dừa? Ông trầm ngâm nhớ lại: “Tôi ngồi nghĩ ngợi rồi phân tích, biết đâu khi người ta đốn hết sẽ nảy sinh thiếu dừa cung ứng cho thị trường. Biết đâu mình giữ lại những cây dừa này lại hay”. Vứt cây rựa, ông ào chạy đi tìm cán bộ của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu Việt Nam bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ kỹ thuật để trồng dừa trở lại.

Cơ duyên run rủi ông được gặp một nhân vật mà cuộc gặp gỡ này đã góp phần thay đổi rất nhiều tư duy khoa học cũng như niềm tin có thể thắng lớn với cây dừa trong ông. Đó là Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người đã quá nổi tiếng với các công trình bảo tồn, nghiên cứu phát triển cây trồng tại Việt Nam.

Chuyện xứ dừa - Bài 1: “Vua dừa” ở cồn Ốc ảnh 1

Lão nông Tám Thưởng đang kiểm tra chất lượng dừa dứa, ông muốn nước dừa phải thật thơm ngon khi tới tay người thưởng thức. Ảnh: Thanh Nhã

Ông kể: “Tiến sĩ Hạnh cứ hỏi đi hỏi lại là có đúng là tôi thích trồng dừa không. Chị ấy cho giống mà còn nghi ngờ. Để hóa giải nghi ngờ, hôm sau tôi lên Sài Gòn gặp chị và thuê xe chở giống về. Cả xóm thấy vậy ai cũng ngao ngán lắc đầu, có cả những lời xầm xì lo lắng giùm tôi. Chị Hạnh nói để cây khỏe mạnh thì cây con phải được ươm trong bầu và không được làm đứt rễ, gây mất sức sinh trưởng”.

Giống dừa ông đem về là loài lai dừa cao Tây Thi và dừa lùn Malaysia. Niềm tin và tình yêu cây dừa lại quay về trong trái tim lão nông một đời gắn bó với dừa như một phần thân thể.

Thành công

Thông thường một cây dừa con từ lúc trồng đến khi cho trái phải mất thời gian tối thiểu năm năm. Đó là khoảng thời gian thử thách vô cùng nghiệt ngã với ông Thưởng. Bởi lẽ kinh tế gia đình đang khó khăn, dừa không có giá cao lại phải chờ đợi quá lâu trong lúc tuổi ông đã xế chiều. Thế nhưng chính trong hoàn cảnh đó, cây dừa mới đã không phụ lòng người…

Hai năm kể từ ngày trồng, những cây dừa trong vườn của ông cho lưỡi mèo (hoa dừa) và bắt đầu cho trái. Lão nông như không tin vào mắt mình. Từ đầu bên kia điện thoại, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cũng vỡ òa trong niềm vui và ngạc nhiên.

Vốn từng là sinh viên ngành vật lý học ở Hà Nội khi còn trai trẻ, ông Thưởng tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng ông phát hiện thì ra bấy lâu nay để kiếm thêm thu nhập ông đã trồng xen canh cam, quýt và chanh trong vườn dừa. Trong quá trình bón phân cho các loài cây này, cây dừa đã “ăn theo” phân mà phát triển. Quy luật bón phân này hoàn toàn trái ngược với tập tục trồng dừa bên mương rồi bỏ mặc cây tự lớn tồn tại hàng trăm năm ở đây. Từ đó mỗi lần chăm sóc vườn, ông Thưởng lại tỉ mẩn ghi chép nhật ký, theo dõi cây để bón phân phù hợp. Theo ông Thưởng, cây dừa nếu bón phân có nhiều clo cây sẽ bị điếc trái.

Không chỉ tìm ra quy luật phân bón, lão nông Đỗ Thành Thưởng còn dốc công tìm hiểu vì sao dừa Giồng Trôm thơm ngon nhất nước. Ông giải thích: “Vì vùng này mỗi năm có ba tháng nước mặn từ biển vô gây lợ nước trồng. Năm nào mặn quá thì trái nhỏ, nước ngọt quá thì trái lại bình thường. Nước lợ thì lượng dầu trong cơm dừa, các loại vi chất và độ ngọt của nước dừa cũng tốt hơn. Vì vậy hệ thống mương cũng cần được theo dõi để dung hòa…”.

Những may mắn lại tiếp tục đến với ông khi trong quá trình trồng những giống mới từ các nhà khoa học cung cấp, vô tình thiên nhiên lại tạo ra cho ông thêm nhiều loài dừa chất lượng. Chỉ tay vào những cây dừa núm trái to hơn bình thường, sản lượng 140 trái/cây/năm, ông cho biết do côn trùng thụ phấn nhiều cây với nhau nên trái tự nhiên tốt hơn. Một trong những lần vô tình đó đã đưa một sản phẩm dừa vườn nhà ông để thế giới biết đến. Đó là loài dừa dứa, có nước ngọt, béo và thơm mùi đặc trưng như nước lá dứa. Đến nay những giống dừa này ngoài việc cung ứng thị trường nội địa (giá bán 10.000 đồng/trái tại vườn) đã được ông xuất đi thị trường châu Á và cả châu Âu tuy sản lượng còn khiêm tốn.

Từ thành công của ông, nhiều hộ dân bắt đầu trồng lại dừa có cải thiện chất lượng giống nên những vườn dừa đạt 50-80 triệu đồng/ha mỗi năm không còn là chuyện lạ.

Chuyện xứ dừa - Bài 1: “Vua dừa” ở cồn Ốc ảnh 2

Internet là công cụ hữu hiệu để ông quảng bá dừa Bến Tre và tìm hiểu thông tin. Ảnh: Thanh Nhã

Đau đáu với tương lai của… dừa

Năm 1999, lão nông Đỗ Thành Thưởng đã có trong tay hơn 20 giống dừa quý. Ngoài công việc phát triển kinh tế với thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, ông cũng đã bảo tồn thành công nhiều giống dừa địa phương. Thành tích đó đã đưa tên tuổi của ông ra khỏi ranh giới Việt Nam mà cụ thể là giải thưởng Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam và tiếp theo là danh hiệu Cây cuộc sống do tổ chức Hiệp hội Dừa châu Á-Thái Bình Dương trao tặng.

Nhiều địa phương trong cả nước đã cử người tìm đến tận nhà ông để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều tổ chức, hội đoàn cũng mời ông đi khắp nơi để nói chuyện về kinh nghiệm trồng dừa phát triển kinh tế. Mỗi lần như thế, ông đều tận tâm giảng giải, bộc bạch hết những gì mình biết, tuyệt đối không giấu.

Cả một đời gắn bó với cây dừa chưa bao giờ ông tự cho phép mình ngơi nghỉ dù chỉ một ngày.

Hiện nay lão nông này đã lắp đặt máy tính có kết nối Internet tốc độ cao để liên tục cập nhật thông tin về cây dừa. Ông còn nhập một hệ thống máy ép dầu dừa để chế biến mỹ phẩm và dược phẩm. Ông Thưởng cho biết ở Mỹ, người ta bán một lọ dầu dừa 100 ml mùi rất thơm có giá 150 USD. “Về kỹ thuật thì tôi đã nắm được, vấn đề bây giờ là đầu tư công nghệ ép dầu này và tìm hiểu thị trường nước hoa từ cây dừa thế nào. Nếu thử nghiệm thành công, tôi tin cây dừa Bến Tre sẽ tiếp tục vươn tầm xa hơn nữa. Tôi còn một ước mơ nữa, đó là thực hiện một bảo tàng dừa để du khách tham quan và thế hệ sau hiểu hơn về đời sống dừa ở Bến Tre”. Ông nói rồi chỉ tay ra vườn dừa xanh um, đôi mắt ánh lên niềm tin.

THANH NHÃ

Bài 2: Bà ngoại leo dừa

Chị là nhân vật chính trong bộ phim Bà ngoại leo dừatừng nhận giải Cánh diềubạc 2009. Cái nghèo đã đẩy chị đến với cái nghề leo dừa thuê vốn chỉ dành cho đàn ông và mãi không thoát ra được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm