TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH:

Có nên xử lại bản án của Tòa tối cao?

Cạnh đó, việc xem lại những bản án giám đốc thẩm của TAND Tối cao khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng cũng gây nhiều tranh cãi…

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành quy định những bản án “có vấn đề” nhưng đã có hiệu lực pháp luật và hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (một năm) thì không ai có quyền xem xét lại.

Kháng nghị án hết thời hiệu

Trong dự luật tố tụng hành chính sắp được thông qua đã bổ sung thủ tục khi gặp những bản án này, viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao được quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Quý Tỵ, quy định mới này rất tiến bộ, khắc phục được sai sót của các bản án hành chính mà trước nay pháp luật chưa trao cơ hội xem xét lại, cải thiện được tình trạng đương sự bức xúc khiếu nại kéo dài, gay gắt.

Đồng tình, một thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương nhận xét đưa quy định trên vào dự luật là rất cần thiết. Thực tế có nhiều trường hợp đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm của đương sự gửi từ rất sớm nhưng người có thẩm quyền chưa kiểm tra được ngay, khi phát hiện sai sót thì đã hết thời hạn kháng nghị khiến quyền lợi chính đáng của đương sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng có những ý kiến quan ngại rằng nếu đưa thủ tục này vào dự luật thì nghiễm nhiên quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm không còn ý nghĩa nữa. Việc quy định một thời hạn cụ thể là nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết công việc hay tự bảo vệ quyền lợi. Chưa kể, một bản án hành chính kéo dài quá lâu sẽ không tốt cho sự ổn định của xã hội. Ngoài ra, nếu vụ án đã thi hành xong còn bị xem xét lại thì liệu có khắc phục được các hậu quả xảy ra?

Có nên xử lại bản án của Tòa tối cao? ảnh 1

Việc đưa án hết thời hiệu vẫn được xem xét giám đốc thẩm vào dự luật sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân trong các vụ án hành chính. Trong ảnh: Người dân đang tra cứu thông tin các vụ án tại TAND TP. HCM. Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú khẳng định không cần phải lo ngại tình trạng “loạn” việc án hết thời hiệu vẫn được xem xét giám đốc thẩm vì nó không phổ biến và chỉ được áp dụng với những trường hợp đặc biệt, điều kiện cũng rất cụ thể, chặt chẽ. Hơn nữa, tác dụng của thủ tục này thể hiện ở chỗ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự khi lỗi để quá thời hạn kháng nghị thuộc về phía tòa. Ngoài ra, nó còn phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là tạo điều kiện tối đa cho người dân trong các vụ án hành chính.

Xem lại cả án giám đốc thẩm?

Một vấn đề lớn nữa được đề xuất đưa vào dự luật là có nên quy định một thủ tục đặc biệt để kháng nghị giám đốc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sai phạm hay không.

Pháp luật hành chính hiện chưa cho phép cơ chế này. Dù vậy vẫn có luồng quan điểm đổi mới, ủng hộ việc xem xét lại với sự tham gia của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nếu tại phiên họp có ba thành viên trên cùng 2/3 thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết thì chánh án TAND Tối cao có quyền kháng nghị.

Điều này không vi phạm Hiến pháp và vẫn đảm bảo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của chính mình cũng giống như việc Quốc hội xem xét lại những văn bản pháp luật đã ban hành nhưng không phù hợp. Nó vừa đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi hợp pháp của người dân, vừa phù hợp với chủ trương tạo điều kiện để cơ quan, cá nhân tự sửa chữa sai lầm.

Một luồng quan điểm khác cũng đồng tình nhưng đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt lúc đầu. Cụ thể, sau khi chánh án TAND Tối cao kiến nghị thì Chủ tịch nước hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập họp Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có sự tham gia của viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nếu đại diện hai cơ quan này và 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhất trí thì chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao sẽ có quyền kháng nghị. Sau đó, bản án, quyết định giám đốc thẩm sai lầm sẽ được xử lại bởi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Án phải có điểm dừng?

Xung quanh cơ chế xem lại bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có người nói vụ án nào cũng phải có điểm dừng nên dù biết có sai lầm cũng phải chấp nhận. Có người lại bảo đây là những trường hợp cá biệt, hiếm khi xảy ra nên không cần khái quát thành quy phạm pháp luật.

Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp Hà Văn Thượng còn lo ngại vụ án kéo dài không cần thiết. Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh thì cho biết ở các nước không ai xử lại quyết định giám đốc thẩm cả...

Một luật sư đoàn TP.HCM đề xuất chỉ nên có cơ chế khắc phục hậu quả thì sẽ hợp lý hơn. Chẳng hạn, Chủ tịch nước hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết thành lập ủy ban đặc biệt để xem xét việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Trình tự, thủ tục, biện pháp bồi thường sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Nâng cao chất lượng xét xử trước

Tôi đồng ý chủ trương xem xét giám đốc thẩm bản án sai nhưng hết thời hạn kháng nghị. Nhưng trước mắt phải nâng cao chất lượng xét xử của tòa các cấp để giảm tối đa án xử sai. Quan trọng hơn là tăng cường việc kiểm tra giám đốc thẩm của các tòa tỉnh, thành. Tôi thấy chất lượng các phòng giám đốc kiểm tra hiện nay của các tòa làm việc chưa tốt, ít phát hiện các vụ án có vấn đề. Nếu tòa tỉnh làm tốt thì sẽ chẳng có bản án nào hết thời hạn mà không được kháng nghị giám đốc thẩm. Khi ấy, TAND Tối cao cũng rất khỏe.

Thẩm phán TỪ VĂN NHŨ, Phó Chánh án TAND Tối cao

Chỉ nên kéo dài thời hạn

Chỉ nên kéo dài thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm lên sáu tháng hoặc một năm nữa đối với những bản án mà tòa có lỗi trong việc để hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Cụ thể lỗi đó được xác định là khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự trong hạn luật định nhưng tòa không chuyển đơn này cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Một thẩm phán TAND tối cao

Phải tính kỹ

Chuyện xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ. Trường hợp thấy cần thiết phải quy định trong luật thì nó phải được xem như một thủ tục đặc biệt. Khi ấy thẩm quyền của người kháng nghị rồi thủ tục kháng nghị cũng phải quy định thật chặt.

TS PHẠM QUÝ TỴ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm