GÂY RỐI, HÀNH HUNG CHỐN CÔNG ĐƯỜNG - BÀI CUỐI

Coi tòa là mục tiêu bảo vệ

. PV: Ý kiến của ông về tình trạng đương sự manh động, hành hung, gây rối tại tòa và việc các cán bộ tòa gặp nguy hiểm sau khi thực thi nhiệm vụ thời gian qua?

+ Ông Bùi Hoàng Danh: Tình trạng này gây tâm lý rất bức xúc. Hệ thống lại các vụ hành hung cán bộ tòa trên cả nước, tòa các quận của TP.HCM và tại TAND TP.HCM, tôi nhớ có những vụ ở mức độ nghiêm trọng như vụ một bảo vệ TAND TP bị người ngoài vào trong phòng xử đâm. Còn những vụ việc ở mức độ đương sự, người nhà bị cáo gây rối thì rất nhiều và chúng tôi phải nhờ đến công an phường can thiệp. Gần đây, lại xảy ra thêm vụ một thư ký TAND quận Tân Bình bị đánh sau một phiên tòa hình sự.

Tình trạng này cho thấy cần phải quan tâm đến việc bảo vệ cơ quan tòa án và những người tiến hành tố tụng. Thực ra ở vai trò lãnh đạo, tôi đã băn khoăn và suy nghĩ vấn đề này rất nhiều từ 10 năm trước nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, tôi rất muốn tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp phải được xác định là mục tiêu bảo vệ, không chỉ là các cơ quan hành pháp như Thành ủy, UBND.

. Cụ thể ra sao, thưa ông?

+ Cơ quan tòa án cần phải có lực lượng cảnh sát bảo vệ thường xuyên, túc trực tại trụ sở 24/24 giờ, không chỉ đơn thuần là cảnh sát tư pháp hỗ trợ khi cần. Bởi lẽ bảo vệ của cơ quan chúng tôi chỉ làm việc theo giờ hành chính và không phải là lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ như công an. Bảo vệ tòa án có nhiệm vụ khác và họ chỉ được bắt giữ người phạm tội quả tang.

Coi tòa là mục tiêu bảo vệ ảnh 1

Theo Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh, cơ quan tòa án cần phải có lực lượng cảnh sát bảo vệ thường xuyên, túc trực tại trụ sở 24/24 giờ. Ảnh: HTD

Nêu ra thêm để mọi người thấy, hiện nay chỉ có các phiên tòa hình sự là có mặt lực lượng cảnh sát nhưng họ cũng chỉ là các chiến sĩ dẫn giải phụ trách công việc đưa và dẫn giải bị can, bị cáo đến phiên xử, còn việc an ninh phiên tòa không thuộc trách nhiệm của họ. Như vậy khi có đương sự gây rối, chúng tôi chỉ có một cách là nhờ sự can thiệp của lực lượng công an phường. Tuy nhiên, khi công an phường đến nơi thì nhiều trường hợp sự việc đã kết thúc, người manh động, gây rối cũng đã nhanh chóng bỏ đi trước đó.

. Ở vị trí lãnh đạo ngành tòa án TP, ông có những biện pháp tạm thời nào trước mắt để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

+ Với thực trạng nêu trên, những cán bộ tư pháp chúng tôi cảm thấy nghề mình là nguy hiểm. Trước mắt, với vai trò lãnh đạo TAND TP, tôi sẽ củng cố lực lượng bảo vệ cơ quan, phối hợp nội bộ văn phòng với tòa chuyên trách, phối hợp với công an phường nơi trụ sở để đảm bảo an ninh phiên xử, an toàn tính mạng cho người dân và các cán bộ tiến hành tố tụng.

Tôi nhớ như in các câu hỏi thắc mắc của báo chí nước ngoài sau phiên xử lớn trùm giang hồ Năm Cam chấn động dư luận cả nước mà tôi là chủ tọa. 20 nhà báo nước ngoài cứ hỏi tôi về việc sao không thấy lực lượng bảo vệ an ninh cho tôi từ A đến Z. Tôi trả lời rằng vì chúng tôi là cán bộ của TAND nên được nhân dân bảo vệ (cười), không giống như đất nước các quý vị mà thẩm phán có cả đoàn ô tô hú còi hộ tống...

. ông có kiến nghị gì để đảm bảo an ninh phiên tòa, nhất là các phiên tòa phi hình sự và bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho các cán bộ tố tụng?

+ Về lâu dài, tôi kiến nghị TAND Tối cao phối hợp với Bộ Công an xác định tòa án (trụ sở, cán bộ tố tụng) là mục tiêu bảo vệ. Lực lượng cảnh sát phải túc trực 24/24 giờ tại các cơ quan tư pháp. Đồng thời tại tất cả phiên tòa nói chung đều phải có mặt lực lượng cảnh sát để thực hiện chức trách bảo vệ an ninh.

An ninh tòa ở một số nước

Tại Mỹ, tội gây rối và coi thường tòa gồm các hành vi không tuân thủ các điều lệ tòa định, xúc phạm thẩm phán, phá vỡ tiến trình xử án với những thái độ thiếu kiềm chế, thể hiện rõ ý định phá hoại. Nếu là vi phạm trực tiếp, diễn ra trước mắt quan tòa, người vi phạm sẽ bị tòa phạt ngay lập tức với mức án tối đa năm năm tù. Nếu là vi phạm gián tiếp, không thể hiện ngay tại tòa nhưng có đơn thư tố cáo, tòa sẽ thu thập chứng cứ buộc tội, tống đạt quyết định điều tra, cho nghi can thời gian tìm chứng cứ bào chữa rồi mới xét xử, tuyên án.

Tại Canada, tội gây rối và coi thường tòa gồm các biểu hiện: Không có thái độ đúng mực, không giữ yên lặng, không tuân thủ trát đòi hầu tòa, phá hoại tính nghiêm trang và tiến trình xử án. Người vi phạm có thể bị giam tối đa hai năm tù cộng với tiền phạt.

Tại Anh, người có thái độ xấc láo, coi thường quan tòa, mang máy ghi âm, chụp ảnh trái phép vào phòng xử, gây rối trật tự, phá vỡ phiên xử thì tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt từ một tháng tù đến hai năm tù hoặc 2.500 bảng Anh (khoảng 80 triệu đồng Việt Nam) hoặc bị phạt cả hai.

Sẽ có quy định xử phạt

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Theo đó, các hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, kiểm sát viên và công chức, viên chức khác của tòa bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu ở mức độ lời nói. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng...

Về thẩm quyền, thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1 triệu đồng. Chánh án TAND cấp huyện, chánh tòa tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 7,5 triệu đồng. Chánh án TAND cấp tỉnh, chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, chánh tòa tòa chuyên trách TAND Tối cao có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng...

HOÀNG YẾN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm