Công chức được vay tiền mua nhà

1. Ai được vay tiền của Quỹ phát triển nhà ở?

Tôi được biết TP.HCM có lập quỹ để cho cán bộ, nhân viên vay tiền mua nhà. Hiện tôi đang làm việc theo hợp đồng dài hạn cho một đơn vị hành chính sự nghiệp. Tôi có được vay tiền để mua nhà hay không?

Nguyễn Thị Tính (Tân Bình)

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM:

Theo Quyết định số 3891 ngày 5-8-2005 của UBND TP.HCM và Công văn số 5213 ngày 24-8-2005 của UBND TP.HCM, những đối tượng sau đây được vay quỹ phát triển nhà ở để mua nhà: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố; cán bộ quản lý và công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp (trong năm 2008, TP chỉ mới triển khai thực hiện thí điểm cho Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Tân Bình).

Những người thuộc đối tượng trên phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM và có thời gian làm việc từ ba năm trở lên. Tại thời điểm vay tiền, người vay tiền không đứng tên sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở. Bản thân họ hoặc vợ, chồng của họ chưa từng được giải quyết cho mua nhà theo Nghị định 61 và cũng chưa được hưởng chính sách giải quyết, hỗ trợ, cải thiện nhà ở theo diện người có công với cách mạng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 (theo Quyết định 118 ngày 27-2-1996 và Quyết định số 20 ngày 3-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ). Bà có thể liên hệ trực tiếp với Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM (lầu 4, số 26 Lý Tự Trọng) để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

2. Không có hợp đồng xây dựng vẫn được hoàn công?

Tháng 4-2006, tôi có xin giấy phép xây dựng nhà. Trong quá trình xây dựng, do có một số bất đồng với nhà thầu xây dựng nên tôi đã chấm dứt hợp đồng khi nhà chưa xây xong. Khi xây xong, gia đình cũng không còn tiền nên chưa nghĩ đến chuyện hoàn công. Nay chúng tôi muốn hoàn công thì phải liên hệ ở đâu? Không có hợp đồng xây dựng thì có hoàn công được hay không?

Phan Văn Tuấn (Quận 5)

Ông Lê Văn Pha, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 5:

Theo Quyết định 04 ngày 17-1-2006 của UBND TP.HCM, ông có thể thuê một công ty có chức năng đến đo vẽ và làm biên bản hoàn công.

3. Người mua sẽ được cấp giấy mới?

Tôi có mua giấy tay một miếng đất ở quận Bình Tân (miếng đất này chủ bán đã bị thu hồi “giấy đỏ”). Tôi có được cấp “giấy đỏ” hay không?

Nguyễn Phan Tây Hồ (Quận Bình Tân)

Ông Trần Minh Khiêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân:

Theo Điều 11 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, những trường hợp “mua” đất bằng giấy tay trước ngày 1-7-2004 mà có giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận chuyển nhượng có thể làm “giấy đỏ” theo quy định. Người nhận chuyển nhượng cần nộp hợp đồng, giấy tờ về việc chuyển nhượng để được cấp “giấy đỏ”. Cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy “giấy đỏ” của người chủ đất cũ trong trường hợp đất đã chuyển nhượng hết và cấp giấy mới cho người nhận chuyển nhượng.

Ông có thể liên hệ với UBND phường nơi có đất để được hướng dẫn thủ tục cấp “giấy đỏ” cho thửa đất đã mua.

4. Muốn bán nhà, Việt kiều phải làm sao?

Cha mẹ tôi đã mất, có để lại một căn nhà. Tất cả anh em tôi đều đang định cư ở nước ngoài và không thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam nên chỉ được bán, tặng cho căn nhà thừa kế. Nếu muốn bán nhà, chúng tôi phải làm những thủ tục gì?

Diệu Hương (Quận 7)

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7:

Trước tiên, các anh em của ông cần phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Theo Điều 52 Nghị định 75 ngày 8-12-2000 của Chính phủ, việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại các phòng công chứng. Những người đi kê khai phải xuất trình giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế, đơn yêu cầu chứng thực bản khai di sản thừa kế, bản kê khai những người được hưởng di sản kèm theo những giấy tờ chứng minh quan hệ với người đã chết và giấy chủ quyền nhà, đất hoặc các giấy tờ hợp lệ khác chứng minh nhà, đất trên là của người chết. Sau khi đã hoàn tất thủ tục này, các đồng thừa kế có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp lệ cho người khác làm thủ tục bán nhà.

5. Con dâu phải đóng thuế chuyển quyền?

Vợ chồng con trai tôi có làm thủ tục cho tôi một căn nhà (nhà đã có “giấy hồng”). Khi hồ sơ sang Chi cục Thuế quận, cơ quan này yêu cầu con dâu tôi phải đóng lệ phí trước bạ là hơn 1,2 triệu đồng. Yêu cầu này đúng hay sai?

Nan (Phường 8, quận Gò Vấp)

Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có lẽ ông đã nhầm vì người chuyển nhượng nhà, đất phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất chứ không phải đóng lệ phí trước bạ nhà, đất (khoản lệ phí này thuộc về bên nhận chuyển nhượng, nếu có). Theo Hướng dẫn số 2539 ngày 18-7-2006 của Tổng cục Thuế, trường hợp con đẻ có chồng hoặc vợ (con dâu hoặc con rể) đồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi vợ chồng chuyển giao quyền sử dụng đất cho cha mẹ chồng hoặc vợ thì con dâu (hoặc con rể) phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Giá trị tính thuế chuyển quyền sử dụng đất phải nộp được xác định bằng 1/2 giá trị quyền sử dụng đất chuyển nhượng.

6. Được xây mấy tầng?

Tôi có một miếng đất nằm ở mặt tiền đường có lộ giới dự kiến là 40 m. Tôi có thể xây nhà cao tối đa bao nhiêu tầng?

Nguyễn Văn Tâm (sovina@hcm.vnn.vn)

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo Quyết định 135 ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM, đối với nhà liên kế có mặt tiền xây dựng giáp lộ giới, số tầng và chiều cao phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới đường. Nếu chiều rộng lộ giới bằng hoặc lớn hơn 20 m, người dân được xây cao tối đa năm tầng. Số tầng này có thể là sáu nếu thuộc khu vực quận trung tâm TP hoặc trung tâm cấp quận, thuộc trục đường thương mại-dịch vụ hoặc lô đất lớn.

NGỌC HÀ - TP ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm