Công nhận án ly hôn ở nước ngoài: Ách tắc vì… vướng luật!

Gần đây, ngành tòa án đã nhận được khá nhiều đơn yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án ly hôn ở nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, các trường hợp này hiện đều đang bị ách tắc bởi vướng quy định, thiếu hướng dẫn…

Hơn ba năm kết hôn với một Việt kiều Mỹ, chị GNP ngụ quận 10 (TP.HCM) luôn phải sống trong cảnh vò võ chờ đợi bởi người chồng chủ yếu làm ăn ở Mỹ, lâu lâu mới bay về nước thăm chị một lần.

Bao giờ mới thành người độc thân?

Xa mặt cách lòng, những chuyến bay về nước ít ỏi ấy rồi cứ thưa thớt dần. Một ngày, chị P. nhận được hồ sơ thỏa thuận ly hôn gửi về. Chị P. thuận tình ký tên để giải phóng cho đôi bên. Năm 2009, Tòa Thượng thẩm bang California, hạt San Bernardino sau đó đã ra bản án ghi nhận quyết định ly hôn của vợ chồng chị.

Sau đó, chị P. làm đơn gửi Bộ Tư pháp yêu cầu công nhận bản án ly hôn trên có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Đơn của chị cùng các tài liệu liên quan được chuyển về TAND TP.HCM. Xem xét, TAND TP nhận định: Khoản 1 Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa nước ngoài chỉ được xem xét trong trường hợp cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành án tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu. Ở đây, người chồng đang cư trú tại Mỹ nên chị P. chưa đủ điều kiện để yêu cầu tòa công nhận và cho thi hành bản án. Vì vậy, tòa đã đình chỉ giải quyết yêu cầu của chị P.

Để gỡ vướng cho chị P., cán bộ tòa hướng dẫn chị nộp đơn tiến hành thủ tục ly hôn ở tòa án trong nước. Để mọi việc thuận lợi, chị nên liên hệ với người chồng bên Mỹ để có sự thuận tình xác nhận. Còn nếu chị đơn phương xin ly hôn thì sẽ phải chờ thủ tục ủy thác tư pháp, vốn rất lâu và cũng rất khó suôn sẻ.

Công nhận án ly hôn ở nước ngoài: Ách tắc vì… vướng luật! ảnh 1

Chị P. làm theo hướng dẫn này nhưng không thể liên hệ được với người chồng bên Mỹ để làm thủ tục thuận tình ly hôn. Chị mệt mỏi vì “chồng không có” mà mình thì vẫn chưa được trở thành người độc thân, không biết bao giờ mới có điều kiện để xây dựng một mái ấm mới hợp pháp.

Bế tắc bởi vướng quy định, thiếu hướng dẫn

Trước năm 2005, những trường hợp tương tự như chị P. rất dễ giải quyết vì đương sự chỉ cần yêu cầu Sở Tư pháp ở địa phương mình sinh sống ghi chú hộ tịch là đã ly hôn với người nước ngoài thì đương nhiên được coi là người độc thân.

Tuy nhiên, từ sau ngày 1-1-2005 (ngày Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 có hiệu lực), chuyện công nhận, cho thi hành bản án ly hôn của tòa án nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án. Bắt đầu từ đây, các trường hợp xin công nhận bản án ly hôn của tòa án nước ngoài đã gặp bế tắc bởi hai lý do chủ yếu.

Lý do đầu tiên khá phổ biến: Trường hợp của đương sự không đủ điều kiện luật định để tòa án Việt Nam công nhận theo Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự (người hôn phối không cư trú, làm việc tại Việt Nam, không có tài sản liên quan đến việc thi hành án tại Việt Nam vào thời điểm đương sự gửi đơn yêu cầu).

Lý do thứ hai: Theo Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án Việt Nam chỉ được xem xét công nhận, cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại. Rắc rối là đến nay, chưa có văn bản công bố danh mục các nước có tham gia điều ước quốc tế hoặc ký kết hiệp định song phương với Việt Nam về vấn đề này, cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có đi có lại để các thẩm phán vận dụng.

Trên thực tế, một số nước mà công dân Việt Nam có nhiều quan hệ hôn nhân như Mỹ, Canada, Đức, Úc, Hàn Quốc… thì nước ta lại chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự cũng như các hiệp định khác có liên quan đến việc công nhận bản án, quyết định của nhau.

Gỡ chỗ này, vướng chỗ khác!

Tại TP.HCM, để gỡ vướng cho các trường hợp chưa đủ điều kiện như chị P., tháng 8-2010, Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM đã có Công văn 2332 hướng dẫn: Thẩm phán thụ lý yêu cầu công nhận bản án ly hôn của tòa án nước ngoài không được đình chỉ giải quyết với lý do bên phải thi hành án đang ở nước ngoài.

Ngỡ rằng hướng dẫn này sẽ tháo gỡ được ách tắc nhiều năm qua để triển khai thực hiện công nhận bản án ly hôn nước ngoài. Nhưng đến nay, TAND TP vẫn chưa thể công nhận được bản án nào do vướng tiếp bất cập ở Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự về chuyện tham gia điều ước quốc tế, ký kết hiệp định song phương hay áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Trên phạm vi cả nước, tháng 10-2010, Bộ Tư pháp có Thông tư số 16 tạm thời hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc ghi chú hộ tịch này có giới hạn rất hẹp: Thứ nhất, chỉ ghi chú hộ tịch nếu bản án đó là của các nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về vấn đề này. Thứ hai, nếu là bản án của các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc ghi chú hộ tịch do bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định (sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao) theo nguyên tắc có đi có lại.

___________________________________________________

Tháng 5-2009, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết trường hợp ông LVN yêu cầu công nhận bản án của Tòa án gia đình Wolfenbutter (Đức) cho ông được ly hôn với bà TTN.

Lý do TAND TP đình chỉ giải quyết cũng là do bà N. đang sinh sống tại Đức và không có tài sản ở Việt Nam.

Tháng 1-2010, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận bản án ly hôn của tòa án nước ngoài của bà DTNH với lý do người chồng đang cư trú ở nước ngoài, không có tài sản ở Việt Nam nên trường hợp của bà H. không đủ điều kiện.

Trước đó, tháng 8-2008, Tòa án Tối cao British Columbia (Canada) cho bà H. được ly hôn với ông DHT theo bản án số E080672 (hai người không có con chung và tài sản chung). Tháng 9-2009, bà H. làm đơn yêu cầu Bộ Tư pháp công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án này. Vụ việc của bà sau đó được chuyển về cho TAND TP.HCM thụ lý.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm