Công nhận án ly hôn ở nước ngoài - Bài 2: Nan giải chuyện gỡ vướng!

Bởi lẽ các bản án có yêu cầu công nhận phần lớn xuất phát từ những quốc gia chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hay chưa áp dụng nguyên tắc có đi có lại với nước ta...

Như chúng tôi đã phản ánh, vướng mắc lớn nhất gây ách tắc trong việc công nhận, cho thi hành bản án ly hôn nước ngoài ở Việt Nam là quy định tòa án Việt Nam chỉ xem xét yêu cầu dựa trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại (Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự). Đến nay vẫn chưa có danh mục thống kê các nước ký hiệp định tương trợ tư pháp hay áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về vấn đề này, cũng chưa hề có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, căn cứ áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Vì vậy, các tòa đều gặp bế tắc.

Ghi chú hộ tịch

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam, nhiều ý kiến đề xuất một con đường không thông qua tòa án là ghi chú vào hộ tịch việc đã ly hôn ở nước ngoài cho người có yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, Bộ Tư pháp đã có Thông tư số 16 ngày 8-10-2010 hướng dẫn ghi sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Quy định này áp dụng cho những bản án, quyết định chứng nhận chấm dứt quan hệ hôn nhân, không thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam. Sau khi ghi chú, đương sự có quyền đăng ký kết hôn mới. Còn việc công nhận, cho thi hành bản án ly hôn có liên quan đến phân chia tài sản, quyền nuôi con thuộc thẩm quyền của tòa án.

Công nhận án ly hôn ở nước ngoài - Bài 2: Nan giải chuyện gỡ vướng! ảnh 1

Theo luật sư Nguyễn Đỗ Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc ghi sổ hộ tịch là phù hợp thực tiễn nhưng phạm vi còn hẹp, chưa đáp ứng được hết nhu cầu chính đáng của người dân.

Thứ nhất, cách giải quyết này chỉ dành cho các bản án chấm dứt ly hôn đơn thuần ở nước ngoài, không đề cập gì đến tài sản chung, con chung. Như vậy, nó chỉ đáp ứng được nhu cầu cho những người đơn giản muốn có một “chứng nhận độc thân” để kết hôn mới. Còn rất nhiều trường hợp liên quan đến tài sản chung, con chung thì vẫn phải nhờ đến tòa.

Thứ hai, Thông tư 16 hướng dẫn là chỉ ghi chú hộ tịch nếu bản án nước ngoài đó thuộc các nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về vấn đề này. Còn nếu bản án thuộc các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc ghi chú hộ tịch do bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định (sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao) theo nguyên tắc có đi có lại.

Mà thực tế Việt Nam chỉ mới ký kết hiệp định với Nga, Cuba, trong khi các bản án được yêu cầu công nhận phần lớn là từ những quốc gia khác như Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... Nếu làm đúng luật thì không thể ghi chú hộ tịch.

Cần hướng dẫn cụ thể

Luật sư Cường đề xuất: Để giải quyết căn cơ các ách tắc trong chuyện này thì Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi cần bỏ điều kiện chỉ xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài dựa trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại.

Tương tự, trong quá trình soạn thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, có ý kiến cũng đề nghị bỏ nguyên tắc có đi có lại, trừ những trường hợp thuộc Điều 356 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đây cũng là xu hướng khá phổ biến trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, theo TAND Tối cao, nguyên tắc có đi có lại là một nguyên tắc quan trọng, cần duy trì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam trong các quan hệ pháp lý có yếu tố nước ngoài, đồng thời còn có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và ngoại giao. Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận, cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài nếu quốc gia đó không áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.

Nhiều chuyên gia tán thành quan điểm này vì đảm bảo được chủ quyền quốc gia và quyền tài phán của tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao sớm thống nhất, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có đi có lại để các thẩm phán vận dụng.

“Treo án” vì không thể xử

Năm 2009, Tòa án gia đình Úc ban hành bản án ly hôn giao toàn bộ tài sản và quyền nuôi con cho ông S. Vợ ông S. liền đưa con về Việt Nam sống. Ông S. cũng về nước, nộp đơn lên TAND TP.HCM yêu cầu được công nhận bản án của Tòa án gia đình Úc, buộc người vợ phải giao con cho ông.

TAND TP.HCM đã có công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp. Bộ này trả lời là Úc và Việt Nam chưa ký hiệp định song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự cũng như hiệp định khác có liên quan trong lĩnh vực công nhận lẫn nhau bản án, quyết định của tòa án nước ngoài. Về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Tư pháp đề nghị tòa lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao. TAND TP.HCM gửi tiếp công văn xin ý kiến Bộ Ngoại giao. Bộ này trả lời là giữa Úc và Việt Nam chưa có áp dụng nguyên tắc có đi có lại, ngoài ra không hướng dẫn gì thêm.

Thiếu hướng dẫn, 19 tháng nay, tòa vẫn bế tắc. Cháu bé con ông S. hiện vẫn sống với mẹ. Tòa án gia đình tại Sydney đã yêu cầu cảnh sát liên bang Úc đưa tên cháu vào danh mục theo dõi của các sân bay quốc tế. Nếu cháu xuất cảnh, có mặt tại bất kỳ sân bay nào ở Úc hay các nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Úc thì sẽ bị tạm giữ để trao trả cho người cha.

_________________________________________________

Quy định cũ thuận lợi hơn

Trước khi được ban hành, ngày 10-7-2002, Chính phủ có Nghị định 68 quy định việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại tòa hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam, nếu không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam. Việc công nhận ly hôn được ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

Quy định này rất thoáng, không bị ràng buộc bởi điều kiện “các điều ước quốc tế hay nguyên tắc có đi có lại” nên thực hiện rất thuận lợi.

Luật sư NGUYỄN THỊ NGỌC OANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nhiều nước đã bỏ “có đi có lại”

Việc áp dụng điều kiện có đi có lại trong thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài, bản án, quyết định của tòa án nước ngoài đang có xu hướng ngày càng giảm ở nhiều nước. Chẳng hạn trong Điều lệ Tố tụng dân sự của Đức, nguyên tắc có đi có lại không được quy định như một điều kiện cần thiết để công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Đức. Pháp luật của Anh, Ý cũng có những quy định tương tự.

Luật sư NGUYỄN ĐỖ CƯỜNG,  Đoàn Luật sư TP.HCM

Sớm có biện pháp

Bên cạnh nhu cầu công nhận bản án nước ngoài tại Việt Nam, cũng có nhiều trường hợp cần công nhận và thi hành bản án của tòa án Việt Nam ở nước ngoài. Nếu chúng ta kiên trì theo đuổi nguyên tắc có đi, có lại thì Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cần sớm có biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này trong lĩnh vực tương trợ tư pháp dân sự.

Luật sư NGUYỄN VĂN CÔNG,  Đoàn Luật sư TP.HCM

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm