Công nhận di chúc sai, hai bản án bị hủy

Ông Đích cũng giao nhà và đất vườn (theo giấy đỏ hiện nay là 2.115 m2) cho ông Năm, còn mình thì đi ở nơi khác. Tháng 10-1989, ông Năm lập di chúc giao nhà đất trên cho vợ con ông quản lý. Năm 1990, ông Năm chết. Hai năm sau, ông Đích chết. Sau khi cha chồng chết, vợ ông Năm đã bán một phần diện tích đất vườn. Tháng 10-1995, một số con cháu của ông Đích đã nộp đơn yêu cầu tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng đất của vợ ông Năm, đồng thời chia thừa kế di sản của ông Đích theo pháp luật.

Năm 1996, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn. Vợ ông Năm kháng cáo. Sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tạm đình chỉ giải quyết án. Đến năm 2006 vụ kiện được tiếp tục giải quyết. Theo tòa, án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, do vụ kiện bị tạm đình chỉ trong một thời gian dài, có nhiều thay đổi (về giá trị di sản, các đương sự chết…) nên tòa hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại.

Năm 2009, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lần hai đã bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn (chỉ chấp nhận yêu cầu xin hủy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ ông Năm do xác định bà này chỉ có quyền quản lý nhà đất để thờ cúng). Năm 2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lần hai cũng giữ nguyên án sơ thẩm.

Tháng 3-2013, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo chánh án TAND Tối cao, tòa hai cấp đều biết rõ ông Năm chết trước người để lại di chúc là ông Đích nên theo luật, phần di chúc giao nghĩa vụ quản lý di sản thờ cúng không có hiệu lực. Dù vậy hai cấp tòa vẫn nhận định vợ con ông Năm đã được giao quản lý nhà đất một cách hợp pháp là không đúng.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lại. Theo Hội đồng Thẩm phán, việc chuyển giao nhà đất của ông Năm cho vợ con ông là không hợp pháp. Bởi lẽ di chúc của ông Đích chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (năm 1992 - năm ông Đích mất) nên vào năm 1989, ông Năm không có quyền lập di chúc về tài sản chưa thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của mình. Cũng do ông Năm đã chết trước thời điểm di chúc có hiệu lực nên phần di chúc của ông Đích cho ông Năm không có hiệu lực. Do vậy phần nhà đất ông Đích tạo lập là di sản của ông Đích, được chia thừa kế theo pháp luật.

NGỌC HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm