VỤ “NÉ BỒI THƯỜNG OAN”

Cục Bồi thường Nhà nước xác định được bồi thường

Cục nêu về thời hiệu, theo ông Nhàn trình bày, ông bị khởi tố ngày 1-1-2002, ngày 8-6-2006 có quyết định đình chỉ (vì hết thời hạn điều tra) và ngày 1-9-2009 ông có đơn yêu cầu bồi thường oan, tức là trường hợp này được bồi thường theo Điều 1 Nghị quyết 388 năm 2003. Ông Nhàn cần cung cấp các chứng cứ thể hiện ông đã thực hiện các quy định về thời hiệu như trình bày ở trên. Cụ thể ông phải chứng minh được trong khoảng thời gian từ ngày 8-6-2006 đến 8-6-2008, ông đã có đơn yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan nhưng chưa được giải quyết.

Về thẩm quyền yêu cầu bồi thường, VKSND TP.HCM là cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường. Do vậy ông cần gửi đơn và các giấy tờ liên quan như trên đến cơ quan này để được giải quyết. Cục cũng đã có công văn gửi VKSND Tối cao để kiểm tra, xem xét nhằm có hướng chỉ đạo giải quyết việc của ông Nhàn theo quy định pháp luật.

Như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, theo hồ sơ, năm 2001, em P. đi học về thì phát hiện mẹ mình nằm chết trên nền nhà, đầu và mặt đầy máu. Đồ đạc trong nhà ngổn ngang, tài sản bị mất khoảng 60-80 triệu đồng cùng khoảng 5-6 lượng vàng.

Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở hộc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay trùng khớp với ông Nhàn (con bạn dì của chồng nạn nhân). Ngày 3-1-2002, ông Nhàn bị bắt, khởi tố về tội giết người và cướp tài sản. Ông kêu oan từ đầu đến cuối.

Năm 2003, TAND TP.HCM đã phải ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chứng cứ buộc tội không chặt. Tháng 9-2006, ông Nhàn được tại ngoại và một tháng sau, cơ quan điều tra ký quyết định đình chỉ điều tra bị can sau 1.346 ngày tạm giam. Lý do đình chỉ là hết thời hạn điều tra nhưng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Ngày 1-9-2006, ông Nhàn làm đơn yêu cầu VKSND TP bồi thường oan hơn 700 triệu đồng nhưng nhiều năm sau đó không ai trả lời đơn. Cuối năm 2012, ông gửi đơn đến Cục Bồi thường Nhà nước và được trả lời như trên.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm