Cướp không thành vẫn bị tội

Chiều 31-12-2013, TAND huyện Cần Giuộc (Long An) xử sơ thẩm lần hai đã tuyên phạt Trần Thế Ngọc năm năm tù, Phạm Trọng Tính bốn năm chín tháng tù, Lương Thanh Đức, Trần Văn Lẹ mỗi bị cáo hai năm tù cùng về tội cướp tài sản. Vụ án tưởng đơn giản nhưng quá trình truy tố, xét xử các cơ quan tố tụng huyện vẫn để xảy ra sai sót khiến vụ án kéo dài, phức tạp.

Sót người, lọt tội

Theo hồ sơ, ngày 5-8-2012, bốn bị cáo rủ nhau đi nhậu ở xã Phước Lại (Cần Giuộc). Đến nửa đêm, Tính hỏi mượn dao bấm dài 20 cm trong cốp xe của Đức để chặn đường cướp tiền người đi bán cá, tôm. Khi Đức ngăn cản thì Tính trấn an “không phải sợ” rồi cả nhóm cùng đi. Tính chở Ngọc, Đức chở Lẹ cùng đến đoạn đường vắng thuộc xã Long An. Cả nhóm đã hai lần chặn đầu xe người đi đường để Tính “xin tiền” nhưng cả hai lần đều bất thành.

Ngọc rủ cả nhóm ra về nhưng đi được một đoạn thì Tính rủ Ngọc: “Lát đến nhà nghỉ Nhật Tân mày dừng xe ở ngoài để tao vô xin tiền”. Lúc này Đức và Lẹ (chạy trước) tưởng Tính và Ngọc dừng xe đi tiểu nên cũng dừng xe lại chờ.

Tính giả vờ thuê phòng để ông Đ. (chủ nhà trọ) mở cửa rồi Tính kề dao vào cổ ông Đ. nói: “Cho xin ít tiền đổ xăng”. Nhưng rồi Tính bị cha con ông Đ. khống chế bắt giữ. Lúc này Ngọc đứng cách đó khoảng 5 m nghe Tính kêu cứu thì nổ máy xe chạy lên nói với Đức và Lẹ là không biết Tính làm gì bên trong mà kêu cứu. Đức điện thoại hỏi thì Tính nói: “Tụi bây về đi, tao bị bắt rồi”. Cả nhóm về nhà.

Cha mẹ bị cáo Trần Thế Ngọc nói sẽ kháng cáo để kêu oan cho con. Ảnh: T.TÙNG

Tính và Ngọc sau đó bị cơ quan tố tụng khởi tố về hành vi cướp tiền của chủ nhà trọ, Đức và Lẹ được xác định là người liên quan. Tháng 11-2012, TAND huyện Cần Giuộc xử sơ thẩm (lần một) đã phạt Tính và Ngọc mỗi người bốn năm tù. Ngọc kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không đồng phạm vì không biết, không có ý thức cướp và không bàn bạc gì với Tính mà chỉ vô tình tạo điều kiện cho Tính thực hiện tội phạm.

Tháng 3-2013, TAND tỉnh Long An tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại vì chứng cứ buộc tội yếu và có dấu hiệu sót người, lọt tội. Cụ thể, cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc Ngọc và Tính có bàn với nhau trong việc khống chế ông Đ. để cướp tiền hay không. Hành vi bốn bị cáo chặn người đi đường cướp tiền (lúc đầu nhưng không thành) cũng thỏa mãn tội cướp nhưng không khởi tố Đức và Lẹ là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Sau khi điều tra lại, tháng 10-2013, VKSND huyện đã ra cáo trạng truy tố cả bốn bị cáo về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù).

Đồng phạm án nặng hơn chủ mưu

Tính nhận tội. Đức và Lẹ thống nhất với việc mô tả hành vi nhưng cho rằng do Tính rủ rê nên làm theo chứ không có ý định cướp. Hai bị cáo cùng khai không liên quan đến sự việc xảy ra tại nhà trọ.

Tại tòa, Ngọc tái khẳng định việc cướp tiền của ông Đ. do mình Tính thực hiện, mình không phải là đồng phạm. Luật sư cho rằng hai chiếc điện thoại của Đức và Tính là tang vật vụ án nhưng không được thu giữ là vi phạm tố tụng. Nhiều lời khai của các bị cáo mâu thuẫn, có bị cáo khai: “Tụi bây về đi, tao bị bắt rồi” nhưng bị cáo khác lại khai: “Tao ở lại đây ngủ mai về, tụi bây về trước đi”… Theo luật sư, dấu hiệu của tội phạm có tổ chức chưa rõ trong việc bàn bạc, chuẩn bị phương tiện và công cụ phạm tội, không có sự phân công giúp sức cụ thể giữa Ngọc và Tính. Chỉ mình Tính có ý định cướp tài sản và là người trực tiếp thực hiện…

Tuy nhiên, ngoài việc thừa nhận chuyện cơ quan điều tra không thu giữ tang vật gồm hai chiếc điện thoại là thiếu sót, kiểm sát viên và HĐXX đã bác bỏ những lập luận trên. Theo tòa, dựa vào lời khai và hồ sơ đã khẳng định trong vụ này từ đầu người chủ mưu việc cướp tài sản là Tính, ba bị cáo còn lại đã thống nhất theo ý định đó nên là đồng phạm. Hành vi cướp tài sản của cả bốn bị cáo đã hoàn thành nhưng đều chưa đạt. Các bị cáo dùng xe máy và dao là phương tiện và thủ đoạn nguy hiểm, phạm tội nhiều lần. Đức, Lẹ và Ngọc là đồng phạm giúp sức về tinh thần trong hai lần cướp tiền của người đi đường, Ngọc còn là đồng phạm với Tính trong lần cướp tiền tại nhà trọ.

Tuy nhiên, cuối cùng tòa lại xử mức án của Tính thấp hơn Ngọc dù trước đó tòa đã phân tích vai trò, tính chất mức độ phạm tội của hai bị cáo khác nhau (Tính là chủ mưu, Ngọc là đồng phạm).

Người bị hại xin giảm án cho các bị cáo

Các bị hại trong vụ án này là hai người đi đường (không rõ lai lịch) và ông Đ. (chủ nhà trọ) đều không thiệt hại gì về tài sản và sức khỏe. Do đó, tại các phiên tòa đã diễn ra, ông Đ. đều xin tòa giảm án cho các bị cáo. “Dù là người bị hại nhưng tôi xin tòa xử nhẹ cho các cháu để các cháu có cơ hội sửa chữa sai lầm sớm trở về gia đình vì tất cả còn rất trẻ, tương lai còn ở phía trước…” - ông Đ. nói.

   THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm