Cựu binh nổi loạn

Năm 1997, tòa án đã xử McVeigh án tử hình. Sau cuộc điều tra huy động hơn 2.000 nhân viên, chính phủ liên bang đã truy tố cả những bạn của McVeigh gồm Michael Fortier và Terry Nichols, với tội danh hợp tác và biết nhưng không khai báo.

Đường đến Oklahoma

Timothy McVeigh sinh trưởng ở nông thôn. Sống với cha sau vụ ly dị, McVeigh lại thường hay bị bạn bè bắt nạt. Sớm phát triển niềm say mê với súng, McVeigh thường tập bắn bằng khẩu súng hơi. Năm 14 tuổi, McVeigh lại thường đem đồ ăn đi cắm trại để chuẩn bị cho "cuộc chiến" khi Mỹ chuẩn bị tấn công Liên Xô bằng hạt nhân. Trong suốt những năm đi học, McVeigh trút hết sự chú ý của mình vào niềm say mê khoa học và vũ khí.

Tháng 5-1988, anh ta nhập ngũ. Anh ta quen biết với chỉ huy trung đội của mình, Terry Nichols và gặp Michael Fortier. McVeigh được đưa đến chiến trường Nam Tư và được thưởng huy chương chiến công tại đây. Tháng 11-1991, anh ta được xuất ngũ.

Cựu binh nổi loạn ảnh 1

McVeigh trong tay FBI

Cuộc đời McVeigh xuống dần từ đây. Trở về sống cùng cha mình ở NewYork với nghề nghiệp bảo vệ, anh ta có nhiều lần tuyệt vọng đến mức nghĩ đến việc tự sát. Anh ta bắt đầu giận dữ với những chính sách đối ngoại, kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ. Trong một lá thư năm 1992 gửi cho Lockport Union Sun, McVeigh viết: "Nước Mỹ đang suy đồi. Tại sao chúng ta phải đổ máu cho hệ thống chính quyền hiện tại?". Và anh ta đã bắt đầu có những toan tính chống lại chính phủ liên bang từ những năm này.

Tháng 1-1993, McVeigh bỏ việc, thu xếp đồ đạc, rời khỏi New York để sống lang bạt, biểu diễn bắn súng kiếm sống, ở với những bạn cùng quân ngũ. Những cuộc biểu diễn bắn súng đem đến cho McVeigh tiền bạc và những kẻ có cùng chung quan điểm chống lại sự kiểm soát vũ khí, chống lại chính quyền. Anh ta đặc biệt quan tâm đến cuộc tranh chấp của quân đội và giáo phái Branch Davidians, trong đó 74 người - gồm cả trẻ em và phụ nữ - bị giết khi quân đội phóng hỏa nhà thờ ở Waco. "Nước Mỹ đã trở thành gì vậy?" McVeigh hỏi, và quyết định sẽ đến lúc phải hành động.

Có rất nhiều thành phần khác nhau trong những người chống đối chính phủ Hoa Kỳ. Những kẻ chống đạo luật kiểm soát vũ khí, những kẻ chống chính sách thuế, những kẻ kỳ thị chủng tộc và giai cấp. McVeigh nhanh chóng tập hợp được họ. Ví dụ như Andreas Strassmeir - cháu của người sáng lập ra đảng phát-xít, đứng đầu Elohim City - một khoảng đất ở giữa Oklahoma và Kansas. Cùng Terry Nichols và Michael Fortier, anh ta đến với những tổ chức chống chính phủ để lập ra một kế hoạch đánh sập một khu nhà ở Oklahoma.

Cựu binh nổi loạn ảnh 2

McVeigh trong giai đoạn điều tra

Theo báo cáo của FBI, McVeigh đã liên lạc với những tổ chức cướp nhà băng. Được sự giúp đỡ của Michael, anh ta cũng ăn cắp rất nhiều vũ khí trong kho quân đội tại Arizona, biến ngôi nhà thành một pháo đài quân sự, bắt đầu chế tạo bom. McVeigh còn được phát hiện thường xuất hiện tại các nơi thử nghiệm, chế tạo vũ khí bí mật của Hoa Kỳ.

Tháng 9-1994, McVeigh thuê một kho hàng và Fortier đem tới amonium nitrat nguyên liệu dùng để chế tạo bom. Trong lúc này, McVeigh vẫn giữ liên lạc với những tổ chức kỳ thị chủng tộc và chống chính phủ. Tháng 3-1995, khi Terry Nichols muốn rút ra khỏi kế hoạch đánh bom, McVeigh phải tìm đồng minh khác hỗ trợ. Theo những nhà điều tra, McVeigh đã gặp bốn người của tổ chức Quân đội Cộng hòa Aryan, đặc biệt người mà anh ta gọi là Poindexter là kẻ rất hiểu biết về bom đạn. Những cuộc liên hệ vẫn diễn ra đều đặn. Sau đó, McVeigh gặp những lãnh đạo của Elohim City tại một câu lạc bộ ở Oklahoma.

McVeigh, Fortier và "người bạn thứ ba" lái xe tới thành phố Oklahoma. Ngày 17-4-1995, McVeigh đặt những qủa bom vào chiếc xe tải Ryder. Sau một cuộc tranh cãi, anh ta lái xe tới Oklahoma một mình.

Ngày 19-5-1995

Với McVeigh, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là ngày quân đội tấn công vào tổ chức Branch Davidian tại Waco gây ra chết chóc. Đó cũng là ngày bắt đầu trận chiến Lexington với quân Anh vào năm 1775. Trong xe của McVeigh dán dòng chữ của Samuel Adams "Khi chính phủ sợ người dân, sẽ có dân chủ. Khi người dân sợ chính phủ, sẽ có độc tài".

Ngày 19-5-1995 cũng là ngày Richard Snell, người sáng lập ra Elohim City bị xử tử. Richard Snell đã nói rằng sẽ có một vụ đánh bom vào đúng ngày này. Trong khi đó, tại Washington, Chevie Kehoe, một cựu lãnh đạo của Elohim City, đã thức dậy sớm để nói nhân viên khách sạn bật kênh thời sự CNN để "Xem có chuyện gì xảy ra và đánh thức mọi người".

80 phút sau vụ đánh bom, chiếc xe của McVeigh rời khỏi Oklahoma. Khi cảnh sát giao thông khám xe, phát hiện anh ta đem theo vũ khí trái phép. McVeigh bị bắt giam.

Điều tra và những phiên tòa sơ bộ

Cảnh sát đã đến cửa hàng mà McVeigh thuê chiếc xe tải để điều tra qua bảng số còn lại trên hiện trường. Người trông coi khách sạn cũng xác nhận nhân dạng của McVeigh. McVeigh bị dẫn giải từ trạm giao thông về sở điều tra. McVeigh nói với hai luật sư ngay chiều hôm đó: "Tôi đã đánh bom". Những đồng phạm của anh ta cũng không khó để tìm ra. McVeigh đã ghi địa chỉ nhà Nichols là hộ khẩu của mình. Những cuộc lục soát đã tìm ra súng và quân khí bị đánh cắp, sách cấm, ammonium nitrat, thuốc nổ, bản đồ Oklahoma, thẻ điện thoại mà McVeigh đã dùng...

Cựu binh nổi loạn ảnh 3

McVeigh tiếp xúc với phóng viên hãng CBS

Cuối cùng, chính phủ liên bang khởi tố ba người: McVeigh và Nichols bị kết tội đánh bom và giết người, Fortier bị kết tội không tố cáo vụ đánh bom, nói dối nhân viên công lực khi được hỏi. Những ủy viên công tố chưa bao giờ giải thích tại sao không truy tố các nghi can khác.

Fortier đồng ý hợp tác với các ủy viên chính phủ để tránh được án tù, vợ không bị khởi tố. Phiên tòa xét xử McVeigh và Nichols được mở vào ngày 11-8-1995, ba ngày sau khi vợ chồng Fortier hoàn tất bản cung khai.

Chiếu phim tại phiên xử

Timothy McVeigh không có được phiên tòa anh ta mong muốn. Từ đầu, McVeigh đã hướng các luật sư của mình đến nêu bật sự phòng vệ cần thiết để ngăn chặn các tội ác của chính phủ trong việc đánh bom này. Anh ta tin rằng một vài thẩm phán đã được biết về sự kiện xảy ra tại Waco và sẽ cho rằng việc đánh  bom là lập lại công bằng. Quan trọng hơn, McVeigh cho rằng sự phản ứng của chính quyền sẽ thu hút sự chú ý của công chúng khi vụ án chính trị này được đưa ra xét xử.

Những yêu cầu của McVeigh sớm bị các luật sư bào chữa khước từ. Và vì anh ta được đặt vào loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, McVeigh không có cơ hội xuất hiện. Luật sư của McVeigh Stephen Jones cho rằng anh ta đã gánh trách nhiệm vụ đánh bom và dù có tội, McVeigh chỉ là một con tốt trong ván cờ lớn. Ông đã điều tra những mối liên hệ của McVeigh với những tổ chức Hồi giáo, Elohim City. 

Một đoạn phim thẩm vấn McVeigh được truyền ra ngoài khi máy tính trung tâm được đưa đi sửa, trong đó McVeigh nói với các ủy viên về lý do anh ta đánh bom tòa nhà vào thời gian ấy trong ngày: "Để tăng số lượng người chết". Như vậy, McVeigh không thể nhận được sự đồng tình hay thông cảm nào từ bồi thẩm đoàn được chọn một tuần sau đó.

Ngày 24-8, phiên tòa chiếu các đoạn phim cận cảnh về các nạn nhân. Joseph Hartzler, trưởng ban công tố, bác bỏ hình ảnh mà McVeigh xây dựng như một chiến sĩ yêu nước: "Lý do duy nhất mà họ phải chết vì họ đã ở trong tòa nhà của chính quyền mà McVeigh căm ghét... Tổ tiên chúng ta không tấn công phụ nữ, trẻ em, họ chiến đấu với các chiến binh. Họ không đặt bom rồi bỏ chạy với nút bịt tai".

Trong khi đó, luật sư Stephen Jones đặt câu hỏi về việc chính phủ đã dành hai tuần để điều tra vụ đánh bom, hai năm để tập trung truy tố thân chủ của ông. Những dấu vết còn lại bỏ sót. Jones nêu ra: Một phụ nữ đã thấy trong chiếc xe tải Ryder vào ngày định mệnh ấy là một thanh niên tóc đen, to ngang, da sậm màu. Đó là người đồng minh bí ẩn của McVeigh chứ không phải anh ta.

Bên nguyên cáo có 137 nhân chứng làm chứng cho tung tích và hành động của McVeigh từ sự kiện Waco năm 1993. Vợ chồng Fortier là nhân chứng quan trọng nhất cho quá trình hoạch định và chế tạo bom của McVeigh. Chị gái của McVeigh cho rằng hành động của anh ta là kết quả rèn luyện trong quân ngũ, được dạy để dùng vũ lực chống lại một chính quyền không luật pháp theo ý anh ta.

Những nhân chứng bảo vệ bị cáo chỉ có một tuần để trình bày. Và họ không thể chứng minh được gì khi McVeigh đã nói với vô số người về sự căm ghét chính quyền của anh ta lẫn ý định đánh bom vào ngày ấy.

Trong buổi tranh luận, luật sư Jones đã chỉ ra rằng các nhà điều tra không có bằng chứng về sự xuất hiện của McVeigh gần tòa nhà bị đánh bom, cũng như không thu được dấu vân tay của McVeigh trên tay lái.

Sau 23 giờ bàn luận, bồi thẩm đoàn phán quyết McVeigh có tội với 11 tội danh. Đoạn cuối của phiên tòa, những nhân chứng kể lại những gì họ đã thấy trên hiện trường vụ đánh bom, nói về những người thân đã mất. So với những câu chuyện ấy, lời khai của McVeigh và lời nói của Jones rằng thân chủ ông vốn không mang hằn thù nào với những nạn nhân không thể so được.

Trong hai ngày, số phận của McVeigh đã được bồi thẩm đoàn quyết định. Ngày 13-6-1997, lời phán quyết cuối cùng được đưa ra: Tử hình. Hai tháng sau, McVeigh vào phòng xử án để nghe lời tuyên án.

Những đơn kháng cáo của McVeigh đều vô hiệu. Vào tháng 3-2000, một show truyền hình phỏng vấn McVeigh rằng có thật sự đánh bom hay không. Anh ta đã bày tỏ cảm nghĩ về chính quyền, về sự phục vụ của anh ta trong chiến tranh, về chính sách đối ngoại và căm giận về sự dạy dỗ của chính quyền, qua những cuộc chiến và án tử hình, rằng "Bạo lực là một giải pháp có thể chấp nhận".

Ngày 11-6-2001, án tử hình với McVeigh được thực hiện.   

LAN THẢO

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm